Quy hoạch “băm nát” đường Lê Văn Lương: Hà Nội “phản pháo” Kết luận thanh tra

Diendandoanhnghiep.vn Liên quan tới chuyện quy hoạch tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu bị “băm nát”, đại diện UBND TP. Hà Nội đã phản bác nhiều điểm trong Kết luận thanh tra và cho rằng “chưa thỏa đáng”…

>>Quy hoạch “băm nát” đường Lê Văn Lương: Đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc

Theo đó, chiều 1/7, UBND TP.Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý 2/2022. Báo chí đã đặt nhiều câu hỏi xung quanh Kết luận thanh tra 39 của Thanh tra Bộ Xây dựng nói về “băm nát” quy hoạch đường Lê Văn Lương – Tố Hữu. Đây là vấn đề được nhiều cơ quan báo chí đặt câu hỏi nhất trong cuộc họp báo này.

Cuối giờ chiều, ông Trương Việt Dũng, Chánh Văn phòng UBND TP.Hà Nội chủ trì buổi họp báo đã mời ông Phạm Quốc Tuyến, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc trả lời thông tin báo chí nêu về “băm nát” quy hoạch đường Lê Văn Lương – Tố Hữu. Ông Tuyến cho biết, tuyến đường Lê Văn Lương được hình thành từ lâu, có tính chất thay đổi qua nhiều thời kỳ.

Ông Phạm Quốc Tuyến, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc trao đổi thông tin với báo chí liên quan tới tuyến đường Lê Văn Lương.

Ông Phạm Quốc Tuyến, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội tại buổi họp báo. Ảnh: Khôi Nguyên

Đã được thống nhất chủ trương?

Trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch chung thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 8/1998, UBND TP.Hà Nội phê duyệt Quy hoạch chi tiết tuyến đường Giảng Võ, Láng Hạ, Tố Hữu. Trong đó có đoạn tuyến Lê Văn Lương. Vào thời điểm này, toàn bộ trục đường Láng Hạ - Thanh Xuân (nối tiếp từ Giảng Võ đến vành đai 2) đã được xác định xây dựng cao tầng.

Theo Quy hoạch chi tiết này xác định chiều cao trung bình công trình từ 5,62 tầng đến 18,5 tầng (từ 1 tầng đến 33 tầng); tập trung cao nhất tại khu vực các nút giao thông của tuyến đường với các phố như Hoàng Đạo Thúy, Hoàng Minh Giám. 

Thời điểm kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, thực hiện chủ trương của HĐND thành phố, tháng 4/2008, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch về việc thực hiện chương trình chỉnh trang, nâng cấp và tăng cường trật tự đô thị phục vụ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Trong đó, tuyến đường Lê Văn Lương là một trong 12 tuyến đường UBND thành phố giao các sở, ngành và UBND quận, huyện tổ chức thực hiện quy hoạch chỉnh trang để tạo dựng được tuyến phố văn minh, hiện đại, tăng hiệu quả khai thác sử dụng đất.

Năm 2008, cùng với việc hợp nhất thành phố Hà Nội với tỉnh Hà Tây và một phần tỉnh Hòa Bình, Vĩnh Phúc, UBND TP.Hà Nội đã chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc rà soát quy hoạch khu vực, nghiên cứu đề xuất phương án định hướng tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan 2 bên trục đường Lê Văn Lương và đường Phạm Hùng.

Quá trình thực hiện, UBND TP.Hà Nội đã có công văn gửi Bộ Xây dựng vào tháng 9/2008, đề nghị xem xét, chấp thuận nguyên tắc nội dung nghiên cứu định hướng tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan tỷ lệ 1/2000 hai bên tuyến đường Lê Văn Lương thuộc Q.Thanh Xuân, Cầu Giấy làm cơ sở lập điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 khu vực này theo quy định. 

Tháng 10/2008, Bộ Xây dựng đã thống nhất về nguyên tắc chủ trương quy hoạch tổ chức không gian hai khu vực trên. Trên cơ sở thống nhất của Bộ Xây dựng nêu trên, Sở QHKT đã báo cáo và UBND thành phố vào tháng 11/2008 chấp thuận về nguyên tắc quy hoạch định hướng tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan hai bên tuyến đường Lê Văn Lương và đường Phạm Hùng.

"Đây là cơ sở để nghiên cứu việc nghiên cứu điều chỉnh cục bộ quy hoạch tại các bước tiếp theo, báo cáo UBND thành phố xem xét phê duyệt theo quy định. Theo đó, định hướng tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan tuyến đường Lê Văn Lương được UBND Thành phố chấp thuận chức năng công cộng (khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại) cao nhất là 45 tầng, chức năng hỗn hợp là 32 tầng" - ông Tuyến nói và cho biết, định hướng nghiên cứu này đã được cập nhật trong đồ án Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 26/6/2011.

>>Quy hoạch “băm nát” đường Lê Văn Lương: Không thể nhân nhượng với tiêu cực

Nhiều dự án, công trình ở khu vực đường Lê Văn Lương - Tố Hữu bị điều chỉnh sai quy định. Ảnh: Lê Quân

Nhiều dự án, công trình ở khu vực đường Lê Văn Lương - Tố Hữu bị điều chỉnh sai quy định. Ảnh: Lê Quân

Hà Nội cho rằng kết luận “chưa thỏa đáng”

Theo ông Tuyến, qua các thời kỳ từ năm 2002 đến nay, trục Lê Văn Lương luôn được xác định là xây dựng trục cao tầng. Để triển khai chỉnh trang các tuyến phố theo 1.000 năm Thăng Long, để phù hợp với định hướng mới sau khi hợp nhất, UBND Thành phố đã báo cáo và được Bộ Xây dựng thống nhất điều chỉnh chiều cao theo hướng nâng thêm chiều cao tầng các công trình tại đây. Nội dung định hướng cao tầng này cũng đã được cập nhật vào Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt vào 2011. 

Mặt khác các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc tại các dự án không vượt các chỉ tiêu khống chế về hạ tầng khung, chỉ tiêu khống chế quy hoạch kiến trúc tại quy hoạch phân khu, đồng nghĩa với việc vẫn đảm bảo yêu cầu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đã xác định tại quy hoạch phân khu được duyệt. 

Với các định hướng tại Quy hoạch chung Thủ đô, quy hoạch phân khu, Việc UBND thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết năm 2016 cũng như giải quyết các dự án theo hướng tập trung cao tầng tại đây phù hợp với ý kiến Bộ Xây dựng đã thỏa thuận và chủ trương, định hướng phát triển kinh tế xã hội của thành phố qua các thời kỳ và định hướng tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011. Việc kết luận cao tầng gây quá tải, thiếu trường học, nhà trẻ, giảm tiện ích… tại một số dự án là chưa thỏa đáng. 

Đồng thời, Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết, quy hoạch tổng mặt bằng, phương án kiến trúc không thuộc trường hợp điều chỉnh là chưa áp dụng đúng quy định luật Xây dựng 2003, luật Quy hoạch đô thị 2009, các quy định liên quan khác, chưa tính đến các yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của thủ đô trong suốt giai đoạn này.  

Trước đó, theo Kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng, có khoảng 15 dự án điều chỉnh nhiều lần. Đối chiếu với quy định luật Xây dựng, luật Quy hoạch đô thị (tại luật Xây dựng và luật Quy hoạch đô thị quy định cấp nào phê duyệt quy hoạch thì cấp đó sẽ phê duyệt điều chỉnh…), Thanh tra Bộ Xây dựng xác định các lần điều chỉnh là chưa chính xác.

Thanh tra Bộ Xây dựng cho rằng các văn bản như: văn bản chủ trương của UBND thành phố, văn bản trả lời liên thông của Sở, văn bản chấp thuận tổng mặt bằng và phương án kiến trúc, văn bản điều chỉnh cơ cấu căn hộ…. được hiểu là các lần điều chỉnh là chưa đúng quy định của luật Xây dựng và luật Quy hoạch đô thị.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Quy hoạch “băm nát” đường Lê Văn Lương: Hà Nội “phản pháo” Kết luận thanh tra tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713560388 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713560388 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10