Luật Đấu thầu (sửa đổi): “Gỡ” triệt để vướng mắc trong đấu thầu

KHÔI NGUYÊN 30/07/2022 01:31

Sau gần 9 năm đi vào cuộc sống, Luật Đấu thầu được đánh giá đã có rất nhiều bước tiến. Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai cho thấy vẫn còn một số nội dung cần sửa đổi để phù hợp với thực tế…

>>Còn chồng chéo giữa Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng

hihi

Việc sửa đổi Luật Đấu thầu sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp, giúp giảm tiêu cực trong đấu thầu, sử dụng hiệu quả nguồn vốn nhà nước, nguồn lực từ đất đai.

Thông tin tới báo chí, đại diện Cục Quản lý đấu thầu cho biết, Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) gồm 10 chương, 93 điều, trong đó bỏ 8 điều, sửa đổi 64 điều và giữ nguyên 11 điều. Dự thảo đã chia rõ các nhóm chính sách chính để lấy ý kiến nhằm sửa đổi Luật.

Cụ thể, xác định rõ phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng Luật Đấu thầu, các luật có liên quan và điều ước, thỏa thuận quốc tế về ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu. Đơn giản hóa quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; cắt giảm thời gian, chi phí trong hoạt động đấu thầu. Hoàn thiện quy định về đấu thầu mua sắm hàng hóa trong nước, mua sắm các sản phẩm đổi mới sáng tạo, mua sắm xanh, mua sắm sản phẩm dịch vụ được sản xuất bởi nhóm lao động yếu thế. Cuối cùng là nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu thầu; phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động đấu thầu.

Theo đại diện Cục Quản lý đấu thầu, việc xây dựng Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) bảo đảm kế thừa, tiếp tục phát triển và hoàn thiện những quy định của Luật Đấu thầu còn phù hợp với thực tế, đã có tác động tích cực đến hoạt động mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, xem xét bổ sung, sửa đổi những quy định đã phát sinh hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhằm giải quyết căn cơ, triệt để các bất cập.

“Đặc biệt, quy định của Luật Đấu thầu (sửa đổi) phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong nội tại Luật cũng như các luật khác có liên quan như: Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư...”, vị này cho biết.

Bên cạnh đó, đại diện Cục Quản lý đấu thầu cũng khẳng định, Luật Đấu thầu (sửa đổi) sẽ tiếp tục đẩy mạnh phân cấp trong việc quyết định các nội dung về đấu thầu, cải cách thủ tục đấu thầu, nhưng vẫn đảm bảo thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tăng cường chế độ kiểm tra, giám sát, hậu kiểm và phối hợp giữa cơ quan quản lý các cấp.

Chia sẻ với phóng viên xung quanh vấn đề này, theo ông Phạm Văn Thành, Thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn Cao su Việt Nam cho biết, Tập đoàn có 15 đơn vị thành viên đang hoạt động tại nước ngoài. 15 đơn vị này cũng thường xuyên phải tổ chức lựa chọn nhà thầu và gặp nhiều khó khăn do chưa có hướng dẫn để đấu thầu. Trong khi đó, các nhà thầu Việt Nam hầu như không đăng ký hoạt động tại nước ngoài. Đó là chưa kể việc áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu đối với các đơn vị thành viên cũng gặp nhiều khó khăn khi xác định nguồn vốn.

“Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã mạnh dạn đề cập đến nhiều nội dung mở rộng phạm vi điều chỉnh như sửa đổi điểm c khoản 1 Điều 1 quy định về vốn của doanh nghiệp nhà nước cũng như sửa đổi định nghĩa về vốn nhà nước tại khoản 49 Điều 4”, ông Thành chia sẻ.

>>Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi): Góp phần nâng tầm hàng Việt

Luật Đấu thầu (sửa đổi) sẽ tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế...

Luật Đấu thầu (sửa đổi) sẽ tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế.

Cũng liên quan đến một số nội dung trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN cho biết, Dự thảo Luật đã bổ sung nhiều nội dung thiết thực để hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là doanh nghiệp mới thành lập. Thực tế, từ công tác quản lý đấu thầu tại địa phương cho thấy, đối tượng doanh nghiệp nhỏ, mới thành lập gặp nhiều khó khăn để dự thầu, trúng thầu.

“Tăng cơ hội cạnh tranh cho nhà thầu như vậy chính là tạo động lực để doanh nghiệp phát triển, hỗ trợ đơn vị khởi nghiệp thiết thực”, luật sư Nguyễn Trọng Hiệp nhận định.

Cũng theo giám đốc Công ty Luật HPVN, bất cập lớn nhất đối với công tác mua sắm, đấu thầu cung cấp thuốc, vật tư y tế là pháp luật hiện hành chưa bao quát hết các trường hợp cần thiết áp dụng chỉ định thầu dẫn tới lúng túng khi thực thi, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài trong 2 năm 2020 - 2021 vừa qua. Nội dung của Dự thảo Luật đã bổ sung, hoàn thiện các quy định về hình thức chỉ định thầu, các quy định liên quan đến việc chọn nhà thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng, gỡ đúng chỗ vướng, giải tỏa tâm lý cho đội ngũ cán bộ đấu thầu trong lĩnh vực y tế.

Xung quanh việc lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi),  đại diện Cục Quản lý Đấu thầu cho biết, Luật Đấu thầu năm 2013 được đánh giá là một khung pháp lý có tính ổn định, tiệm cận với các mô hình tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, do thực tiễn phát sinh và những thay đổi của các pháp luật liên quan, đã đến lúc cần có những sửa đổi, bổ sung kịp thời.

“Bộ KH&ĐT nghiêm túc, cầu thị, lắng nghe đầy đủ, chính xác ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương để có thể trình một Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) hoàn thiện nhất, vận hành hiệu quả, minh bạch nhất”, đại diện Cục Quản lý Đấu thầu khẳng định.

Có thể bạn quan tâm

  • Còn chồng chéo giữa Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng

    Còn chồng chéo giữa Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng

    00:06, 29/07/2022

  • Nhiều quy định của Luật Đấu thầu chồng chéo, mâu thuẫn với các Luật

    Nhiều quy định của Luật Đấu thầu chồng chéo, mâu thuẫn với các Luật

    03:40, 05/04/2022

  • Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi): Góp phần nâng tầm hàng Việt

    Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi): Góp phần nâng tầm hàng Việt

    00:44, 21/07/2022

KHÔI NGUYÊN