Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra lấy ý kiến trong đó có đề xuất bổ sung thêm các ưu tiên, ưu đãi khuyến khích nhà thầu sản xuất trong nước phát triển…
>>Nhiều quy định của Luật Đấu thầu chồng chéo, mâu thuẫn với các Luật
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện Luật Đấu thầu có quy định ưu đãi doanh nghiệp trong nước nhưng chưa đầy đủ để khuyến khích sản xuất hàng hóa thay thế hàng nhập khẩu. Vì thế, Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đề xuất bổ sung quy định theo hướng tỷ lệ chi phí sản xuất trong nước càng cao thì ưu đãi càng nhiều. Ví dụ, tỷ lệ sản xuất trong nước 25% trở lên thì ưu đãi 7,5%, tỷ lệ sản xuất trong nước từ 50% trở lên thì ưu đãi 12%.
Bên cạnh đó, khoản 4 Điều 17 Dự thảo Luật (dự thảo lần 1) quy định, đối với gói thầu mua sắm hàng hóa được tổ chức đấu thầu trong nước mà có ít nhất ba hãng sản xuất cho ba mặt hàng xuất xứ trong nước đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, chất lượng, giá cả thì người có thẩm quyền quyết định việc yêu cầu nhà thầu chào hàng hóa xuất xứ trong nước.
Cùng với đó, để khuyến khích nhà sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu, Dự thảo Luật cũng đề xuất ưu đãi đối với nhà thầu với việc không yêu cầu về hợp đồng tương tự; đồng thời ưu đãi với nhà sản xuất khởi nghiệp khi không yêu cầu về hợp đồng tương tự cũng như doanh thu.
Đánh giá cao đề xuất bổ sung ưu đãi cao hơn đối với hàng hóa sản xuất trong nước, nhiều doanh nghiệp cho rằng, đây là một bước tiến mới nữa trong Luật Đấu thầu nhằm khuyến khích hàng hóa trong nước, từ đó từng bước nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt.
>>Cần sửa đổi toàn diện Luật Đấu thầu
Trả lời báo chí, Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn đô thị Việt Nam - Vinacity Lê Trung Hưng cho rằng, lâu nay, khi lập dự án đầu tư hay dự toán mua sắm hàng hóa, chủ đầu tư vẫn có tư tưởng “sính ngoại”. Vì thế, muốn nâng cao sử dụng hàng Việt trong đấu thầu thì không chỉ có Luật Đấu thầu mà các luật liên quan cũng cần có những quy định để tăng cường sử dụng hàng sản xuất trong nước ngay từ khi lập dự án đầu tư hay dự toán mua sắm hàng hóa.
Đồng quan điểm, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cơ điện Xây dựng (Agrimeco) -ông Lê Văn An nhận định, theo Dự thảo Luật thì hàng hóa trong nước đã được ưu đãi hơn so với quy định hiện hành, song tỷ lệ ưu đãi đề xuất vẫn thấp. “Tỷ lệ ưu đãi tương xứng đối với nhà sản xuất trong nước trong việc tham gia hoạt động đấu thầu phải gấp đôi các con số đề xuất trên”, ông An nêu quan điểm.
Đối với đề xuất nếu ở trong nước có từ 3 nhà sản xuất trở lên đáp ứng thì yêu cầu nhà thầu chào hàng hóa xuất xứ trong nước, lãnh đạo Agrimeco cho rằng, cần bổ sung quy định để bảo đảm thực thi có hiệu quả. Ví dụ, bổ sung trách nhiệm với chủ đầu tư trong trường hợp trong nước có 3 nhà sản xuất đáp ứng nhưng không yêu cầu nhà thầu chào hàng hóa trong nước.
Với giải pháp đề xuất ưu đãi không yêu cầu về hợp đồng tương tự với nhà thầu là nhà sản xuất cũng như không yêu cầu về hợp đồng tương tự cũng như doanh thu với nhà sản xuất khởi nghiệp, một số chuyên gia cho rằng, đây là bổ sung cần thiết để tạo cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất trong nước lớn lên.
Tuy nhiên, để chặt chẽ hơn, Dự thảo Luật cần làm rõ trường hợp đối với những hàng hóa không gắn với việc thi công lắp đặt thì không cần yêu cầu hợp đồng tương tự; ngược lại, với hàng hóa có gắn với thì công lắp đặt thì vẫn phải yêu cầu hợp đồng tương tự để bảo đảm năng lực, kinh nghiệm thực hiện.
Bên cạnh đề xuất các ưu đãi đối với nhà thầu sản xuất trong nước, Dự thảo Luật Đấu thầu lần này sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước, mua sắm các sản phẩm đổi mới sáng tạo như: bổ sung nội dung mua sắm công xanh nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng xanh; bổ sung quy định ưu tiên, ưu đãi cho nhà thầu là các doanh nghiệp có sử dụng lao động thuộc nhóm yếu thế (phụ nữ, thương binh, người khuyết tật) và hàng hóa được sản xuất bởi nhóm yếu thế theo hướng thực chất, hiệu quả hơn.
Có thể bạn quan tâm