Khó chứng minh tội nhận hối lộ
Thời gian qua, hàng loạt vụ án về kinh tế, tham nhũng bị phát hiện và xử lý đã cho thấy những nỗ lực của các cơ quan có thẩm quyền trong công cuộc phòng, chống tham nhũng,...
>>Cơ chế xử lý tham nhũng còn bất cập
Tuy nhiên, từ thực tế trong một số vụ án xảy ra gần đây, các chuyên gia pháp lý cho rằng, việc chứng minh tội nhận hối lộ gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí dù người đưa, người môi giới đã có lời khai khá rõ ràng nhưng cơ quan chức năng vẫn không thể tìm ra người nhận. Nếu người đưa, nhận hối lộ phủ nhận, vụ án có thể đi vào ngõ cụt, vậy chứng cứ đến đâu thì "đủ" trong việc chứng minh loại tội phạm này?
Người bị kết án, kẻ thoát tội
Trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ ở Phú Thọ, bị cáo Nguyễn Văn Dương khai đã cho tướng Phan Văn Vĩnh chiếc đồng hồ Rolex trị giá 7.000 USD, 27 tỷ đồng, 1,75 triệu USD; chi cho C50 đúng 850 triệu đồng và một phần mềm diệt virút trị giá 30.000 USD; cho tướng Nguyễn Thanh Hóa 22 tỷ đồng; chi khoảng 10 tỷ đồng tiền rượu cho các bữa tiệc của Tổng cục Cảnh sát.
Quá trình điều tra, bị cáo Phan Văn Vĩnh chỉ thừa nhận cầm của Dương áo sơ mi, thuốc bổ gan, rượu… và không nhận tiền. Cơ quan điều tra chỉ xác định được việc Dương cho C50 bộ phần mềm và 700 triệu đồng. Ngoài ra, chưa có căn cứ làm rõ việc tướng Vĩnh, tướng Hóa nhận tiền từ Nguyễn Văn Dương cho đến nay vẫn chưa xử lý được đối tượng nào về hành vi nhận hối lộ.
Hay, trong vụ buôn thuốc giả VN Pharma, bị cáo Ngô Anh Quốc – nguyên Phó TGĐ Cty CP VN Pharma, khai nhận đã đưa 10,8 tỷ đồng cho luật sư để chạy án. Dù tất cả các lời khai của bị cáo đều trùng khớp, nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn không thể khởi tố, đưa ra xét xử bất cứ một đối tượng nào nhận hối lộ. Lời khai của bị cáo cho thấy, những kẻ nhận hối lộ gợi ý đòi đến 500.000 USD và thực tế, các bị cáo đã hối lộ hơn chục tỷ đồng.
Trước đó, vụ án “Vua logo” liên quan đến lực lượng cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông tỉnh Đồng Nai. Trong khi hơn chục đối tượng bị khởi tố về tội môi giới hối lộ và đưa hối lộ với tổng số tiền là 25 tỷ đồng. Nhưng, 87 đối tượng có liên quan là cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông tỉnh Đồng Nai đều thoát tội ngoạn mục vì họ… không thừa nhận.
Đó là hàng loạt những vụ án lớn, liên quan đến nhiều quan chức cấp cao có dấu hiệu của tội phạm “đưa – nhận” hối lộ mà chưa thể xử lý triệt để do khó khăn trong việc điều tra, thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm gây bức xúc dư luận trong thời gian qua.
>>Không đủ căn cứ buộc tội 80 CSGT, thanh tra giao thông nhận hối lộ
Cần các biện pháp nghiệp vụ đặc biệt
Trao đổi với DĐDN, luật sư Nguyễn Thành Luân - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Việt cho rằng, trên thực tế nhiều vụ việc có dấu hiệu của cả hai tội đưa hối lộ và nhận hối lộ. Mặc dù pháp luật đã quy định khá chặt chẽ, nhưng việc chứng minh tội phạm trên thực tế lại không dễ dàng.
Chẳng hạn như đối với tội "đưa hối lộ", việc đưa hối lộ có thể diễn ra dưới nhiều hình thức như: đưa tận tay, chuyển khoản, thanh toán theo hợp đồng khống... Ngoài ra, người đưa hối lộ có thể không đưa hối lộ trực tiếp cho người có chức vụ, quyền hạn, mà đưa cho người thân của họ.
“Không chỉ vậy, việc chứng minh mục đích, ý thức chủ quan của người phạm tội rất khó. Bên cạnh đó, khi vụ việc bị phát giác, người đưa/nhận hối lộ thường không thừa nhận hành vi nên rất khó xử lý”, luật sư Nguyễn Thành Luân chia sẻ.
Tuy nhiên, theo luật sư Luân, lời khai nhận tội hoặc chối tội của người có dấu hiệu phạm tội không được xem là chứng cứ duy nhất. Lời khai này phải xem xét có phù hợp với những lời khai, chứng cứ khác trong vụ án như lời khai của người liên quan, người làm chứng... hay không? Và hơn hết, cơ quan tố tụng phải có thái độ kiên quyết, kiên trì đấu tranh với tội phạm này.
Đồng quan điểm, luật sư Tạ Anh Tuấn – Trưởng Văn phòng Luật sư Bách Gia Luật và Liên Danh cho rằng, tội đưa, nhận và môi giới hối lộ là những tội danh độc lập với nhau trong Bộ luật hình sự, mặc dù trên thực tế các hành vi này có mối quan hệ mật thiết với nhau, có người đưa thì có người nhận và ngược lại.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp người đưa nhầm tưởng người nhận là người có chức vụ, quyền hạn nhưng thực tế không phải vậy. Khi đó, người đưa đã cấu thành tội đưa hối lộ, còn người nhận có thể bị xử lý về tội danh khác.
Do đó, không nhất thiết phải chứng minh tội này đồng thời với tội kia. Song song đó, điều này cũng dẫn tới trường hợp vô lý là có người đưa hối lộ, có người môi giới nhưng không có người nhận hối lộ. Trong đó, một số vụ án cơ quan điều tra chỉ căn cứ vào lời khai không thừa nhận đã đưa, nhận hối lộ để kết luận không đủ căn cứ xử lý là đã không làm đầy đủ các biện pháp nghiệp vụ điều tra theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Theo luật sư Tạ Anh Tuấn, hiện nay, Bộ luật Tố tụng hình sự đã có quy định về các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt như: ghi âm, ghi hình bí mật, nghe điện thoại bí mật, thu thập bí mật dữ liệu điện tử đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền và tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần áp dụng các biện pháp nghiệp vụ đặc biệt trong việc thu thập lời khai, chứng cứ, đối chất giữa các bên... để đấu tranh, tránh bỏ lọt tội phạm.
Có thể bạn quan tâm
Khởi tố Tổng Giám đốc Công ty CP công trình công cộng Hội An vì nhận hối lộ
13:36, 28/06/2022
Vụ nhận hối lộ ở Cục Lãnh sự: Bắt thêm 2 nữ giám đốc để làm rõ tội đưa hối lộ
18:17, 06/05/2022
Cựu Trưởng Công an quận Tây Hồ đã nhận hối lộ thế nào?
17:59, 06/05/2022
Vụ nhận hối lộ ở Cục Lãnh sự: Bắt Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng
19:39, 14/04/2022
Vụ nhận hối lộ ở Cục Lãnh sự: Có hành vi lợi dụng chính sách để trục lợi
22:00, 04/04/2022
Vụ án tại Cục Lãnh sự: Bắt một nữ Tổng giám đốc về tội Đưa hối lộ
16:56, 25/03/2022
Đại tá Nguyễn Thế Anh bị khai trừ khỏi Đảng vì nhận hối lộ và nhiều sai phạm khác
15:00, 15/03/2022