“Nghìn lẻ một” chiêu trò trốn thuế - Bài 5: Chiêu bài “công ty ma”
Lợi dụng “kẽ hở” trong việc thành lập doanh nghiệp, nhiều đối tượng lập ra hàng loạt “công ty ma” để buôn bán hóa đơn GTGT nhằm trục lợi tiền thuế, gây thất thu ngân sách…
>>“Nghìn lẻ một” chiêu trò trốn thuế - Bài 4: Nghi vấn “lỗ giả” của nhiều “ông lớn” FDI
Thời gian qua, hàng loạt vụ án trốn thuế bị khởi tố, những chiêu trò, thủ đoạn né thuế, tránh thuế dù hết sức tinh vi để trục lợi cũng đã bị cơ quan chức năng lật tẩy. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nguy hiểm và nghiêm trọng nhất vẫn là hành vi lập doanh nghiệp ma chỉ để buôn bán hóa đơn. Bởi vì hiện nay, cơ chế, thủ tục thành lập doanh nghiệp rất thông thoáng và đơn giản, chỉ cần có thông tin cá nhân, kèm theo các tờ khai về địa chỉ, ngành nghề đăng ký kinh doanh, kê khai vốn điều lệ… và chờ trong khoảng 1 tuần thì sẽ hoàn tất các thủ tục cho ra đời một doanh nghiệp.
Lợi dụng điểm này, nhiều đối tượng đã thuê người hoặc đứng ra thành lập hàng loạt doanh nghiệp tư nhân, để mua bán hóa đơn giá trị gia tăng. Sau khi có tư cách pháp nhân, các đối tượng vẫn nộp báo cáo thuế hàng tháng đầy đủ với cơ quan quản lý thuế, nhưng thay vì hoạt động sản xuất, kinh doanh thật sự, các đối tượng này sẽ tiến hành mua bán hóa đơn.
Ngày 3/8 vừa qua, Công an tỉnh Đắk Nông đã triệt phá đường dây chuyên thành lập công ty "ma" để bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) "khống" với số lượng lớn ở nhiều tỉnh, thành phố. Theo kết quả điều tra ban đầu, Công ty Nam Nam Nguyên, Công ty Bắc Nam Nguyên và Công ty Quốc Anh đều có trụ sở tại tỉnh Đắk Nông do đối tượng Doãn Đình Đông (ngụ TP HCM) chỉ đạo thành lập trong giai đoạn 2018-2021.
Mục đích thành lập các công ty "ma" này là bán hóa đơn GTGT cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và kinh doanh vật liệu xây dựng trên toàn quốc có nhu cầu sử dụng hóa đơn GTGT để kê khai, hợp thức hóa đơn đầu vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tổng cộng 3 công ty do trên đã xuất 1.112 tờ hóa đơn cho hơn 200 doanh nghiệp, tổng số tiền chưa tính thuế là gần 157 tỉ đồng, tiền thuế VAT là gần 16 tỉ đồng.
Mở rộng điều tra, ngoài việc thành lập 3 công ty "ma" tại tỉnh Đắk Nông, đối tượng Đông còn thành lập 29 công ty "ma" tại nhiều tỉnh, thành phố để bán hóa đơn trái phép. Hiện cơ quan công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam 5 đối tượng để điều tra về hành vi mua bán trái phép hóa đơn.
Hay như trước đó, ngày 31/5/2021, Công an tỉnh Thanh Hóa đã triệt phá chuyên án, bắt giữ 8 đối tượng liên quan đến đường dây lập "công ty ma" mua bán hóa đơn. Theo cơ quan điều tra, đường dây đã thành lập hàng chục "công ty ma" để mua bán trái phép hoá đơn thuế giá trị gia tăng lớn nhất từ trước đến nay, thu lời bất chính trên 200 tỷ đồng.
Khám xét nơi ở của các đối tượng, Công an TP Thanh Hóa đã thu giữ 10 thùng hóa đơn, chứng từ, 8 máy tính, 8 điện thoại di động, 17 con dấu của hơn 10 "công ty ma”, 550 triệu đồng tiền mặt, cùng nhiều tang vật có liên quan đến việc mua bán trái phép hóa đơn thuế giá trị gia tăng. Đồng thời, lực lượng Công an TP Thanh Hóa cũng tiến hành phong tỏa 8 tài khoản của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh.
>>“Nghìn lẻ một” chiêu trò trốn thuế - Bài 1: “Che” thu nhập, “giấu” doanh thu
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Trần Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La cho rằng, những vụ án bị phanh phui trên đây chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, một phần nhỏ của miếng bánh béo bở mà mua bán hóa đơn trái phép mang lại. Bởi trên thực tế, theo đánh giá của cơ quan thuế, tình trạng vi phạm trong sử dụng hóa đơn thời gian qua không những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn.
Theo luật sư Nguyễn Đức Biên, nguyên nhân của các vụ việc này là do nhu cầu về hóa đơn của các doanh nghiệp rất lớn. Các đơn vị chọn cách mua hóa đơn để hạch toán cân đối giữa thuế đầu vào và thuế đầu ra, hạn chế số thuế GTGT phải nộp, hợp thức hóa quá trình sản xuất kinh doanh có gian lận đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực thi công xây lắp công trình, vận tải..
Bên cạnh đó theo luật sư Biên, lợi dụng sự thông thoáng của Luật Quản lý thuế, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư nên nhiều đối tượng đăng ký thành lập doanh nghiệp nhằm mục đích mua bán hóa đơn GTGT, trốn thuế, làm bình phong che đậy các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Đồng thời, các tổ chức, cá nhân lợi dụng việc cấp giấy phép kinh doanh đơn giản để thành lập doanh nghiệp. Cán bộ của cơ quan chức năng không thẩm định hoặc thẩm định không kĩ về con người, năng lực kinh doanh, vốn điều lệ… mà đã cho thành lập doanh nghiệp; công tác kê khai, quản lý thuế, quản lý sử dụng hóa đơn, kiểm tra doanh nghiệp, giao dịch tại ngân hàng... còn một số điểm thiếu chặt chẽ và bất cập; chế tài xử lý hình sự đối với tội phạm mua bán hóa đơn còn thấp và chưa đủ tính răn đe…
Trong khi đó, theo Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La, thủ đoạn của các đối tượng phạm tội mua bán hóa đơn khá tinh vi như: mượn giấy tờ như CMND, CCCD, hợp đồng thuê nhà… của người thân trong gia đình, bạn bè, chủ cho thuê nhà để thành lập, đứng tên giám đốc, kế toán, để đăng ký thành lập doanh nghiệp; tự ký tên giám đốc, kế toán rồi đăng ký chữ ký với cơ quan chức năng hoặc tìm cách mua lại công ty phá sản, công ty đã tạm dừng hoạt động nhưng có mã số thuế tồn tại trên hệ thống từ 3 năm trở lên rồi làm thủ tục mua bán lại công ty, sang tên để hoạt động trở lại nhưng thực tế là mua bán hóa đơn. Tạo chứng từ thanh toán không sử dụng tiền mặt, các đối tượng mạo danh chủ doanh nghiệp lập, ký hồ sơ mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng để chuyển khoản, tạo chứng từ thanh toán cho số hóa đơn mua, bán trái phép có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên. Hợp lý hóa hóa hồ sơ, chứng từ như hợp đồng kinh tế, ủy nhiệm chi, chứng từ ngân hàng gần như là đầy đủ không phát hiện được hành vi mua bán hóa đơn, tìm mọi lý do để che dấu vết tại ngân hàng, thuê người khác rút tiền, chuyển tiền tại ngân hàng, thường xuyên thay đổi số điện thoại hoặc liên lạc qua mạng xã hội nên rất khó cho công tác phát hiện…
Cũng trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp về giải pháp ngăn chặn hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, luật sư Tạ Anh Tuấn – Trưởng văn phòng Bách Gia Luật và liên doanh cho rằng, trước hết các cơ quan quản lý cần làm tốt công tác hậu kiểm, kiểm soát tốt hoạt động thành lập doanh nghiệp. Các cơ quan chức năng cần hoàn thiện cơ sở pháp lý, siết chặt những kẽ hở trong hoạt động doanh nghiệp, kê khai và nộp thuế.
Hiện nay, khi công nghệ thông tin phát triển, thì việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý để tăng tính minh bạch và tạo thuận lợi cho người nộp thuế, đồng thời đẩy mạnh triển khai rộng khắp hóa đơn điện tử.
Hoá đơn điện tử là một hình thức hóa đơn hiện đại được thao tác hoàn toàn trên hệ thống điện tử, có kết nối internet. Nhờ những thao tác, thông tin được kê khai chính xác cùng những mã số cụ thể, riêng biệt sẽ giúp các cơ quan quản lý kiểm soát và theo dõi sát sao các doanh nghiệp, ngăn chặn được các hành vi mua bán hóa đơn, trốn thuế.
“Bên cạnh đó, bản thân người dân cũng cần nâng cao kiến thức pháp luật, tuyệt đối không cho người khác mượn danh và không nhận lời làm người chịu trách nhiệm của bất kỳ công ty nào mà không nắm rõ về hoạt động sản xuất kinh doanh. Khi phát hiện doanh nghiệp có dấu hiệu mua bán hóa đơn giá trị gia tăng phải có trách nhiệm tố cáo với cơ quan chức năng để làm rõ”, luật sư Tạ Anh Tuấn chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
“Nghìn lẻ một” chiêu trò trốn thuế - Bài 1: “Che” thu nhập, “giấu” doanh thu
04:00, 09/08/2022
“Nghìn lẻ một” chiêu trò trốn thuế - Bài 2: Những màn “ảo thuật” với thuế nhập khẩu
03:40, 10/08/2022
“Nghìn lẻ một” chiêu trò trốn thuế - Bài 3: “Hô biến” xuất xứ hàng hóa
04:05, 11/08/2022
“Nghìn lẻ một” chiêu trò trốn thuế - Bài 4: Nghi vấn “lỗ giả” của nhiều “ông lớn” FDI
03:50, 12/08/2022