Trốn thuế là một hiện tượng diễn ra phổ biến ở hầu hết các quốc gia có tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Trốn thuế gây ra bất bình đẳng xã hội, làm xói mòn cơ sở thuế và thất thu ngân sách…
>>Gian lận thuế GTGT – Bài cuối: Cần đồng bộ các giải pháp xử lý
Trong quá trình đổi mới, cùng với sự phát triển nhanh của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong đó có chính sách thuế đã được điều chỉnh kịp thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đem lại sự công bằng cho các chủ thể tham gia kinh doanh. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ở hầu khắp các địa phương trên cả nước, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về thuế đang xảy ra theo chiều hướng diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi.
Bỏ ngoài sổ sách kế toán
Theo các chuyên gia, một trong những thủ đoạn mà đối tượng trốn thuế thường sử dụng, đó là việc bỏ ngoài sổ sách kế toán, nhằm “che” thu nhập, “giấu” doanh thu của đơn vị. Đây là thủ đoạn khá phổ biến hiện nay.
Theo đó, người nộp thuế thường sử dụng đồng thời hai hệ thống sổ sách kế toán, một hệ thống sổ kế toán nội bộ phản ánh đầy đủ các giao dịch kinh tế, hệ thống kế toán còn lại chỉ phản ánh một phần các giao dịch kinh tế để khai thuế. Kiểu hành vi này thường xảy ra ở các doanh nghiệp kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ, ăn uống, khách sạn, xây dựng dân dụng và sản xuất nhỏ.
Các chuyên gia cho rằng, đây chính là một kiểu hoạt động kinh tế ngầm mà môi trường thuận lợi của nó là nền kinh tế tiền mặt. Rất khó có thể xác định được số thuế thất thu do hành vi trốn thuế này gây ra vì nếu xác định được thì đã không xảy ra thất thu thuế.
Điển hình ngày 23/4/2022 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Ngô Phú Cường (tức Cường Cát) về hành vi “Trốn thuế”. Theo đó, với vai trò trực tiếp quản lý, điều hành 4 công ty; thông qua 2 số tài khoản cá nhân của mình, từ năm 2016 – 2020, Cường đã giao dịch số tiền mua bán cát hơn 63 tỷ đồng. Tuy nhiên, Cường không xuất hóa đơn, không ghi chép vào sổ sách kế toán và không kê khai nộp thuế số tiền này. Qua đó, đã trốn thuế trên 19 tỷ đồng.
Cũng tại tỉnh An Giang, nói về hoạt động buôn lậu và trốn thuế thì không thể không nhắc đến “bà trùm” Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức Mười Tường) bị bắt năm 2021. Theo đó, ngoài các tội danh như: “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”, “Buôn lậu đường cát”, “Buôn lậu vàng”, “Vận chuyển trái phép USD qua biên giới”, “Rửa tiền”… Cơ quan điều tra còn tiếp tục làm rõ thêm hành vi trốn thuế của “bà trùm” này.
Theo đó, để trốn thuế, “bà trùm” Mười Tường đã lập ra nhiều công ty, cơ sở kinh doanh với các lĩnh vực khác nhau. Từ năm 2010 – 2020, “bà trùm” này đã không thực hiện việc kê khai nộp thuế theo quy định hơn 4.000 tỷ đồng. Hiện, cơ quan thuế đang khẩn trương rà soát số tiền mà Mười Tường đã trốn thuế.
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng đã xác định các tiệm vàng trên địa bàn TP Châu Đốc (tỉnh An Giang) cũng tham gia đường dây buôn lậu của Mười Tường có dấu hiệu trốn thuế, điển hình như: Tiệm vàng Trương Hưng từ năm 2014 - 2020 không kê khai nộp thuế theo quy định gần 9.000 tỷ đồng; cùng mốc thời gian trên, tiệm vàng Trương Liêm cũng không kê khai nộp thuế hơn 3.600 tỷ đồng.
>>Gian lận thuế GTGT – Bài 1: Nhận diện thủ đoạn “kiếm lời bất chính”
Vì sao dễ trốn thuế?
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh vấn đề này, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La cho biết, trốn thuế gây ảnh hưởng tiêu cực đến bất kỳ nền kinh tế nào và để ngăn ngừa và chống lại hiện tượng này cần hiểu rõ nguyên nhân của việc trốn thuế. Luật sư Nguyễn Đức Biên đã chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến việc người nộp thuế thực hiện hành vi trốn thuế. Cụ thể, thuế suất càng cao càng tạo ra tâm lý né tránh kê khai thu nhập chịu thuế hay giá tính thuế (đối với thuế nhập khẩu).
Điều này tạo ra các hành vi chuyển giá của các doanh nghiệp đa quốc gia nhằm nộp thuế ở những nước có thuế suất thấp hơn hay che giấu các khoản doanh thu, thu nhập thu nhập hoặc ngược lại ghi tăng chi phí đối với các doanh nghiệp khác. Các cá nhân không kê khai các khoản thu nhập không có chứng từ rõ ràng hoặc chỉ mới tạm khấu trừ thuế tại nguồn. Các đơn vị nhập khẩu kê khai giá nhập khẩu thấp hơn giá giao dịch để nộp thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng thấp.
Nguyên nhân thứ hai theo luật sư Biên, là dù liên tục được cải tiến, sửa đổi bổ sung nhưng các luật thuế thuế vẫn còn kẽ hở mà người nộp thuế có thể nhắm vào đó để thực hiện các hành vi gian lận thuế. Trong đó, hành vi thực hiện nhiều nhất là mua, bán hóa đơn để hợp thức hóa giao dịch; thành lập doanh nghiệp ma để bán hóa đơn sau đó bỏ trốn.
Bên cạnh đó còn do sự thiếu ý thức của người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế: Trình độ của một bộ phận dân cư còn thấp, nhất là trong việc nắm bắt các quy định, nội dung của các luật thuế. Điều này dẫn đến tình trạng tiếp tay với các hành vi cố ý của các doanh nghiệp trong việc mua bán hàng hóa, sử dụng hóa đơn nhằm trục lợi. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền chính sách thuế của Nhà nước nhìn chung vẫn chưa đến được với mọi tầng lớp dân cư, nên người dân không nhận thức rõ nghĩa vụ và quyền lợi khi đóng góp vào ngân sách nhà nước.
Tiếp đến là những hạn chế trong việc quản lý thuế của cơ quan thuế và các đội ngũ thực thi pháp luật khác: Đội ngũ công chức thuế chưa được trang bị đầy đủ về các biện pháp phòng, chống các hiện tượng trốn thuế, nhất là đội ngũ cán bộ thanh tra, kiểm tra. Một bộ phận cán bộ công chức thuế còn trục lợi, không liêm khiết, thỏa hiệp với người nộp thuế để bỏ qua các hành vi gian lận; chưa có cơ chế phối hợp tốt giữa cơ quan thuế và các cơ quan công an, kiểm toán nhà nước.
Đặc biệt, theo luật sư Nguyễn Đức Biên, sự tồn tại các giao dịch bằng tiền mặt, cộng với sự nở rộ của các dịch vụ chia sẻ như dịch vụ lưu trú Airbnb hay dịch vụ vận chuyển Grab, các trang thương mại điện tử với nhiều tài khoản kinh doanh như Lazada, Tiki, Shopee, …; các dịch vụ quảng cáo trực tuyến của Google, Yahoo, Youtube … tạo ra nhiều nguy cơ trốn thuế: Các luật thuế hiện tại quy định giao dịch thanh toán dưới 20 triệu đồng có thể dùng tiền mặt thì vẫn được khấu trừ thuế hay tính và chi phí được trừ, nhưng các giao dịch cá nhân như mua bán, chuyển nhượng tài sản, trả thù lao không theo hợp đồng lao động thì rất khó kiểm soát.
“Các giao dịch chia sẻ có thể không được ghi nhận hoặc xóa bỏ sau khi thực hiện. Doanh thu của các dịch vụ quảng cáo trực tuyến, bán hàng trực tuyến cũng không được khai báo hoặc khai báo không đúng với thực tế, các dữ liệu giao dịch có thể bị sửa đổi hoặc xóa bỏ sau khi thực hiện” - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Gian lận thuế GTGT – Bài 1: Nhận diện thủ đoạn “kiếm lời bất chính”
04:00, 10/07/2022
Gian lận thuế GTGT – Bài 2: Lật tẩy chiêu bài “ve sầu thoát xác”
04:00, 11/07/2022
Gian lận thuế GTGT – Bài 3: “Mánh khóe” trong chứng từ, thủ tục
04:00, 12/07/2022
Gian lận thuế GTGT – Bài 4: “Kẽ hở” trong quản lý hoạt động hoàn thuế
04:05, 13/07/2022
Gian lận thuế GTGT – Bài cuối: Cần đồng bộ các giải pháp xử lý
03:50, 14/07/2022