Việc bổ sung quy định định danh người bán hàng online là bước đi cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý minh bạch, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển lành mạnh và bền vững.
Theo Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử (TMĐT) B2C đạt khoảng 650.000 tỷ đồng (tương đương 30 tỷ USD), chiếm gần 10% doanh thu bán lẻ cả nước và đóng góp gần 20% GDP. Với tốc độ tăng trưởng 18 - 25%/năm, dự báo đến năm 2030, thị trường này có thể đạt quy mô 63 tỷ USD, đứng thứ hai Đông Nam Á.
Người tiêu dùng Việt Nam hiện chi gần 1 tỷ USD mỗi tháng qua các sàn TMĐT như Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop… Tuy nhiên, đi cùng với sự bùng nổ này là hàng loạt rủi ro từ gian lận thương mại, trốn thuế, buôn bán hàng giả, hàng nhái, quảng cáo sai sự thật, cho tới khiếu nại phức tạp và thiếu cơ chế xác minh rõ ràng. Một trong những lỗ hổng lớn nhất chính là tình trạng “người bán vô danh”, cá nhân kinh doanh trực tuyến không công khai tên thật, địa chỉ, mã số thuế hay số điện thoại.
Thực tế, nhiều giao dịch TMĐT hiện vẫn diễn ra giữa người tiêu dùng và những tài khoản bán hàng hoàn toàn ẩn danh. Khi xảy ra tranh chấp, khách hàng không biết khiếu nại ở đâu, cơ quan chức năng cũng gặp khó khăn trong truy vết, xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, nhiều cá nhân lợi dụng nền tảng TMĐT để buôn bán hàng cấm, hàng giả, hay “lách luật” để trốn thuế.
Trước thực tế nêu trên, Dự thảo Luật TMĐT dự kiến trình Quốc hội sẽ mở rộng quản lý thuế với người bán hàng online, trong đó có mô hình livestream bán hàng. Theo đó, Dự thảo bổ sung quy định về định danh người bán qua ứng dụng VNeID, trách nhiệm của chủ thể cung cấp dịch vụ TMĐT và cơ chế kiểm soát hàng vi phạm.
Theo ông Nguyễn Tấn Phong, Giám đốc Trung tâm tư vấn Pháp luật của VECOM, những khoảng trống pháp lý còn tồn tại đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng, làm méo mó môi trường cạnh tranh và gây thất thu thuế cho ngân sách. Việc định danh người bán hàng online là một yêu cầu tất yếu và cấp thiết. Đây không phải là biện pháp “siết chặt” tiêu cực, mà là bước đi cần thiết để thiết lập tính chịu trách nhiệm rõ ràng trong môi trường số.
“Khi có một giao dịch xảy ra, người tiêu dùng và cơ quan quản lý cần biết rõ chủ thể đứng sau giao dịch đó là ai để có thể giải quyết khiếu nại hoặc xử lý vi phạm. Đây là nguyên tắc cơ bản để xây dựng một thị trường minh bạch và bền vững, phù hợp với xu hướng chung của thế giới”, ông Phong nêu ý kiến.
Xoay quanh vấn đề này, PGS, TS Ngô Trí Long, Chuyên gia kinh tế nhận định, định danh người bán không chỉ là một giải pháp quản lý, mà đang trở thành nền tảng thiết yếu cho một hệ sinh thái TMĐT đáng tin cậy và phát triển bền vững. Theo ông, với việc triển khai mã số thuế cá nhân, tài khoản định danh VNeID và cơ chế xác thực sàn TMĐT chính sách này đang phát huy tác dụng rõ nét trên ba phương diện tăng thu ngân sách, củng cố niềm tin thị trường và hiện đại hóa hệ thống kinh doanh số.
Tuy nhiên, việc triển khai chính sách vẫn còn đối mặt với một số rào cản. Không ít người bán nhỏ lẻ vẫn chưa quen với việc đăng ký mã số thuế hoặc còn lo ngại về nguy cơ xâm phạm quyền riêng tư khi sử dụng dữ liệu định danh. Bên cạnh đó, chất lượng định danh giữa các sàn chưa đồng đều, trong khi hành lang pháp lý về chia sẻ dữ liệu, bảo mật thông tin cá nhân và xử lý tranh chấp vẫn chưa hoàn thiện.
Vì vậy, PGS, TS Ngô Trí Long cho rằng, cần thí điểm định danh bắt buộc với nhóm người bán có doanh thu lớn trước khi mở rộng ra toàn thị trường. Song song đó, cần bổ sung các quy định cụ thể về bảo vệ dữ liệu cá nhân, đồng thời đẩy mạnh hoạt động tập huấn, hướng dẫn khai thuế và định danh trực tuyến cho người bán, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa.
Ngoài ra, việc xây dựng cơ chế chia sẻ dữ liệu định danh giữa Bộ Công Thương, cơ quan thuế và Bộ Công an cũng cần triển khai theo hướng bảo mật và hiệu quả. Các sàn TMĐT nên được khuyến khích tích hợp xác thực VNeID và mã số thuế ngay từ bước mở gian hàng. Bên cạnh đó, công khai tỷ lệ vi phạm và khiếu nại tại từng gian hàng cũng là cách thiết thực để tăng tính minh bạch và trách nhiệm.
Đồng quan điểm, nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh, việc xác thực danh tính người bán sẽ góp phần tăng cường trách nhiệm pháp lý, giúp cơ quan chức năng dễ dàng truy vết và xử lý khi xảy ra hành vi vi phạm. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng môi trường TMĐT minh bạch và có trật tự. Tuy nhiên, nếu không đi kèm với cơ chế hậu kiểm kịp thời, công cụ phân tích dữ liệu thông minh và các chế tài đủ mạnh, thì việc xác thực có thể chỉ mang tính hình thức. Vì vậy, cần thiết lập cơ chế phối hợp chia sẻ dữ liệu liên ngành một cách đồng bộ và hiệu quả giữa cơ quan thuế, ngân hàng và quản lý thị trường, các bộ ngành liên quan.
Bên cạnh nỗ lực của cơ quan quản lý, các cá nhân, tổ chức kinh doanh online cũng cần chủ động nâng cao ý thức tuân thủ. Việc đăng ký mã số thuế, thực hiện định danh điện tử và khai báo giao dịch không nên được xem là nghĩa vụ bắt buộc đơn thuần, mà cần được nhìn nhận như một cách để khẳng định uy tín, gia tăng niềm tin với khách hàng và từng bước phát triển kinh doanh bền vững.