Nghiên cứu - Trao đổi

Định danh người bán hàng online qua VNeID - Giải pháp phù hợp

Gia Nguyễn 08/04/2025 04:30

Theo các chuyên gia, để minh bạch thị trường, ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái và trốn thuế trên thương mại điện tử, định danh người bán hàng online qua VNeID là phù hợp.

Theo thống kê, hiện Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới khi năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử vượt mốc 25 tỷ USD (tăng 20% so với năm 2023).

dinh-danh-nguoi-ban-hang-qua-vneid-7.4.1.jpg
Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới khi năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử vượt mốc 25 tỷ USD - Ảnh minh họa: ITN

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực về tăng trưởng, số vụ vi phạm bị xử lý về hàng giả, hàng nhái, cạnh tranh không lành mạnh cũng tăng 2,4 lần, số tiền xử phạt tăng gần 3 lần, trong đó, khoảng 30.000 cá nhân kinh doanh online vi phạm về thuế. Vì vậy, việc triển khai định danh người bán hàng online được cho là một trong những giải pháp để quản lý tốt hoạt động thương mại điện tử đang phát triển.

Thực tế cho thấy, trên các sàn thương mại điện tử hiện nay, thông tin về người bán chủ yếu được họ tự cung cấp, từ số điện thoại, email đến các giấy tờ cá nhân như căn cước. Mức độ tin cậy của những thông tin này rất thấp, bởi người bán có thể tạo các tài khoản ảo, mượn giấy tờ của người thân để né tránh biện pháp xử lý của nền tảng hoặc cơ quan chức năng khi có sự cố xảy ra, từ đó đã tạo ra một môi trường giao dịch thiếu an toàn và dễ bị lợi dụng.

Đáng nói, khi người tiêu dùng gặp phải sản phẩm kém chất lượng, việc khiếu nại và yêu cầu giải quyết từ các sàn thương mại điện tử cũng thường chậm trễ. Các nền tảng này thường thiếu cơ chế để xử lý tranh chấp, đặc biệt khi người bán cố tình gian lận hoặc lừa đảo.

dinh-danh-nguoi-ban-hang-qua-vneid-7.4.2.jpg
Để giải quyết những bất ổn đang tồn tại trên thị trường thương mại điện tử, theo chuyên gia, định danh người bán hàng online qua VNeID là phù hợp - Ảnh minh họa: ITN

Trước thực tế đã nêu, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu, sửa đổi theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về thương mại điện tử để định danh người bán trên các sàn thương mại điện tử thông qua VneID.

Nhìn nhận về vấn đề này, nhiều ý kiến cho hay, việc định danh người bán trên các sàn thương mại điện tử thông qua VNeID là giải pháp cần thiết và phù hợp để giải quyết những bất ổn trên môi trường thương mại điện tử hiện nay. Bởi, khi thông tin người bán được xác thực thông qua VNeID, mức độ bảo mật và độ tin cậy của dữ liệu sẽ cao hơn rất nhiều so với việc tự cung cấp như hiện nay. Hệ thống này mang đến một cơ chế định danh an toàn, giúp cơ quan chức năng dễ dàng truy xuất thông tin người bán khi cần thiết.

Theo chuyên gia kinh tế - PGS TS Đinh Trọng Thịnh, việc định danh người bán hàng thương mại điện tử thông qua VNeID đảm bảo sự bình đẳng trong hoạt động kinh doanh, bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính; xây dựng lòng tin cho một phương thức kinh doanh hiện đại và tiện lợi; đồng thời tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là quản lý thuế kinh doanh.

“Hàng đó xuất xứ từ đâu, do ai bán, đã nộp thuế hay chưa, có đảm bảo chất lượng hay không? Một người có thể kinh doanh trên nhiều sàn khác nhau, họ có thêm một dấu chấm, dấu phẩy thôi thì nó đã được xếp vào một mặt hàng khác. VNeID là một trong những phương thức quản lý kinh tế - xã hội tốt hiện nay. Một người bán hàng có thể có nhiều tên nhưng quy về một mã VNeID thì sẽ chỉ đúng một người. Như vậy, việc quản lý sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Thời gian nên nhanh chóng từ 1 - 3 tháng để người bán hàng phải tích cực chuẩn bị, để hoạt động quản lý dần dần đi vào nền nếp”, vị chuyên gia này bày tỏ.

Còn theo, ông Vũ Ngọc Sơn - Trưởng Ban Nghiên cứu, tư vấn, phát triển công nghệ và Hợp tác quốc tế, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, lựa chọn VNeID là hợp lý bởi VNeID đang trở thành công cụ định danh cho rất nhiều dịch vụ khác.

“Chúng ta đã có kinh nghiệm trong việc kết nối VNeID với các dịch vụ khác như tài chính - ngân hàng. Có thể nói hạ tầng đã sẵn sàng, tuy nhiên, yêu cầu với các sàn thương mại điện tử một là phải chuẩn hóa, hai là đầu tư về mặt hạ tầng, kỹ thuật. Có một số sàn đã yêu cầu cung cấp số định danh cá nhân, căn cước, nhưng một số sàn lại có thể đăng ký thông qua email hay số điện thoại.

Đầu tiên, cần có hướng dẫn để các sàn đầu tư về công nghệ để kết nối VNeID. Việc xác thực này phải yêu cầu được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó, yêu cầu quan trọng nhất là xác thực sinh trắc học. Thứ hai, chúng ta đưa ra một lộ trình cụ thể, đánh giá tính ổn định, tránh gián đoạn cho hoạt động của người bán và người mua. Chúng ta cũng phải rà soát lại về mặt pháp lý để đảm bảo quyền riêng tư và tự do cá nhân”, vị chuyên gia này chia sẻ.

Đồng thời cho hay, sau khi hoàn thiện khung pháp lý, việc triển khai định danh người bán hàng có thể thực hiện theo 3 giai đoạn: một là thử nghiệm và hoàn thiện quy trình, hai là mở rộng áp dụng, ba là thực hiện giám sát và xử lý vi phạm.

Đồng quan điểm, liên quan đến vấn đề đã nêu, không ít ý kiến cũng cho rằng, việc áp dụng VNeID không chỉ có lợi cho người tiêu dùng mà còn cho chính các sàn thương mại điện tử và doanh nghiệp. Khi người bán được định danh rõ ràng, các sàn sẽ dễ dàng xử lý các khiếu nại, bảo vệ quyền lợi khách hàng và cải thiện chất lượng dịch vụ. Doanh nghiệp sẽ không phải lo lắng về việc bị ảnh hưởng bởi hàng giả hay hàng nhái, từ đó tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn. Tuy nhiên, để triển khai một cách hiệu quả, các cơ quan chức năng và các sàn thương mại điện tử cần có sự phối hợp chặt chẽ với một lộ trình rõ ràng, từ việc thử nghiệm quy trình đến việc áp dụng rộng rãi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Định danh người bán hàng online qua VNeID - Giải pháp phù hợp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO