Cẩn trọng bẫy lừa quốc tế
Các lừa đảo và tranh chấp thương mại quốc tế mà doanh nghiệp Việt thường phải đối mặt là do không có điều kiện kiểm tra kỹ lưỡng về đối tác, lựa chọn phương thức thanh toán chưa phù hợp,...
>>Phòng ngừa tranh chấp, lừa đảo trong thương mại quốc tế
Đó là nhận định của Luật sư Lê Trọng Thêm – Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH LTT&Lawyers, Hòa giải viên của Trung tâm hòa giải thương mại quốc tế Việt Nam (VICMC) khi trao đổi với DĐDN.
- Theo kết quả khảo sát từ PwC Việt Nam, 52% doanh nghiệp Việt từng trải nghiệm lừa đảo thương mại quốc tế. Và từ vụ việc 76 containers hạt điều xuất khẩu sang Italia vừa qua, có thể rút ra bài học gì trong giao dịch thương mại quốc tế, thưa ông?
Theo kinh nghiệm hành nghề của tôi, các doanh nghiệp Việt Nam khi giao kết hợp đồng với đối tác nước ngoài thường không chủ động đề xuất mẫu hợp đồng của mình hoặc coi trọng việc rà soát lại hợp đồng do đối tác đề xuất. Trong tập quán mua bán của một số ngành như hạt điều thì phần lớn thương nhân Việt đang phó mặc cho đội ngũ môi giới và không quan tâm đến nội dung pháp lý.
Không ít thương nhân Việt xem nhẹ việc tìm hiểu, đánh giá năng lực tài chính, pháp lý của đối tác. Việc sử dụng các kênh cung cấp dữ liệu về đối tác như Ngân hàng, các đơn vị làm logistics, từ đội ngũ môi giới, các văn phòng luật chưa thành thói quen.
Theo thói quen, rất nhiều người phụ trách hợp đồng doanh nghiệp Việt chỉ tập trung vào các điều khoản thương mại mang tính “có” như số lượng hàng hóa bao nhiêu, thanh toán bao nhiêu,... nhưng ít quan tâm điều khoản “không” tức là trường hợp điều khoản có không xảy ra hoặc xảy ra không đầy đủ thì phải làm gì. Ví dụ nếu bên bán không giao đủ hàng, không đúng chất lượng thì các bên giải quyết như thế nào. Hay như các điều khoản về luật nào điều chỉnh hợp đồng, cơ quan giải quyết tranh chấp là ai.
- Vậy, theo ông, giải pháp nào để các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh quốc tế an toàn, hiệu quả, nhất là việc giao kết hợp đồng?
Việc đầu tiên là phải thay đổi nhận thức về tầm quan trọng của hợp đồng, phải xem nó như “luật chơi” bằng văn bản để các bên có nghĩa vụ tuân thủ thực hiện theo, đúng - sai của các bên phải dựa vào văn bản luật này.
Thứ hai, đưa các chi phí như thẩm định đối tác (due diligence), chi phí tư vấn soạn thảo hợp đồng, chi phí thuê chuyên gia đàm phán, ký kết hợp đồng, các chi phí dịch vụ khác vào giá hợp đồng hoặc chi phí mua hợp đồng. Để từ đó thương nhân Việt hình thành thói quen và xây dựng quy trình ký kết, thực hiện và giải quyết tranh chấp hợp đồng. Sẵn sàng có kịch bản đối phó mọi trường hợp xảy ra.
Thứ ba, xây dựng chính sách bán hàng, giao bộ chứng từ, giao hàng,... theo các chuẩn mực quốc tế. Sòng phẳng trao đổi, đàm phán với đối tác với đối tác nước ngoài như 1 bên bình đẳng trong quan hệ hợp đồng.
Thứ tư, tích cực tham gia các hiệp hội, thương hội, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm trong ngành nghề mình kinh doanh. Trao đổi thường xuyên với các đồng nghiệp trong ngành để học hỏi và kịp thời phát hiện các bất thường và rủi ro. Đồng thời, các cá nhân trong cộng đồng và các doanh nghiệp thành viên trong hiệp hội phải đoàn kết lại trong việc xây dựng một thói quen giao dịch đủ tốt để bảo vệ lợi ích chung. Tránh tình trạng, một vài doanh nghiệp phá giá, chấp nhận các chính sách mua bán hàng bất lợi tạo hoang mang cho ngành.
>>Cảnh báo hiện tượng lừa đảo, gian lận thương mại quốc tế
- Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, thì vấn đề lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp cũng rất quan trọng, thưa ông?
Đây là một vấn đề mà thương nhân Việt Nam ít quan tâm hoặc có quan tâm thì lại theo hướng quá dễ dãi hoặc lo lắng thái quá.
Nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế và Việt Nam đều tôn trọng quyền tự do thỏa thuận của các bên. Nghĩa là các bên có thỏa thuận luật của một trong các bên hoặc luật pháp của một quốc gia thứ ba làm luật điều chỉnh hợp đồng. Đồng thời, các bên cũng có quyền chọn 1 cơ quan tài phán có cùng hệ thống pháp luật điều chỉnh hoặc một quốc gia khác. Ví dụ, bên Việt Nam và bên Mỹ có thể chọn luật điều chỉnh là luật Việt Nam, cơ quan giải quyết tranh chấp là Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore (SIAC).
- Từ thực tế đã nêu, ông có khuyến nghị gì cho cộng đồng doanh nghiệp?
Thứ nhất, các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia sân chơi quốc tế thì nên tích lũy đầy đủ kiến thức, kinh nghiệm để trở thành thương nhân chuyên nghiệp, có uy tín, để từ đó xây dựng thương hiệu quốc gia, mang lại lợi ích chung.
Thứ hai, hợp sức lại để “buôn có bạn, bán có phường” cùng nhau đoàn kết xây dựng cộng đồng mạnh bằng việc phát triển các thương hội, hiệp hội cùng ngành để xây dựng thói quen thương mại và luật chơi chung.
Thứ ba, doanh nghiệp Việt Nam nên xây dựng phòng pháp chế riêng hoặc lựa chọn các đơn vị cung cấp dịch vụ pháp lý để đồng hành.
Thứ tư, các doanh nghiệp nên thiết lập các kênh liên hệ với các cơ quan nhà nước để hỗ trợ kịp thời trong các trường hợp tương tự như vụ gần 100 containers điều xuất khẩu sang Italia vừa qua.
- Xin cảm ơn Luật sư!
Có thể bạn quan tâm
Phòng ngừa tranh chấp, lừa đảo trong thương mại quốc tế
17:00, 23/08/2022
Cảnh báo hiện tượng lừa đảo, gian lận thương mại quốc tế
00:58, 08/06/2022
Giải pháp hạn chế hành vi lừa đảo trong thương mại quốc tế
03:00, 05/06/2022
100 container hạt điều được trả lại cho doanh nghiệp Việt Nam
12:22, 20/06/2022
Phương thức thanh toán quốc tế nào từ “vụ hạt điều”?
04:30, 19/03/2022
Vụ nguy cơ xuất khẩu điều bị lừa: 100 container "về tay" doanh nghiệp Việt
14:37, 20/06/2022
Vụ nguy cơ xuất khẩu điều bị lừa: Doanh nghiệp nhận lại 30/35 container
03:30, 01/06/2022