Phát triển năng lượng tái tạo còn nhiều rào cản

KHÁNH LINH 14/10/2022 03:00

Do còn nhiều vướng mắc nhưng chưa được tháo gỡ, nhiều dự án phát triển NLTT đang trong tình trạng treo hoặc không thể đi vào vận hành khiến doanh nghiệp khó khăn, đứng trước nguy cơ phá sản.

>>>Nhiều dự án năng lượng tái tạo có nguy cơ phá sản

Doanh nghiệp NLTT gặp khó

Theo Bộ Công Thương, tính tới cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn quốc đạt 69.342 MW. Trong đó, điện gió chiếm khoảng 0,8% công suất và 0,4% sản lượng; điện mặt trời khoảng 23,8% công suất, 3,7% sản lượng; các nguồn khác là 325 MW; điện nhập khẩu là 572 MW...

Trong điện năng lượng tái tại (NLTT), điện mặt trời có tốc độ phát triển nhanh nhất. Từ chỗ chỉ có 5 MW điện mặt trời, trong đó duy nhất có 1 MW nối lưới vào thời điểm trước tháng 4/2017 (thời điểm ban hành Quyết định 11/2017/QĐ-TTg), đến cuối năm 2020, cả nước có 104.282 hệ thống điện mặt trời áp mái nhà (tổng công suất 9.580 MWp). Ngoài ra, còn 5.146 MW điện mặt trời đã, đang trình bổ sung tiếp vào quy hoạch điện.

ĐBQH Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, phát triển NLTT là xu thế tất yếu của hầu hết các quốc gia trên thế giới, nhằm giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, đảm bảo an ninh năng lượng đồng thời giảm những tác động xấu đến môi trường.

Theo ông Huân, trong 10 năm qua, NLTT cụ thể là điện gió và điện mặt trời phát triển rất mạnh, nhờ vào các Quyết định 37, 39, 11, 13 của Chính phủ. Hiện nay, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu khối ASEAN về quy mô và tỷ lệ các nguồn điện gió và mặt trời, chiếm tới 27% tổng công suất nguồn điện tính đến quý I/2022. “Tốc độ phát triển NLTT của Việt Nam rất nhanh, phù hợp với xu thế thế giới về chuyển dịch năng lượng để giảm phát thải ròng và các nước G20 cũng đã nhất trí mục tiêu tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 1,5 độ C. Việt Nam cũng sẽ đạt được mục tiêu mà Thủ tướng đã cam kết trong COP 26 khi đặt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”, ông Huân nói.

Tuy nhiên, theo ông Huân, bên cạnh kết quả đã đạt được ngành NLTT vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Với điện gió, hiện cả nước hiện có 62 dự án với tổng công suất 3479MW, và 5 dự án hoặc một phần dự án điện mặt trời với tổng công suất 452,62MW vẫn nằm chờ xác định giá điện. Đặc biệt, nhiều dự án đã sẵn sàng cho phát điện, nhưng vẫn phải đắp chiếu liên tục gần một năm qua, điều này khiến cho chủ đầu tư thiệt hại nặng nề còn nguồn năng lượng đang bị lãng phí từng ngày.

Tương tự, điện mặt trời vẫn còn nhiều hạn chế như chính sách chưa rõ ràng, lưới điện truyền tải “bội thực”, giá điện thấp… tất cả những bất cập trên hiện đang thách thức nguồn điện lợi thế này của nước ta.

Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển năng lượng tái tạo

Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển năng lượng tái tạo

Cũng theo ông Nguyễn Quang Huân, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có hiện tượng lợi dụng chính sách. Ví dụ như điện mái nhà được làm đúng theo tinh thần của những người lập quy hoạch thì sẽ không dẫn đến hiện tượng quá tải như vừa qua. Nếu điện mái nhà trên công trình nhà dân, hay công trình điện dân dụng thì có thể tiêu thụ ở những địa điểm đó là chính và vấn đề phát lên lưới sẽ ở mức vừa phải. Như vậy, có vấn đề buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng. 

>>>Hải Phòng: Xúc tiến đầu tư năng lượng tái tạo trong khu công nghiệp

>>PVN kiến nghị cơ chế phát triển năng lượng tái tạo

Bỏ quên nguồn lực xã hội hóa, tư nhân

Trước đại dịch Covid, kinh tế Việt Nam phát triển khoảng 6,5-7%/năm, điện khoảng 10%. Do ngành điện phát triển nóng, dẫn đến quá tải, phá vỡ quy hoạch khiến cơ quan quản lý lúng túng trong điều hành trong khi chưa có những giải pháp điều chỉnh kị thời dẫn đến thiệt thòi cho nhà đầu tư.

Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay chúng ta gần như đang lãng phí nguồn lực đầu tư từ xã hội, từ khối tư nhân. Điều này đã đi ngược với một trong những mục tiêu phát triển kinh tế của nước ta. Nếu chỉ có vài dự án không đạt COD, nhìn từ góc độ thị trường thì họ phải chấp nhận rủi ro đó, những với số lượng dự án lớn với nhiều lý do khách quan khác nhau thì doanh nghiệp Việt gần như đang chịu quá nhiều thiệt thòi. Vì vậy, cơ quan chức năng nên xem xét đến góc độ những dự án không đạt COD do nhiều nguyên nhân khách quan đó từ ảnh hưởng đại dịch thì sẽ có những ứng xử phủ hợp hơn sự lãng phí nguồn lực hoặc đối mặt với những rủi ro có thể rủi ro từ bên ngoài.

Việt Nam là một trong những nước có tốc độ phát triển Năng lượng tái tạo nhanh nhất

Việt Nam là một trong những nước có tốc độ phát triển Năng lượng tái tạo nhanh nhất

Mặc dù hiện nay, Bộ Công Thương đang hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII với một khối lượng lớn công suất nguồn năng lượng sạch và cùng với nó là khối lượng vốn đầu tư khổng lồ. Tuy nhiên, việc xác định các cơ chế và tổ chức thực hiện quy hoạch để khả thi khối lượng nguồn và lưới điện, đảm bảo an ninh năng lượng đang là những nội dung cần được quan tâm nhiều trong thời gian tới.

Cùng với đó là các khó khăn khác liên quan đến cơ chế chính sách, về thủ tục quy hoạch, đầu tư, về lưới điện giải tỏa công suất, về cơ chế huy động vốn, về giải phóng mặt bằng; kể cả việc thiếu các bộ tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan để thực hiện hoá Quy hoạch điện VIII.

Ông Nguyễn Quang Huân cho rằng, để hỗ trợ ngành NLTT phát triển, Việt Nam cần có các giải pháp để thích nghi với hoàn cảnh mới. Đó là bổ sung, điều chỉnh cơ chế chính sách đặc thù cho một số dự án năng lượng quan trọng, tạo môi trường thu hút đầu tư, đẩy nhanh thực hiện thị trường điện cạnh tranh, mua bán điện trực tiếp, tạo điều kiện quỹ đất và giải phóng mặt bằng. Cơ chế giá khí cần được ban hành hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Chỉ khi hài hòa được lợi ích của các bên thì ngành NLTT mới phát triển đúng hướng, đạt được mục tiêu đề ra. 

Có thể bạn quan tâm

  • Thị trường năng lượng tái tạo - Bài 1: Đàm phán giá mua điện khó khả thi

    Thị trường năng lượng tái tạo - Bài 1: Đàm phán giá mua điện khó khả thi

    03:50, 10/08/2022

  • Thị trường năng lượng tái tạo - Bài 2: Cần xây dựng cơ chế giá mua điện phù hợp

    Thị trường năng lượng tái tạo - Bài 2: Cần xây dựng cơ chế giá mua điện phù hợp

    03:50, 11/08/2022

  • Khơi thông nguồn vốn quốc tế cho năng lượng tái tạo

    Khơi thông nguồn vốn quốc tế cho năng lượng tái tạo

    01:00, 17/08/2022

  • Nhiều dự án năng lượng tái tạo có nguy cơ phá sản

    Nhiều dự án năng lượng tái tạo có nguy cơ phá sản

    17:10, 02/07/2022

KHÁNH LINH