Bất ổn thị trường xăng dầu: Cần tính toán xây dựng lại bộ máy nhập khẩu, phân phối
Trước những bất ổn trên thị trường xăng dầu thời gian qua, bên cạnh nguyên nhân từ vấn đề điều hành của cơ quan quản lý, chuyên gia cho rằng, cần tính toán xây dựng lại bộ máy nhập khẩu, phân phối…
>> Bất ổn thị trường xăng dầu: Công tác điều hành liệu có vấn đề?
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, nhu cầu xăng dầu cả nước năm 2022 khoảng 20,6 triệu tấn, được đáp ứng từ sản xuất trong nước và nhập khẩu. Năm 2021, nhập khẩu xăng dầu cả nước là 6,94 triệu tấn, còn 8 tháng đầu năm nay, con số là 5,9 triệu tấn. Hiện Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn được các cơ quan hữu trách cho là đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xăng dầu của cả nước.
Về phía bán hàng, dù có 38 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu được cấp phép, thì phần đáp ứng của 2 ông lớn là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) vẫn chiếm chi phối. Năm 2021, sản lượng xăng dầu bán ra của Petrolimex là 12,337 triệu m3/tấn, của PV Oil là 3,12 triệu tấn. Kế hoạch năm 2022 của hai ông lớn này đều nhỉnh hơn kết quả năm 2021, đồng nghĩa với việc họ chiếm khoảng 75% nhu cầu xăng dầu cả nước.
Với thực tế Nhà nước vẫn chiếm tỷ lệ chi phối vốn trên 65% tại 2 ông lớn này, nên dù kinh doanh xăng dầu thuần túy gặp nhiều khó khăn, thậm chí lỗ, nhưng hệ thống của Petrolimex và PV Oil vẫn phải hoạt động ổn định. Tuy nhiên, điều này có thể không diễn ra tại nhiều đầu mối nhập khẩu xăng dầu hoàn toàn vốn tư nhân, nhất là trong điều kiện giá dầu thế giới biến động mạnh như hiện nay.
Thực tế, từ khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine và EU không mua dầu thô và sản phẩm xăng dầu của Nga nữa, thì các nhà cung cấp ở EU phải tìm tới các thị trường khác, trong đó có thị trường Đông Nam Á. Vì thế, Việt Nam chịu ảnh hưởng nhất định bởi các khách hàng mua khối lượng nhỏ sẽ không được ưu tiên mua, phụ phí sẽ bị đội lên và nếu mua được thì giá cũng khá cao.
Trong 38 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu, có khá nhiều đầu mối là các doanh nghiệp tư nhân, quy mô rất bé, nên khi giá bán trên thị trường thế giới biến động mạnh, họ sẽ dừng hoạt động. Gánh nặng lúc này dồn lên các ông lớn như Petrolimex và PV Oil, dẫn tới sự méo mó trong tính toán về khả năng đảm bảo nguồn cung ở tổng thể tại thời điểm giá bị đẩy lên cao.
>> Kiến nghị Bộ Công Thương gỡ khó cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu
Theo Petrolimex, thông thường, lượng bán lẻ trực tiếp của doanh nghiệp này khoảng 17.000 m3/ngày, nhưng mấy ngày gần đây tăng trên 21.000 m3/ngày và đỉnh điểm ngày 31/8 là 27.000 m3 (tăng 60% so với ngày bình thường). Bên cạnh đó, nhu cầu nguồn hàng của các thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của Petrolimex không ngừng tăng cao.
Sản lượng tiêu thụ tăng đột biến tạo áp lực lớn trong công tác tạo nguồn do lượng hàng tồn kho sụt giảm rất nhanh, trong khi việc mua hàng của doanh nghiệp không thể bù đắp ngay lập tức.
Như vậy, Bộ Công Thương, nơi cấp phép cho các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu cần phải có đánh giá thực chất hoạt động của các doanh nghiệp đầu mối nhỏ để tránh tình trạng thị trường thuận lợi thì họ tham gia, còn khó khăn và có nguy cơ lỗ thì họ nằm im. Điều này gây ra méo mó trong việc tính toán về khả năng đảm bảo nguồn cung ở tổng thể.
Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, để xảy ra những bất ổn trên thị trường xăng dầu thời gian qua, bên cạnh nguyên nhân được cho từ sự bất ổn trong điều hành của cơ quan quản lý, thì một vấn đề khác đến từ việc quản lý các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu và phân phối xăng dầu đã được cấp phép, vì vậy, cần tính toán xây dựng lại bộ máy này.
Thông tin với báo chí, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) khuyến nghị, cần phải tính toán xây dựng bộ máy phân phối xăng dầu một cách tinh gọn, linh hoạt, hiệu quả và giảm được các chi phí trung gian, cung cấp nguồn xăng dầu từ doanh nghiệp đầu mối xuống đến cửa hàng bán lẻ một cách thuận lợi nhất. Trong đó, Bộ Công Thương cần tiếp tục chỉ đạo các thương nhân kinh doanh xăng, dầu đầu mối chủ động tìm kiếm các nguồn hàng có mức giá tốt, tiết giảm chi phí.
“Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng cần tăng cường điều hành về cung ứng, phân phối, lưu thông hàng hóa; các cơ quan quản lý thị trường tăng cường thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật. Về phía doanh nghiệp cần chia sẻ với Nhà nước bằng cách nâng cao năng lực quản trị, tiết kiệm chi phí và có thể chia sẻ cả lãi. Người dân chia sẻ với Nhà nước thông qua việc tiêu dùng tiết kiệm, hiệu quả, sử dụng xăng khoáng, xăng sinh học bảo vệ môi trường”, PGS.TS Ngô Trí Long chia sẻ.
Thực tế, để đảm bảo nguồn cung xăng dầu, không ít ý kiến cũng nhìn nhận, việc quản lý tốt các doanh nghiệp đầu mối là rất quan trọng khi Việt Nam hiện nay có đến 38 doanh nghiệp đầu mối, trong khi các quốc gia lớn như Nhật Bản cũng chỉ có 5 doanh nghiệp đầu mối; hay doanh nghiệp phân phối cũng có đến hàng trăm doanh nghiệp.
Còn theo TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trong điều hành cơ quan quản lý phải có phản ứng kịp thời, đồng thời phải đối thoại với các doanh nghiệp, tính toán đầy đủ các chi phí của doanh nghiệp, cũng như tạo động lực lành mạnh và cần thiết cho các doanh nghiệp. Đặc biệt, Bộ Công Thương cần làm rõ việc giảm nhập khẩu trong quý III/2022 tới 40% với xăng và 30% với dầu.
Có thể bạn quan tâm
Bất ổn thị trường xăng dầu: Công tác điều hành liệu có vấn đề?
04:00, 13/10/2022
Kiến nghị Bộ Công Thương gỡ khó cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu
00:06, 12/10/2022
Bình ổn thị trường xăng dầu: Cơ quan quản lý cần “lắng nghe” và có giải pháp quyết liệt
12:00, 09/10/2022
Ổn định giá xăng dầu: Đề xuất giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt và VAT
04:00, 24/09/2022
Quỹ bình ổn giá xăng dầu chỉ hoạt động tốt khi dự báo tốt giá thế giới
04:00, 23/09/2022