Bất ổn thị trường xăng dầu: Sớm gỡ “nút thắt” về… chi phí
Không chỉ có vấn đề trong công tác giám sát, điều hành, những bất ổn của thị trường xăng dầu thời gian qua còn được cho xuất phát từ cơ chế tính chi phí giá hiện hành…
>> Bất ổn thị trường xăng dầu: Cần tính toán xây dựng lại bộ máy nhập khẩu, phân phối
Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan cho thấy, quý III/2022 (đến 20/9), sản lượng nhập khẩu giảm khoảng 40% đối với xăng, giảm khoảng 35% đối với dầu diesel so với quý II. Đáng chú ý, trong số 33 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, chỉ có 19 đầu mối ghi nhận có hoạt động nhập khẩu, 14 đầu mối còn lại không thấy nguồn hàng về Việt Nam.
Đáng nói, 3 thương nhân đầu mối thường nhập khẩu với số lượng lớn là Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil, Công ty cổ phần Thương mại Đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa không thực hiện nhập khẩu vào quý III.
Thông tin về hiện tượng đã nêu, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) lý giải, trong quý II, các doanh nghiệp đầu mối đã tăng mạnh lượng nhập khẩu xăng dầu, do lo ngại thiếu nguồn cung trong nước, đây là giai đoạn giá xăng dầu thế giới đạt mức cao nhất từ đầu năm đến nay. Nhưng từ giữa tháng 7 đến đầu tháng 10, giá xăng dầu thế giới lại có xu hướng giảm, giá bán lẻ trong nước cũng liên tục giảm theo.
“Nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ lớn nên đã thu hẹp hoạt động kinh doanh và nhập khẩu cầm chừng”, ông Đông cho hay.
Cũng theo vị này, hiện nay, mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam tiếp tục tăng cao. Để bảo đảm duy trì hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường, Bộ Công Thương đã đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục rà soát và sớm điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam trong công thức tính giá cơ sở để bảo đảm tính đúng, tính đủ các chi phí phát sinh thực tế cho doanh nghiệp (mặc dù chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy về cảng và premium trong nước đã được Bộ Tài chính thông báo điều chỉnh tăng và được áp dụng từ ngày 11/10 trong giá cơ sở).
Không phải đến bây giờ câu chuyện chi phí kinh doanh xăng dầu mới được nhắc đến, trước những biến động của thị trường thế giới và những bất ổn manh nha của thị trường trong nước, không ít chuyên gia, doanh nghiệp cũng đã đề cập đến vấn đề này, tuy nhiên, “nút thắt” về chi phí đến nay vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.
>> Bất ổn thị trường xăng dầu: Công tác điều hành liệu có vấn đề?
Thông tin với báo chí, bà Trần Thị Tuyết Mai - Công ty TNHH Vận tải Thủy bộ Hải Hà chia sẻ, thực sự nguồn cung xăng dầu không thiếu mà do doanh nghiệp đang lỗ lớn do chi phí thực tăng cao nên không thể nhập khẩu về được. Đề nghị liên Bộ Công Thương - Tài chính, Chính phủ, Thủ tướng xem xét, cân đối lại, chấp nhận các chi phí thực tế mà doanh nghiệp bỏ ra. Bởi công thức tính giá đã được quy định từ năm 2014 và hiện nay đang biến động rất lớn.
Theo bà Mai, hai nhà máy Nghi Sơn và Bình Sơn đang cung cấp 70-80% lượng xăng dầu cho thị trường trong nước và 20% còn lại là nhập khẩu. Ngoài ra, do rủi ro bất khả kháng từ các nhà máy dẫn đến có thời điểm thị trường thiếu cục bộ khoảng 30-40%, buộc phải nhập khẩu. Nhưng chi phí nhập khẩu đang tăng cao, đơn cử, quý I, chi phí là 306 đồng/lít, quý II là 450 đồng/lít; quý II là 967 đồng/lít, tức là bình quân, doanh nghiệp đang lỗ 667 đồng/lít.
“Sang quý IV, doanh nghiệp lỗ 1.100 đồng/lít, khoản lỗ này ai gánh cho doanh nghiệp?”, bà Mai bày tỏ và đề nghị các cơ quan chức năng nên điều chỉnh 6 tháng/lần chi phí thực tế của doanh nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trong quá trình kiểm tra, nếu có sơ suất thì tạo điều kiện cho doanh nghiệp khắc phục.
Đồng quan điểm đã nêu, ông Nguyễn Văn Tuấn Quỳnh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Long Hưng cũng cho hay, chi phí kinh doanh xăng, dầu định mức đã có từ năm 2014 đến bây giờ, nhưng các chi phí khác như thuê đất, lương... đều tăng, gây ra bất cập. Vì vậy, mỗi năm, Bộ Tài chính cần nghiên cứu, xem xét, rà lại các chi phí cho hoạt động kinh doanh xăng, dầu, ít nhất phải tính theo CPI. Đây là nền tảng cho việc tạo nguồn cung xăng, dầu.
Thực tế, trong điều kiện bình thường phụ phí nhập khẩu xăng dầu chỉ dao động từ 1-3 USD/thùng, nhưng thời gian qua, phụ phí này đã nhảy vọt lên tới 12 USD/thùng, trong khi mức phụ phí vẫn tính theo cách tính cũ, thì việc doanh nghiệp phải gánh lỗ lớn, đứt gãy nguồn cung là khó tránh khỏi. Vì thế, theo các chuyên gia, Bộ Tài chính cần xem xét tính đủ chi phí kinh doanh xăng, dầu định mức cho chuỗi cung ứng xăng, dầu, từ tạo nguồn của doanh nghiệp đầu mối đến khâu bán lẻ.
Phân tích về nguyên nhân dẫn tới thiếu hụt cục bộ nguồn cung xăng dầu trong nước thời gian qua, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, vấn đề then chốt là do dự báo thời gian qua của các doanh nghiệp chưa chuẩn nên đã “nhập phải hàng giá cao, rồi phải bán với giá thấp” dẫn đến kinh doanh thua lỗ; cùng với đó là vấn đề chi phí kinh doanh xăng, dầu định mức chưa được tính toán đủ trong giá cơ sở xăng, dầu.
“Các chi phí này đã được áp dụng từ năm 2014 nên không còn phù hợp với bối cảnh hiện tại. Điều này dẫn đến tình trạng doanh nghiệp kinh doanh đầu mối xăng, dầu càng kinh doanh càng lỗ nên đã hạn chế nhập khẩu và siết chặt mức chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ xăng, dầu. Đây là nguyên nhân cơ bản làm cho nguồn cung tạm thời gián đoạn”, PGS.TS Ngô Trí Long phân tích.
Có thể bạn quan tâm
Bất ổn thị trường xăng dầu: Cần tính toán xây dựng lại bộ máy nhập khẩu, phân phối
12:00, 14/10/2022
Khan hiếm xăng dầu tại TP.HCM: Lỗi tại chính sách giá?
04:44, 14/10/2022
Bất ổn thị trường xăng dầu: Công tác điều hành liệu có vấn đề?
04:00, 13/10/2022
Kiến nghị Bộ Công Thương gỡ khó cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu
00:06, 12/10/2022
Bình ổn thị trường xăng dầu: Cơ quan quản lý cần “lắng nghe” và có giải pháp quyết liệt
12:00, 09/10/2022