Bất ổn thị trường xăng dầu: Sớm bịt “lỗ hổng” về… dự trữ
Là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, liên quan trực tiếp đến an ninh năng lượng quốc gia, thế nhưng, việc tuân thủ về dự trữ lưu thông xăng dầu theo quy định, nhiều thời điểm chưa được đảm bảo...
>> Bất ổn thị trường xăng dầu: Kinh nghiệm thế giới – Bài học cho Việt Nam
Theo đó, Điều 31 Nghị định 83/2014/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 23 Điều 1 Nghị định 95/2021/NĐ-CP) quy định, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu có tổ chức hệ thống phân phối xăng dầu phải bảo đảm ổn định mức dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu bằng hai mươi (20) ngày cung ứng, tính theo sản lượng tiêu thụ nội địa bình quân một (01) ngày của năm trước liền kề, cả về cơ cấu chủng loại; bao gồm dự trữ phục vụ an ninh năng lượng quốc gia, dự trữ lưu thông bắt buộc.
Thương nhân phân phối xăng dầu phải bảo đảm ổn định mức dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu bằng năm (05) ngày cung ứng, tính theo sản lượng tiêu thụ nội địa bình quân một (01) ngày của năm trước liền kề, cả về cơ cấu chủng loại; thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu phải bảo đảm ổn định mức dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu theo các quy định hiện hành về dự trữ xăng dầu…
Quy định của pháp luật là như vậy, thế nhưng, thực tế triển khai, công tác dự trữ xăng dầu tại nhiều thời điểm không được đảm bảo đúng theo quy định, thậm chí rất đáng báo động. Trong đó, Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, lượng xăng dầu dự trữ quốc gia đang ở mức khá thấp, chỉ tương đương 9 ngày nhập ròng và 6,5 ngày tiêu thụ.
Thực tế, thông tin tại buổi làm việc của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Đoàn công tác Bộ Công Thương với Công ty Xăng dầu khu vực II thuộc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường - Trần Hữu Linh cho biết, gần đây có hiện tượng một số doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tập trung tại một số tỉnh phía Nam.
Qua kiểm tra, trong số các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu ở khu vực phía Nam, có 1 doanh nghiệp không thực hiện dự trữ xăng dầu theo quy định; 5 doanh nghiệp không đảm bảo dự trữ thương mại và có doanh nghiệp không đảm bảo hạn mức nhập khẩu được Bộ Công Thương phân giao.
Việc không đảm bảo dự trữ xăng dầu theo quy định được cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện trạng bất ổn của thị trường xăng dầu thời gian vừa qua.
>> Bất ổn thị trường xăng dầu: Cần xây dựng chiến lược tăng dự trữ
Thông tin về tình hình dự trữ lưu thông xăng dầu, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - Trần Duy Đông trước đó cũng cho hay, trong 5 năm qua, các doanh nghiệp đầu mối cơ bản thực hiện đúng dự trữ lưu thông, đảm bảo đủ hàng cho hệ thống phân phối, thị trường nội địa. Song, có những thời điểm, nhất là giai đoạn nguồn cung trong nước bị gián đoạn như hồi đầu năm nay, lượng dự trữ của doanh nghiệp không đạt, nên không cung ứng kịp thời cho các cửa hàng bán lẻ.
Điều này dẫn đến tình trạng có thời điểm nhiều cây xăng treo bảng hết xăng, tạm thời đóng cửa. Lý do là doanh nghiệp phải tự bỏ chi phí, trong khi giá tăng cao nên chi phí dự trữ tăng, trong khi giá bán xăng, dầu do Nhà nước kiểm soát lại gần như không gồm chi phí dự trữ, nên để đảm bảo hiệu quả, doanh nghiệp phải giảm tối đa hàng lưu kho.
Nhìn nhận về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Nguyễn Hồng Diên cho rằng, dự trữ xăng, dầu quốc gia hiện không có kho riêng mà đa số gửi vào kho dự trữ thương mại của các doanh nghiệp đầu mối. Dự trữ xăng dầu quốc gia bình quân 5 năm qua đạt hơn 370.000m3 mỗi năm. Số lượng này chỉ tương đương với 9 ngày nhập khẩu ròng và 6,5 ngày tiêu thụ. Do đó, Bộ Công Thương đã xây dựng đề án trình Chính phủ nâng mức dự trữ xăng, dầu quốc gia lên 1 tháng, tức gấp khoảng 4 lần hiện nay.
Và tại buổi làm việc với Công ty Xăng dầu khu vực II, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, xăng dầu là mặt hàng chiến lược nên vấn đề dự trữ và cung ứng bảo đảm nguồn cho thị trường vô cùng quan trọng. Do đó, phải nắm được điều này để đưa ra biện pháp giải quyết tận gốc.
Dự trữ xăng dầu chiến lược không phải câu chuyện mới, đây là vấn đề mà các chuyên gia, doanh nghiệp đã liên tục có ý kiến.
Nhấn mạnh về giải pháp nâng mức dự trữ xăng dầu, TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, là huyết mạch của nền kinh tế, sử dụng cho hầu hết các ngành sản xuất.
Trên thế giới, hiện có khoảng 29 nước quy định phải dự trữ xăng, dầu quốc gia đáp ứng được nhu cầu tối thiểu cho nền kinh tế. Đối với Việt Nam, mức dự trữ chỉ 5 - 7 ngày là quá ít, nhất là trong bối cảnh tình hình chính trị thế giới có nhiều bất ổn, tạo ra nhiều rủi ro đối với nền kinh tế.
Và trước thực trạng nêu, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cũng đề xuất, Nhà nước cần đầu tư sớm xây dựng kho dự trữ xăng, dầu quốc gia chứ không gửi trong kho của doanh nghiệp như hiện nay. Bởi gửi dự trữ xăng, dầu quốc gia vào trong hệ thống kho của doanh nghiệp rất bất cập, khó kiểm tra, khó quản lý. Việc chứa chung bồn bể với xăng, dầu kinh doanh cũng khó khăn trong quản lý hoạt động nhập, xuất, luân phiên đổi hàng và khó xác định chính xác tỷ lệ hao hụt xăng dầu dự trữ quốc gia trong quá trình nhập, xuất, bảo quản.
Được biết, mới đây, Ban cán sự Đảng của Chính phủ cũng đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành để xem xét, rà soát lại các quy định về lĩnh vực quản lý kinh doanh xăng dầu và các vấn đề về dự trữ xăng dầu quốc gia do phương thức quản lý, chủng loại, lượng dự trữ... còn nhiều bất cập, chưa thật rõ ràng; lẫn lộn giữa dự trữ Nhà nước với dự trữ thương mại. Ngoài ra, các vấn đề về chi phí, định mức, đơn giá bảo quản… còn chưa phù hợp với thực tế.
Có thể bạn quan tâm
Bộ Tài chính nói gì về vướng mắc của các doanh nghiệp xăng dầu?
05:00, 22/10/2022
Bình ổn thị trường xăng dầu: Tăng dự trữ chiến lược, bỏ tầng nấc trung gian
03:30, 21/10/2022
Bất ổn thị trường xăng dầu: Cần có chiến lược xây dựng kho dự trữ xăng dầu quốc gia
15:00, 18/10/2022
Bất ổn thị trường xăng dầu: Kinh nghiệm thế giới – Bài học cho Việt Nam
04:00, 17/10/2022
Chu kỳ điều chỉnh xăng dầu 10 ngày: “Lệch pha” và “lỗi nhịp” với thế giới
01:00, 17/10/2022