“Gánh nặng” lãi suất đang “đè” doanh nghiệp

KHÔI NGUYÊN 29/10/2022 03:30

Vừa phải đối mặt với chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao, hiện các doanh nghiệp tiếp tục chịu áp lực trước việc lãi suất vay vốn ngắn hạn tăng khiến khó khăn chồng chất khó khăn…

>>KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận chính sách hỗ trợ

Theo khảo sát tại các ngân hàng thương mại (NHTM), đầu năm 2022 mặt bằng lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh chỉ khoảng 6-7%/năm, nhưng hiện nay đã lên tới 9-10,5%/năm; lãi suất cho vay mua nhà, mua xe... từ mức khoảng 9-10%/năm nay đã lên đến 12 - 14,5%/năm.

hihiii

Đầu năm 2022 mặt bằng lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh chỉ khoảng 6-7%/năm, nhưng hiện nay đã lên tới 9-10,5%/năm. Ảnh minh họa

Một số doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến thực phẩm cho biết, thời gian qua, giá nguyên liệu đầu vào tăng từ 30-50% nhưng công ty chỉ dám tăng giá 20% ở đầu ra, vậy mà khách hàng không đồng ý. Nhất là khi giá xăng dầu giảm, khách hàng luôn thắc mắc rằng tại sao lại tăng giá bán. Tuy nhiên, do phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, khi giá nguyên liệu tăng thì giá sản phẩm cũng tăng. Nay lãi suất vay vốn ngắn hạn của các ngân hàng chịu sức ép tăng sẽ làm cho chi phí đầu vào của các doanh nghiệp tiếp tục tăng lên.

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Hoàng Sơn – Giám đốc một doanh nghiệp chuyên kinh doanh ngành thực phẩm tại Hà Nội, cho biết, đơn vị đang vay vốn lưu động kỳ hạn 3 tháng với lãi suất 8%/năm, hiện nay ngân hàng đã thông báo kỳ vay tới sẽ tăng lãi suất.

“Lãi suất cho vay tăng sẽ cộng vào chi phí sản xuất, khiến đầu ra sản phẩm phải tăng giá. Vừa qua, giá sản phẩm của công ty được điều chỉnh tăng song cũng mang lại rắc rối khi mất một số khách hàng. Hiện nhu cầu thị trường không cao, nếu tiếp tục tăng giá thì càng khó trong khâu tiêu thụ, dẫn đến hàng tồn kho. Còn không tăng giá bán doanh nghiệp sẽ thua lỗ, đằng nào cũng mệt cả”,  ông Sơn chia sẻ.

Cũng trong tâm lý lo lắng, ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group cho hay, hiện lãi suất cho vay tăng nên doanh nghiệp phải tìm cách xoay sở. Bên cạnh đó, kế hoạch đầu tư khôi phục mở rộng sản xuất kinh doanh của tập đoàn cũng chậm lại vì cần nhiều vốn vay từ ngân hàng.

“Lãi suất tăng ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp đang không biết phải làm thế nào để đối phó với nền kinh tế nhiều biến động, hoạt động lãi suất, tỷ giá thay đổi khiến các doanh nghiệp rất khan hiếm tiền mặt”, ông Thông cho biết.

Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân lãi suất cho vay tăng cao chủ yếu do nhu cầu tín dụng gia tăng, khi kinh tế tăng trưởng và lãi suất tiền gửi có xu hướng đi lên. Một số ý kiến nhận định rằng, nếu thời gian tới, lãi suất cho vay vẫn “neo” ở mức cao, doanh nghiệp sẽ khó tiêu thụ hàng hóa, sức mua giảm, hàng tồn kho tăng. Khi đó, các doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, đời sống người lao động gặp khó, nên cần quyết liệt thực hiện mục tiêu ổn định lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp chuyên đề vào tháng 9 vừa qua.

>>Doanh nghiệp khó khăn - Ngân hàng lãi lớn: Cần số liệu để đánh giá đủ

hihii

Vừa phải đối mặt với chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao, các doanh nghiệp hiện nay lại tiếp tục chịu áp lực trước việc lãi suất vay vốn ngắn hạn tăng khiến khó khăn chồng chất khó khăn. Ảnh minh họa

Trao đổi với báo chí, chuyên gia kinh tế, TS. Giang Chấn Tây cho rằng, để giữ ổn định lãi suất cho vay, các ngân hàng cần phải cơ cấu lại nguồn vốn an toàn, hiệu quả. Cụ thể, cần ưu tiên cho vay đối với các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp thương mại. Đối với cho vay tiêu dùng cũng cần có tính toán kỹ, không để nhu cầu mua sắm quá cao sẽ dẫn đến tăng giá bán. Còn khi cho vay bất động sản, ngân hàng cần có chính sách chọn lọc, ưu tiên các dự án nhà ở xã hội và nhóm đối tượng người tiêu dùng có nhu cầu thực, tránh các dự án đầu cơ sinh lời hoặc tạo khan hiếm đẩy giá tăng ảo.

Bên cạnh đó, TS. Giang Chấn Tây cũng kiến nghị, Nhà nước cần tăng cung tiền ra thị trường để vừa tăng tính thanh khoản, vừa giảm bớt áp lực lên lãi suất vì khi mức cung tiền tệ tăng so với cầu lãi suất sẽ có xu hướng giảm. Bởi vì tiền đưa vào sản xuất kinh doanh thì sẽ tạo ra vật chất, hàng hóa…giúp tăng trưởng GDP, nền kinh tế sẽ phát triển cân bằng hơn.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý cần kiểm soát chặt các kênh huy động vốn bằng trái phiếu. Thời gian qua, một lượng tiền trong dân thay vì gửi vào ngân hàng đã chôn vốn vào các doanh nghiệp bất động sản qua việc mua trái phiếu. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư làm ăn không hiệu quả làm ảnh hưởng đến việc huy động vốn của ngân hàng.

Bổ sung thêm kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, trong hoàn cảnh này Chính phủ cần nhanh chóng xem xét giảm mạnh một số loại thuế phí để hỗ trợ doanh nghiệp, giúp giảm chi phí đầu vào.

“Cùng với đó cần đẩy nhanh và tính đến việc nới điều kiện cho vay với gói hỗ trợ lãi suất 2%, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn rẻ”, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nói.

Có thể bạn quan tâm

  • KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận chính sách hỗ trợ

    KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận chính sách hỗ trợ

    10:58, 25/09/2021

  • Doanh nghiệp khó khăn - Ngân hàng lãi lớn: Cần số liệu để đánh giá đủ

    Doanh nghiệp khó khăn - Ngân hàng lãi lớn: Cần số liệu để đánh giá đủ

    05:20, 13/06/2021

  • TP.HCM dự kiến chi 4.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn do COVID-19

    TP.HCM dự kiến chi 4.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn do COVID-19

    14:00, 08/12/2020

KHÔI NGUYÊN