Các doanh nghiệp nhấn mạnh việc tiếp cận thông tin chính sách, quy định là rất quan trọng đối với cộng đồng kinh doanh.
Trước thềm Hội nghị Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp, nhiều Hiệp hội doanh nghiệp và liên minh Hiệp tác xã kiến nghị các cơ quan nhà nước cần công khai rộng rãi các chính sách, quy định để các doanh nghiệp, Hợp tác xã và hộ kinh doanh thuận lợi trong tiếp cận thông tin.
Cùng với đó, các doanh nghiệp nhấn mạnh các hướng dẫn thực hiện cần rõ ràng hơn với những tiêu chí đánh giá cụ thể giúp đánh giá mức độ hoàn thành của mục tiêu đề ra và kết quả thực hiện sau khi áp dụng giải pháp trong Nghị quyết 105/NQ-CP cũng như các chương trình, chính sách hỗ trợ khác.
Trong quá trình này, các cơ quan chức năng cũng cần vận hành hiệu quả đường dây nóng và hòm thư điện tử để tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, người dân để điều chỉnh kịp thời các quy định, chính sách.
Trên thực tế, ngay từ khi dịch COVID-19 Chính phủ đã dành nhiều gói hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19 để phục hồi sản xuất. Các gói hỗ trợ được xem là “phao cứu sinh”, và dù điều kiện tiếp cận đã được nới lỏng song doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận.
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho biết, bên cạnh quy định về bản sao quyết toán thuế mà doanh nghiệp không thể có, việc yêu cầu doanh nghiệp không có nợ xấu ngân hàng tại thời điểm vay vốn cũng đang gây khó khăn cho nhiều đơn vị.
Thực tế, đa số doanh nghiệp đang có nhiều khoản vay cần được giãn nợ, cơ cấu lại nợ bởi phải tạm ngưng hoạt động hoặc cắt giảm nhiều hoạt động từ 3 - 4 tháng qua nên gặp khó khăn về dòng tiền để trả nợ ngân hàng. Ngay cả những công ty đang duy trì hoạt động theo phương thức “3 tại chỗ” cũng gặp nhiều khó khăn nên mong được tiếp cận nhanh các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước.
Chính vì khó khăn về thủ tục nên gói hỗ trợ cho vay 16.000 tỷ đồng lãi suất 0% dành cho doanh nghiệp để trả lương cho người lao động mất việc vì COVID-19 theo Nghị quyết 42 của Chính phủ và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2020 gần như giậm chân tại chỗ.
Về gói hỗ trợ 26.000 tỷ hỗ trợ doanh nghiệp vay theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho biết, sau hơn 2 tháng triển khai, đến ngày 17/9, hệ thống đã phê duyệt 746 hồ sơ đề nghị vay vốn của người sử dụng lao động với số tiền trên 392 tỷ đồng để trả lương cho 112.397 lượt người lao động. Trong đó đã giải ngân được 382 tỷ đồng cho 730 người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 109.373 lượt người lao động tại 63 tỉnh thành phố.
Riêng tại TPHCM, chỉ tính trong chiều ngày 19/9, ông Trần Văn Tiên-Giám đốc NHCSXH Chi nhánh TPHCM cho biết, tính đến ngày 15/9, tại TPHCM có 23 doanh nghiệp được vay trả lương cho 1.507 lao động với 6,4 tỷ đồng. Hiện có 2 doanh nghiệp đã được xét duyệt hồ sơ và sẽ giải ngân trong tuần này, với số tiền 4,8 tỷ đồng, để trả lương cho 1.538 lao động.
Ngoài ra, hiện còn có 18 doanh nghiệp đã đăng ký vay với số tiền 19,7 tỷ đồng để trả lương cho 4.642 lao động, nhưng hồ sơ chưa hoàn thiện, đang trong giai đoạn bổ túc.
Theo ông Tiên, sở dĩ vẫn còn quá ít doanh nghiệp nộp hồ sơ vay vốn trả lương cho người lao động so với nhu cầu là bởi hiện tại còn đang giãn cách xã hội, việc đi lại rất khó khăn; mặt khác doanh nghiệp đang còn tập trung chống dịch. “Sau 30/9, khi TPHCM hết giãn cách, doanh nghiệp sẽ đến nộp hồ sơ nhiều”, ông Tiên dự báo.
Tuy nhiên, ông Tiên cho biết, nhiều doanh nghiệp phản ánh đang gặp những khó khăn trong các điều kiện vay vốn, nhất là yêu cầu doanh nghiệp phải có quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 và hiện không có nợ xấu.
“Trong điều kiện dịch dã kéo dài, những yêu cầu đó là quá khó với doanh nghiệp”, ông Tiên nói, đồng thời cho biết Bộ LĐ-TB và XH đang lấy ý kiến trình Chính phủ để sửa đổi những quy định này trong Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ.
Có thể bạn quan tâm
13:20, 25/09/2021
12:31, 25/09/2021
11:00, 25/09/2021
11:00, 25/09/2021
11:00, 25/09/2021
10:59, 25/09/2021
08:15, 25/09/2021