“Lỗ hổng” quản lý kinh doanh xăng dầu
Tình trạng buôn lậu xăng, dầu diễn biến phức tạp, để lại nhiều hệ lụy cho xã hội và nền kinh tế.
>>Nghệ An xử lý doanh nghiệp buôn lậu xăng dầu khủng
Theo các chuyên gia, nguyên nhân một phần chính từ những bất cập trong các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động này…
Buôn lậu “khủng”
Ngày 25/10/2022, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai đã mở phiên tòa xét xử vụ án hình sự sơ thẩm đối với 74 bị cáo về tội “Buôn lậu” và “Nhận hối lộ”. Cơ quan chức năng cho biết, đây là các bị cáo trong đường dây buôn lậu xăng quy mô lớn nhất từ trước đến nay ở nước ta với gần 200 triệu lít, bị Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an triệt phá trong Chuyên án mang bí số 920G.
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Đồng Nai, tháng 9/2019, Phan Thanh Hữu (65 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH Phan Lê Hoàng Anh, trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đào Ngọc Viễn (54 tuổi) điều hành Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng, bàn bạc góp vốn thực hiện buôn lậu xăng giả. Sau đó, Hữu, Viễn cùng Phạm Hùng Cường, Phùng Danh Thoại và đối tượng tên Trọng góp vốn để mua xăng lậu từ Singapore đưa về Việt Nam tiêu thụ với số tiền 53 tỷ đồng.
Viễn giới thiệu chủ hàng ở Singapore cho Hữu trực tiếp thỏa thuận mua xăng lậu. Nhóm này thuê của Viễn 2 tàu trọng tải 8.000 tấn chở xăng từ Singapore về Việt Nam giao cho đội tàu mang tên Nhật Minh của Hữu. Sau đó, xăng lậu từ các tàu Nhật Minh bơm sang kho chứa xăng của các đầu nậu, đại lý rồi đưa đi tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố ở khu vực phía nam.
Do xăng nhập lậu từ nước ngoài có màu trắng, thị trường nước ta tiêu thụ xăng màu vàng nhạt, nên Hữu cùng các đối tượng mua chất bột màu và dung môi dùng để hòa tan, tạo thành xăng có màu vàng.
Ngoài ra, Hữu còn sử dụng các tàu Nhật Minh vận chuyển xăng lậu bán sang Campuchia. Mỗi tháng, đường dây này vận chuyển từ 3 đến 6 chuyến với khoảng 5 triệu lít xăng mỗi chuyến. Mỗi chuyến nhập xăng lậu vào Việt Nam, Hữu trả tiền thuê tàu cho Viễn, trả công tiền môi giới, chi phí đưa hối lộ cho một số cá nhân trong các cơ quan chức năng. Sau đó, Hữu được hưởng 40% lợi nhuận còn Viễn, Cường, Thoại được hưởng 60% lợi nhuận.
Tính từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, Hữu, Viễn cùng các đối tượng đã vận chuyển 48 chuyến, tổng cộng hơn 198 triệu lít xăng lậu, trị giá gần 2.800 tỷ đồng và đã tiêu thụ hơn 196 triệu lít, thu lợi hàng trăm tỷ đồng.
Trong vụ án này, bị cáo Ngô Văn Thụy, nguyên là Đội trưởng Đội 3, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, bị xét xử về tội “Nhận hối lộ”. Ngoài 74 bị cáo bị đưa ra xét xử, hiện, các cơ quan thực thi pháp luật tỉnh Đồng Nai đang tiếp tục điều tra giai đoạn 2 của Chuyên án 920G.
>>Ông “trùm” buôn lậu xăng dầu khai chi tiền cho cựu Thiếu tướng đi chơi golf
Tương tự có thể kể đến vụ buôn lậu xăng dầu đặc biệt lớn vừa bị Công an tỉnh Nghệ An triệt phá. Theo đó, ngày 23/3/2022, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Nghệ An tiến hành khám xét trụ sở Công ty TNHH Tân Xuân, có địa chỉ khối 2, phường Nghi Tân, TX Cửa Lò, Nghệ An về hành vi buôn bán xăng dầu trốn thuế. Quá trình khám xét, đã bắt giữ tàu Xuân Sơn 05 thuộc Công ty TNHH Xuân Sơn neo đậu tại cảng biển Cửa Lò, TX Cửa Lò, tỉnh Nghệ An có hành vi vận chuyển 1 triệu lít xăng E5, trị giá gần 30 tỷ đồng.
Theo đánh giá của các cơ quan quản lý, buôn lậu xăng dầu không chỉ gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh xăng dầu hợp pháp của những doanh nghiệp chân chính, gây thất thu ngân sách, mà còn tác động tiêu cực đến việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Vì sao xăng lậu “hoành hành”?
Phân tích nguyên nhân của thực trạng này, luật sư Tạ Anh Tuấn, Trưởng Văn phòng Luật Bách Gia Luật và Liên cho biết, bên cạnh sự liều lĩnh của các đối tượng phạm tội đã bất chấp pháp luật để trục lợi, thì nguyên nhân một phần là do chính những lỗ hổng trong quy định pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Cụ thể, đó là bất cập ngay từ các quy định về điều kiện cấp phép kinh doanh xăng dầu, bởi đây là một loại hình kinh doanh có điều kiện, thương nhân phải đáp ứng đủ các điều kiện như về cơ sở hạn tầng, kho chứa, phương tiện vận tải… theo quy định pháp luật, mới được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu – đây là bước sàng lọc đầu tiên.
“Tuy nhiên, lỗ hổng ở đây chính là doanh nghiệp phân phối xăng dầu có thể không cần đầu tư cơ sở hạ tầng, bến bãi, kho chứa, hệ thống phân phối… mà có thể thuê lại từ các đơn vị khác. Điều này dễ dẫn đến tình trạng cấp phép tràn lan, khó sàng lọc được các đối tượng lợi dụng lách luật để làm ăn bất chính”, luật sư Tạ Anh Tuấn nhận định.
Vấn đề bất cập tiếp theo, theo vị chuyên gia này, đó là việc kiểm soát nguồn cung xăng dầu của các cơ quan chức năng thường thông qua hóa đơn xuất, nhập. Tuy nhiên, trên thực tế, việc kiểm soát khối lượng xăng dầu đầu vào, đầu ra theo hóa đơn đối với đại lý bán lẻ xăng dầu chưa chặt chẽ, đặc biệt là việc bán lẻ xăng dầu không xuất hóa đơn vẫn còn tràn lan, nên đại lý xăng dầu rất dễ “hợp thức hóa” khi mua xăng dầu trôi nổi trên thị trường, xăng dầu giả để pha trộn với xăng dầu nhập chính thức từ thương nhân đầu mối/phân phối, tổng đại lý… rồi ung dung bán cho người tiêu dùng để trục lợi.
Vấn đề nữa rất đáng quan ngại, theo luật sư Tuấn là hoạt động kinh doanh xăng dầu được quản lý bởi nhiều nhiều cơ quan quản lý Nhà nước. “Tuy nhiên lại thiếu quy chế phối hợp, thiếu quy định về trách nhiệm của từng ngành nên việc kiểm tra, xử lý còn chồng chéo dễ dẫn tới tình trạng “đá bóng” trách nhiệm”, luật sư Tạ Anh Tuấn nói.
Có thể bạn quan tâm