Phòng, chống tham nhũng: Cần tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm

GIA NGUYỄN 08/11/2022 03:30

Để tiếp tục nâng cao công tác phòng, chống tham nhũng, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh các giải pháp căn cơ, cần tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng…

>> Chấn chỉnh ngay khuyết điểm trong công tác phòng, chống tham nhũng

Chính phủ vừa có báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022, theo đó, năm 2022, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng, có nhiều mặt cao hơn năm trước.

năm 2022 đến nay đã có 19 người đứng đầu đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó có vụ việc của ông Nguyễn Đức Chung - nguyên Chủ tịch UBND TP. Hà Nội - Ảnh minh họa: NLĐ

Năm 2022 đã có 19 người đứng đầu đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó có vụ việc của ông Nguyễn Đức Chung - nguyên Chủ tịch UBND TP. Hà Nội - Ảnh minh họa: NLĐ

Cụ thể, các bộ, ngành, địa phương kiểm tra tại 8.300 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện 98 cơ quan, tổ chức, đơn vị vi phạm. Bên cạnh đó, đã tiến hành kiểm tra tại 6.980 cơ quan, tổ chức, đơn vị (tăng 26,2% so với năm 2021) về thực hiện quy tắc ứng xử; từ đó đã xử lý 178 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm (tăng 98 trường hợp so với năm 2021). Đặc biệt, có 7 trường hợp nộp lại quà tặng cho đơn vị, với số tiền 135,3 triệu đồng.

Trong kỳ báo cáo, đã có 542.337 người thực hiện kê khai tài sản, thu nhập. Đến nay, có 7.662 người được xác minh tài sản, thu nhập; 4.934 cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được kiểm tra việc thực hiện. Qua xác minh có 74 người kê khai chưa đúng quy định, đã chấn chỉnh, kiểm điểm, xử lý theo quy định.

Đáng chú ý, từ đầu năm 2022 đến nay đã có 19 người đứng đầu đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Trong đó, xử lý hình sự 10 người, cách chức 1 người, cảnh cáo 5 người và khiển trách 3 người.

“Cùng với phòng ngừa, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được tăng cường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh nhiều sai phạm”, Báo cáo nêu.

Thực tế, từ sau Phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống tham nhũng, các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố mới 297 vụ án/682 bị can về các tội tham nhũng (tăng 153 vụ, 298 bị can so với cùng kỳ năm trước). Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đã khởi tố mới 08 vụ án/29 bị can, khởi tố thêm 40 bị can trong 12 vụ án; kết thúc điều tra 10 vụ án/134 bị can, kết thúc điều tra bổ sung 06 vụ án/142 bị can; truy tố 07 vụ án/77 bị can; xét xử sơ thẩm 05 vụ án/55 bị cáo, xét xử phúc thẩm 06 vụ án/53 bị cáo.

>> Kỳ vọng từ ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh

Vụ việc liên quan đến Công ty cổ phần công nghệ Việt Áp/

Vụ việc liên quan đến Công ty cổ phần công nghệ Việt Á là một trong những vụ việc nhận được sự quan tâm của dư luận trong năm 2022 - Ảnh minh họa: NLĐ

Các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi thu hồi được hơn 9.027 tỷ đồng trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo (tăng hơn 7.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước). Tòa án đã đưa ra xét xử kịp thời một số vụ án trọng điểm, gồm: Vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai và một số cơ quan, đơn vị; Vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra trong việc thực hiện Dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và Dự án biệt thự sông núi Vĩnh Trung tại khu vực núi Chín Khúc, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa;

Vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” xảy ra tại TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố khác, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế và các cơ quan, đơn vị liên quan; Vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Nhận hối lộ” xảy ra tại các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng; Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất, Xuất nhập khẩu Bình Dương.

Đáng nói, các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương, nội chính, kiểm tra đã phối hợp chặt chẽ, khắc phục khó khăn, vướng mắc, tập trung điều tra, xử lý nghiêm nhiều vụ án liên quan đến Công ty cổ phần công nghệ Việt Á; Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao; Tập đoàn Tân Hoàng Minh; Công ty cổ phần tiến bộ quốc tế (AIC) và các vụ, việc liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai, tài sản nhà nước xảy ra tại TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Dương… trong đó, khởi tố nhiều bị can là cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý; riêng liên quan đến Công ty Việt Á đã khởi tố 25 vụ án, 95 bị can.

Vụ việc tiêu cực liên quan đến các chuyến bay giải cứu xảy ra tại Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao

Vụ việc tiêu cực liên quan đến các chuyến bay giải cứu xảy ra tại Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao cũng khiến không ít cán bộ "dính chàm" - Ảnh minh họa: TCTA

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đã và đang đạt được, thực tế cũng cho thấy, các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa được phát huy toàn diện. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, chuyển đổi vị trí công tác, kiểm soát tài sản, thu nhập, nộp lại quà tặng vẫn còn hạn chế, vướng mắc.

Một số bộ, ngành, địa phương còn có tình trạng xét duyệt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý thiếu chặt chẽ; một số trường hợp thiếu điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực; thiếu kiên quyết điều chuyển, thay thế cán bộ khi có dư luận hoặc có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, uy tín thấp…

Từ thực tế đã nêu, một số ý kiến cho rằng, thời gian tới và trong năm 2023, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện và thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra, thi hành án; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng...

Cùng với đó, triển khai các cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng theo kế hoạch và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng; kịp thời chuyển ngay các vụ việc có dấu hiệu tội phạm phát hiện qua thanh tra sang cơ quan điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật…

Được biết, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội, các cơ quan thuộc Quốc hội, đại biểu Quốc hội tăng cường hoạt động chất vấn, giám sát chuyên đề về công tác này.

Đồng thời kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là lĩnh vực đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước…

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Ninh phòng chống tham nhũng: Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu

    Quảng Ninh phòng chống tham nhũng: Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu

    15:30, 22/06/2022

  • Hải Dương: Kỳ vọng

    Hải Dương: Kỳ vọng "đột phá" trong phòng chống tham nhũng

    13:10, 18/06/2022

  • Phòng chống tham nhũng trong khối doanh nghiệp tư nhân

    Phòng chống tham nhũng trong khối doanh nghiệp tư nhân

    15:56, 06/04/2022

  • Luật hoá trách nhiệm của doanh nghiệp trong phòng chống tham nhũng

    Luật hoá trách nhiệm của doanh nghiệp trong phòng chống tham nhũng

    15:15, 06/04/2022

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Kiện toàn Ban Chỉ đạo tổng kết Chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Kiện toàn Ban Chỉ đạo tổng kết Chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng

    20:00, 26/01/2022

GIA NGUYỄN