Còn nhiều “vướng mắc” trong… thi hành án dân sự

GIA NGUYỄN 08/11/2022 04:00

Mặc dù đã đạt nhiều kết quả tích cực trong năm 2022, thế nhưng, công tác thi hành án dân sự được cho vẫn còn nhiều “vướng mắc”, khi Luật Thi hành án dân sự đang cho thấy nhiều hạn chế, tồn tại…

>> Bất cập kê biên tài sản thi hành án

Thông tin từ Bộ Tư pháp cho thấy, kết quả thi hành án dân sự năm 2022 (từ tháng 01/10/2021 - 30/9/2022), hệ thống thi hành án dân sự đã thi hành xong hơn 530.000 vụ việc (tăng 44.000 so với cùng kỳ). Tổng số tiền đã thi hành xong là hơn 75.000 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 45,42%).

Năm 2022, công tác thi hành án dân sự đã đạt được những kết quả tích cực - Ảnh minh họa: TCTA

Năm 2022, công tác thi hành án dân sự đã đạt được những kết quả tích cực - Ảnh minh họa: TCTA

Trong đó, khoản nợ của các tổ chức tín dụng đã thi hành xong trên 6.000 vụ việc, thu được hơn 22.000 tỷ đồng. Với khoản bị thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, đã thi hành xong 1.900 vụ việc, thu được gần 16.000 tỷ đồng (tăng hơn 290% so với cùng kỳ).

Theo đại diện Bộ Tư pháp, kết quả công tác thi hành án dân sự liên quan các vụ án tham nhũng, kinh tế, đạt được kết quả như trên là do có nhiều thay đổi đột biến trong việc thi hành.

Vị này cho hay, trước kia, cùng một vụ án phải thi hành nhưng phải chia thành nhiều cấp bởi tài sản ở các địa phương khác nhau, nhất là các vụ về tín dụng, ngân hàng. Nhưng từ đầu năm 2022, đơn vị đã hướng dẫn các địa phương đồng loạt triển khai theo hướng dẫn chung để có kết quả tốt. Mặt khác, đơn vị cũng phối hợp chặt hơn với UBND các tỉnh, thành phố để phối hợp thu hồi tài sản. Trước mỗi vụ việc, Tổng cục Thi hành án dân sự gửi tên từng đương sự đến các tỉnh để kiểm tra tài sản che giấu và đã phát hiện rất nhiều tài sản để thu hồi.

Bên cạnh những mặt tích cực, theo đại diện Bộ Tư pháp, công tác thi hành án cũng còn một số vướng mắc nhất định, khi tội phạm thường rất tinh vi, có nhiều thủ đoạn gian manh và đã có sự chuẩn bị trước cho các hậu quả xảy ra. Ví dụ, trước khi phạm tội, họ đã tẩu tán tài sản cho người khác đứng tên.

“Một bất cập nữa là chưa có Luật Đăng ký tài sản và người thân của người có chức vụ chưa phải kê khai tài sản nên khó để thu hồi, cùng với đó, nhiều bản án khi tuyên không rõ ràng, chỉ dựa vào kê khai của đương sự,...”, vị này chia sẻ.

>> 1 luật sửa 9 luật: “Chìa khóa” thu hồi tài sản tham nhũng

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, công tác thi hành án vẫn còn đó những

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, công tác thi hành án vẫn còn đó những "vướng mắc" từ tồn tại, hạn chế của Luật - Ảnh minh họa: TCTA

Ngoài những nội dung đã nêu, nhiều ý kiến cũng cho rằng, những “vướng mắc” trong công tác thi hành án hiện nay xuất phát từ những hạn chế, tồn tại của Luật Thi hành án dân sự.

Cụ thể, mặc dù Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự (Một Luật sửa nhiều Luật) đã sửa đổi Điều 55, 56, 57 của Luật Thi hành án dân sự để tạo ra cơ chế cho cơ quan thi hành án chủ động làm song song trong việc xác minh, xử lý tài sản uỷ thác thi hành án ngay khi thụ lý, tuy nhiên, những sửa đổi này là chưa đủ. Bởi, hiện nay tài sản liên quan đến lượng án này chiếm tỷ lệ rất ít nhưng lượng tiền phải thi hành án rất cao 85% lượng tài sản phải thi hành mà tỷ lệ thi hành được lại quá thấp, dưới 30%.

Thông tin với Diễn đàn Doanh nghiệp, Luật sư Nguyễn Thành Luân – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Việt cho rằng, với Luật Thi hành án hiện hành, việc sửa đổi 3 Điều trong Dự án Một Luật sửa nhiều Luật chỉ giải quyết phần ngọn, chưa tới gốc, khi thực tế hiện nay, nhiều Điều, khoản tại Luật Thi hành án còn chồng chéo.

Cụ thể, theo Luật sư Luân, Điều 44a chưa xác định được địa chỉ cư trú của người phải thi hành án thì coi như chưa có điều kiện thi hành án. Thế nhưng, điểm b khoản 1 Điều 48 cũng với nội dung chưa xác định được địa chỉ người phải thi hành án thì được quyền hoãn thi hành án.

“Như vậy, sẽ tạo ra một sự tuỳ tiện, chấp hành viên có thể trả lời, chưa đủ điều kiện nhưng cũng có thể thụ lý rồi lại hoãn thi hành án”, Luật sư Luân chia sẻ.

Cũng theo Luật sư Luân, tại Điều 74, Điều 102 cho phép quá trình thi hành án, người được thi hành án, các cơ quan liên quan có quyền tranh chấp tài sản để xác định phần lợi ích chung. Và thực tế, trong thời gian qua, rất nhiều vụ án liên quan đến tổ chức tín dụng, trong quá trình tổ chức thi hành án thì phát sinh ra tranh chấp mới như thừa kế, người liên quan sở hữu tài sản… Như vậy, một vụ án phải thi hành thì phát sinh thêm một vụ án thứ 2, 3.

Từ những tồn tại, hạn chế đã nêu, để hiện thực hóa những phán quyết của Tòa án nhân dân vào thực tiễn, bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, cần sớm xem xét, rà soát lại Luật Thi hành án dân sự hiện hành để kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Có thể bạn quan tâm

  • Công ty CMH “bị tố” bất hợp tác trong thi hành án dân sự

    Công ty CMH “bị tố” bất hợp tác trong thi hành án dân sự

    03:00, 22/10/2022

  • Bất cập kê biên tài sản thi hành án

    Bất cập kê biên tài sản thi hành án

    16:00, 20/07/2022

  • Phúc thẩm vụ Sagri: Ông Trần Vĩnh Tuyến xin sớm đi thi hành án tù

    Phúc thẩm vụ Sagri: Ông Trần Vĩnh Tuyến xin sớm đi thi hành án tù

    17:07, 08/06/2022

  • Cần cơ quan đánh giá độc lập về hiệu quả thi hành án kinh doanh, thương mại

    Cần cơ quan đánh giá độc lập về hiệu quả thi hành án kinh doanh, thương mại

    03:50, 21/02/2022

  • Rà soát thi hành án vụ Giang Kim Ðạt, Vũ

    Rà soát thi hành án vụ Giang Kim Ðạt, Vũ "nhôm"

    03:00, 14/08/2021

GIA NGUYỄN