Bình ổn thị trường xăng dầu: Cần đồng bộ các giải pháp
Để giải quyết bài toán của thị trường xăng dầu sau những bất ổn thời gian qua, các chuyên gia cho rằng, cần đồng bộ các giải pháp…
>> Bất ổn thị trường xăng dầu: Cần thay đổi toàn diện về cơ chế, cách thức điều hành
Thị trường xăng dầu đã và đang trải qua giai đoạn rất khó khăn bởi những biến động khó lường trên thị trường thế giới, ở trong nước, chi phí kinh doanh xăng dầu cũng được cho là chưa theo kịp diễn biến thực tế khiến nhiều doanh nghiệp đầu mối kinh doanh thua lỗ; nhiều đại lý gián đoạn nguồn hàng, gây nên những bất ổn trên thị trường.
Trước thực trạng đã nêu, không ít ý kiến nhận định, chi phí kinh doanh là điểm nghẽn mấu chốt trong cung ứng xăng dầu…
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường xăng dầu, lời giải không chỉ nằm ở nguồn cung, chi phí kinh doanh mà còn nằm ở nhiều yếu tố khác như quản lý chất lượng, hệ thống phân phối.
Để ổn định thị trường xăng dầu, cần tổng hòa các giải pháp, tuy nhiên, giải pháp trước mắt, vẫn là tính đúng, tính đủ chi phí để giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại, từ đó ổn định sản xuất kinh doanh, giữ dòng chảy xăng dầu được thông suốt.
Ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho hay, theo quy định tại Nghị định 95/2021/NĐ-CP, những chi phí này được tổng kết, điều chỉnh lại sau 6 tháng nhưng lại không được thực hiện kịp thời. Thực tế, chi phí kinh doanh xăng dầu đã ở mức 11 USD, trong khi công thức chỉ tính có 3 USD/thùng... khiến doanh nghiệp nhập khẩu vẫn bị tính thiếu, kéo theo việc càng nhập về càng lỗ, xấp xỉ 1.000 đồng/lít.
Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, một điểm nghẽn khác liên quan đến chiết khấu là chi phí lưu thông. Năm 2014 khi xây dựng Nghị định 83/2014/NĐ-CP, mức phí tính là 1.350 đồng/lít; đến nay vẫn không thay đổi.
“Một tháng rưỡi nữa là bắt đầu tăng thuế Bảo vệ môi trường trở lại, nếu cơ quan chức năng không xử lý sớm thì việc tăng thuế này sẽ càng khó cho hoạt động kinh doanh, phân phối xăng dầu”, ông Bảo quan ngại.
Để thị trường xăng dầu vận hành ổn định, ông Bảo kiến nghị, bản thân doanh nghiệp rất mong các Bộ Tài chính, Công Thương tính đúng, tính đủ, còn lại chi phí vẫn để cho doanh nghiệp tự quyết định, như vậy, mới tạo ra thị trường cạnh tranh và bình đẳng…
>> Giao toàn diện quản lý xăng dầu cho Bộ Công Thương: Tránh “bộ này đổ cho bộ kia”
Đồng quan điểm với ông Bảo, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, bản thân doanh nghiệp và cơ quan chức năng kiểm soát về giá cần làm sao để đảm bảo được lợi ích của các doanh nghiệp.
Theo ông Long, trong cơ cấu giá bán xăng dầu hiện nay, chúng ta phải xác định cho sát với thực tế, cho hợp lý. Đồng thời, với tình hình giá xăng dầu thế giới có chiều hướng tăng cao, chúng ta cũng phải xem xét lại chính sách thuế để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên.
“Một điều quan trọng nữa để đảm bảo cho thị trường xăng dầu vận hành ổn định là sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành phải hết sức nhịp nhàng và có sự đồng thuận cao, quyết liệt, khẩn trương”, ông Long bày tỏ.
Còn theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, trước mắt, nên rà soát tất cả các kế hoạch từ nhập khẩu đến tiêu thụ của các địa phương những tháng cuối năm và đầu năm 2023, từ đó có kế hoạch nhập khẩu hoặc nhập hàng để đáp ứng tối đa nhu cầu.
“Chúng tôi cho rằng, nếu cần thiết thì phải có điều chỉnh để giá nhập về phải tương xứng với giá mua trong nước, để các doanh nghiệp bình đẳng với nhau. Phải có cơ chế cụ thể giữa doanh nghiệp đầu mối và doanh nghiệp cung ứng, bán lẻ để đảm bảo hoạt động tương đối độc lập của các doanh nghiệp. Khi đó, anh phải tự chịu trách nhiệm trong kinh doanh cũng như lãi lỗ, tính cạnh tranh tốt hơn”, ông Thịnh bày tỏ.
Thực tế, trước những bất ổn của thị trường xăng dầu, các cơ quan quản lý cũng đã đưa ra nhiều giải pháp và có sự vào cuộc quyết liệt, tuy nhiên, cho đến nay, những giải pháp được thực thi vẫn chưa đem đến kết quả như mong muốn, sự bất ổn của thị trường xăng dầu tiếp tục lan ra một số tỉnh, thành.
Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ, đảm bảo minh bạch, hiệu quả.
Trước đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 143/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2022. Trong đó, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực. Theo dõi sát tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, chính xác, không chuyển trạng thái đột ngột.
Riêng đối với Bộ Công Thương, Chính phủ yêu cầu thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước; điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định pháp luật; tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Đồng thời, có trách nhiệm rà soát, sớm đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu theo trình tự, thủ tục rút gọn. Lấy đủ ý kiến các đối tượng chịu tác động, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, công khai, minh bạch, hiệu quả, hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, trình Chính phủ trong tháng 11/2022.
Kể từ ngày 11/11, phụ phí nhập khẩu xăng dầu tăng trong công thức tính giá cơ sở theo đề xuất của các doanh nghiệp. Theo đó, trên cơ sở kiến nghị của Bộ Công Thương, kết quả tổng hợp báo cáo chi phí kinh doanh xăng dầu của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và ý kiến của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, thông báo chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam để tính giá cơ sở xăng dầu tăng 5 - 83%, tương ứng với 60 - 660 đồng/lít, kg. Cụ thể, xăng nền để phối trộn xăng E5RON92 tăng lên 640 đồng/lít (tăng 290 đồng/lít), xăng RON95 là 1.280 đồng/lít (tăng 560 đồng/lít). Dầu diesel 0,05S: 730 đồng/lít (tăng 28 đồng/lít), dầu hỏa có mức tăng cao nhất lên 1.740 đồng/lít (tăng 660 đồng/lít), dầu madut 180cst 3,5S là 1.350 đồng/kg (tăng 5 đồng/kg). Tuy vậy, các doanh nghiệp cho hay mức tăng này vẫn chưa đủ so với mức phụ phí trên thực tế nhập khẩu xăng dầu. Thời gian qua, tình trạng xăng dầu khan hiếm tiếp tục lan ra phía Bắc, nhiều cây xăng tại Hà Nội "hết xăng" và tình trạng ùn ứ, xếp hàng để đổ xăng diễn ra ở cả TP.HCM lẫn Hà Nội. |
Có thể bạn quan tâm
Chính phủ tổ chức họp khẩn về điều hành xăng dầu
13:09, 11/11/2022
Có nên tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu?
00:00, 11/11/2022
Điều chỉnh giá xăng dầu theo ngày: "Để giá xăng trong nước bắt nhịp giá xăng thế giới"
07:11, 10/11/2022
Đồng bộ giải pháp ổn định thị trường xăng dầu
05:20, 10/11/2022
Hoá giải "điểm nghẽn" thị trường xăng dầu
05:00, 10/11/2022