Cần gắn trách nhiệm cá nhân với những thông tư kém chắt lượng
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, việc ban hành Thông tư có tác động rất lớn, vì vậy cần gắn trách nhiệm cá nhân với những thông tư có vấn đề, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
>> Lo ngại tình trạng chất lượng thông tư kém “cản đường” doanh nghiệp
Theo quy định, Thông tư không được quy định về điều kiện kinh doanh và không được làm phát sinh thêm thủ tục hành chính nếu không được ủy quyền. Thế nhưng, hiện nay, đã và đang xảy ra hiện tượng, các văn bản cấp Luật, Nghị định có tinh thần tiến bộ rất rõ, nhưng khi xuống đến Thông tư lại nảy sinh nhiều vấn đề bất cập, vướng mắc, khiến tính cải cách của chính sách không phát huy khi đưa vào áp dụng trong thực tiễn.
Thực tế, thống kê của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) giai đoạn 2016 – 2020 cho thấy, Quốc hội ban hành 112 Luật, Pháp lệnh và Nghị quyết; Chính phủ ban hành 745 Nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 232 Quyết định. Cũng trong khoảng thời gian này, các bộ, ngành đã ban hành 2.532 Thông tư và Thông tư liên tịch.
Đặc biệt, vẫn có hiện tượng các quy định hướng dẫn tại Thông tư khác hẳn, vượt quá, thêm bớt... so với quy định tại Nghị định, Luật, gây ra mâu thuẫn và chồng chéo khó thực hiện. Ngoài ra, nhiều Thông tư ban hành nhưng có các quy định, xác định chủ thể thực hiện nghĩa vụ chưa đúng; quy định tạo ra gánh nặng về chi phí tuân thủ; quy định chưa phù hợp với thực tế, khó thực hiện... gây cản trở một cách bất hợp lý hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Một trong số đó có thể kể đến như Thông tư 02/2021/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải quy định lắp camera phải theo dõi khoang hành khách, trong khi Nghị định số 10/2020/NĐ-CP không yêu cầu, điều này khiến tốn thêm chi phí lắp camera, đường truyền, thậm chí hình ảnh riêng tư.
Hay như một số Thông tư trong lĩnh vực ngân hành như: Thông tư số 40/2011/TT-NHNN ngày 15/12/2021, Thông tư số 17/2018/TT-NHNN ngày 14/8/2021, Thông tư số 28/2018/TT-NHNN ngày 30/11/2018 quy định về điều kiện cấp Giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng thương mại cổ phần; Giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài...
>>Quan ngại chồng chéo trong Dự thảo Thông tư về trồng rừng thay thế
Ngoài những vấn đề đã nêu, không ít Thông tư đã buộc phải tạm ngưng hiệu lực, hoặc sửa đổi sau một thời gian ngắn được ban hành vì những bất cập, chồng chéo như Thông tư 15/2019/TT- BKHCN về “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép không gỉ” bị ngưng hiệu lực thi hành khi mới phát sinh hiệu lực khoảng 8 tháng; Thông tư 40/2021/TT-BTC ngày 01/6/2021 quy định chủ sở hữu sàn giao dịch điện tử phải thực hiện việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân…
Chưa kể, trong một số lĩnh vực, dù không cần thiết phải ban hành Thông tư nhưng văn bản này vẫn ra đời. Đơn cử như Thông tư 38/2014/TT-BTC; Thông tư 60/2021/TT-BTC quy định chi tiết về tài liệu trong hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện thẩm định giá trong khi Nghị định 89/2012/NĐ-CP, Nghị định 12/2021/NĐ-CP dù Luật Giá không ủy quyền.
Đáng nói, một số lĩnh vực lại quá lệ thuộc vào Thông tư như lĩnh vực thuế, khi có hơn 70 Thông tư hướng dẫn Luật Các tổ chức tín dụng 2010, 2017.
Trước những vấn đề bất cập của Thông tư, ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam cho rằng, Thông tư kém chất lượng còn nguy hiểm hơn tham nhũng, bởi khi Thông tư chất lượng kém doanh nghiệp sẽ không làm được, cản trở doanh nghiệp thì người dân không có việc làm, Nhà nước sẽ thất thu ngân sách.
“Đáng ra Thông tư là thúc đẩy doanh nghiệp làm theo Luật, phanh trước doanh nghiệp những vùng cấm… Thế nhưng, Thông tư lại đang làm khổ doanh nghiệp”, ông Đệ bày tỏ.
Không chỉ nhận được nhiều quan ngại từ phía cộng đồng doanh nghiệp, tình trạng Thông tư kém chất lượng, “vênh” Nghị định, Luật, mở rộng quy định về điều kiện kinh doanh cũng là vấn đề mà các chuyên gia đã liên tục đề cập và phản ánh.
Đánh giá về chất lượng ban hành Thông tư những năm vừa qua, chuyên gia kinh tế - Phạm Chi Lan cho rằng, những Thông tư ban hành nhưng chất lượng kém, thiếu nhất quán, thiếu tính khả thi, thiếu tiên liệu... đang làm cho môi trường kinh doanh khó được cải thiện. Tuy nhiên, những người soạn thảo lại vô can, không phải chịu trách nhiệm gì. Việc không có chế tài khiến chất lượng thông tư không cao, bởi có gây thiệt hại thì không ai phải chịu trách nhiệm.
Còn theo TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), bình quân mỗi năm, Quốc hội ban hành khoảng 20 Luật, nhưng có 150 Nghị định và 500 - 600 Thông tư hướng dẫn, có nghĩa, nhánh lập pháp đang dành quá nhiều dư địa cho nhánh hành pháp ban hành quy định… Tùy ý áp dụng, giải thích dành cho công chức là rất lớn.
“Điều này gây ra nhiều rủi ro, khiến người kinh doanh ngại ngần, đứng trước nguy cơ lúc nào cũng sai. Môi trường kinh doanh cần có mấy từ khóa là “tự do”, “an toàn”, “chi phí thấp”, song với cách làm thế này thì không thể có được”, TS Nguyễn Đình Cung bày tỏ.
Từ thực trạng đã nêu, không ít ý kiến cho rằng, việc ban hành Thông tư có tác động rất lớn, vì vậy cần gắn trách nhiệm cá nhân với những thông tư có vấn đề, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Cùng với đó, cần tăng cường cơ chế tham vấn thực tế để doanh nghiệp có thể tham gia và có tiếng nói thực chất hơn vào quá trình soạn thảo Thông tư, có cơ chế giám sát việc ban hành Thông tư, đánh giá tác động chính sách từ Thông tư, thu thập kịp thời thông tin về vướng mắc thực thi.
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo Thông tư về an toàn phương tiện thủy nội địa còn một số quy định thiếu khả thi
03:30, 15/11/2022
Lo ngại tình trạng chất lượng thông tư kém “cản đường” doanh nghiệp
03:00, 14/11/2022
Lãng phí sẽ trông thấy trước nếu nghị định vẫn phải chờ thông tư
03:00, 31/10/2022
Quan ngại chồng chéo trong Dự thảo Thông tư về trồng rừng thay thế
03:30, 27/10/2022
Chú trọng logistics xanh và hệ thống tự động hóa
20:02, 19/10/2022