Bảo hộ sở hữu trí tuệ sản phẩm OCOP - Bài 1: "Sai một ly, đi một dặm"
Nhiều quan niệm sai lầm của chủ doanh nghiệp sở hữu sản phẩm OCOP đã dẫn đến bao cái kết đắng.
>>Khó thực thi xử lý xâm phạm nhãn hiệu
Liên quan đến việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ các sản phẩm OCOP tại Việt Nam, với kinh nghiệm nhiều năm làm trong lĩnh vực này, tôi xin chỉ ra một số bất cập của các chủ thể sở hữu các sản phẩm OCOP phổ biến hiện nay.
Từ quan niệm sai lầm…
Bất cập thứ nhất đang diễn ra khá phổ biến là rất nhiều các chủ thể sở hữu sản phẩm OCOP cho rằng chỉ cần gắn nhãn hiệu OCOP là đã đủ để tạo ra một sản phẩm thành công. Trong khi giấy chứng nhận này cũng như nhãn OCOP chỉ cho thấy đây là một sản phẩm tiêu biểu của một địa phương có thể đưa ra thị trường. Nó chưa đủ để khẳng định và đảm bảo vị trí cũng như hiệu quả kinh tế của sản phẩm trên thị trường.
Chỉ riêng sản phẩm gạo thì hiện nay ở Việt Nam, gần như địa phương nào cũng có sản phẩm gạo gắn nhãn OCOP, có những địa phương có vài chục sản phẩm gạo OCOP như Cà Mau, Nam Định, Thái Bình, Điện Biên.
Bản thân nhãn OCOP chỉ chứng nhận chất lượng của sản phẩm ở một mức độ nhất định chứ chưa thể hiện đặc trưng của sản phẩm trong khi đây là yếu tố quyết định đem lại hiệu quả kinh tế của từng sản phẩm. Càng có nhiều sản phẩm OCOP, càng tạo ra nhiều áp lực cạnh tranh. Việc kinh doanh sẽ khó khăn hơn khi mà dịch vụ, hàng hóa có xu hướng vượt quá so với nhu cầu, đặc biệt khi chưa có nhiều sự khác biệt giữa các sản phẩm để người tiêu dùng nhận diện và lựa chọn.
Bất cập thứ hai là việc lựa chọn hình thức bảo hộ sở hữu trí tuệ không phù hợp với sản phẩm. Một sản phẩm OCOP có thể được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ khác nhau, ví dụ như sản phẩm trà có thể được bảo hộ với nhãn hiệu (nhãn hiệu thông thường, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể), giống cây trồng, chỉ dẫn địa lý, tên gọi xuất xứ, kiểu dáng công nghiệp (đối với bao bì, quy cách đóng gói sản phẩm).
Đứng trước tình thế này, chủ sở hữu sản phẩm phải xem xét, lựa chọn hình thức bảo hộ phù hợp nhất để khai thác hiệu quả kinh tế, tạo chiến lược tiếp thị và nhất là tránh việc bị đối thủ cạnh tranh sao chép, bắt chước.
Việc lựa chọn hình thức bảo hộ không phù hợp và không đầy đủ sẽ đánh mất khả năng cạnh tranh của sản phẩm, cũng như khiến cho chủ sở hữu của sản phẩm đứng trước nhiều nguy cơ bị xâm phạm đến quyền và lợi ích của mình.
Bài học của gạo ST25 là một ví dụ. Khi sản phẩm này ban đầu được đăng ký bảo hộ theo giống cây trồng nhưng không bảo hộ nhãn hiệu và kết quả là nhãn hiệu ST24, ST25 bị các doanh nghiệp khác đăng ký tại các thị trường xuất khẩu tiềm năng.
>>Xây dựng thương hiệu Việt nhìn từ câu chuyện của gạo ST25
Thứ ba, việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm OCOP mà thiếu cơ chế quản lý, sử dụng và bảo hộ các đối tượng này khá phổ biến. Tại sao sau khi sản phẩm gạo ST24 được công nhận gạo ngon nhất thế giới vào năm 2019 thì thị trường xuất hiện hàng loạt sản phẩm gạo ST25 giả với bao bì, mẫu mã.
Đó là mặc dù người tạo đăng ký bảo hộ ST25 nhưng không có cơ chế rà soát, quản lý việc sử dụng bao bì, sản phẩm của mình một cách chặt chẽ, cũng như chưa mạnh mẽ trong việc yêu cầu các cơ quan chức năng can thiệp để bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tôi muốn lưu ý rằng, kể cả khi sản phẩm đã được đăng ký sở hữu trí tuệ thì chủ sở hữu cũng cần có cơ chế giám sát, quản lý việc sử dụng, khai thác cũng như chủ động bảo vệ quyền của mình khi xâm phạm.
Cuối cùng là đến việc Việt Nam chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu OCOP thống nhất và đầy đủ về sản phẩm OCOP và bộ nhận diệu thương hiệu cho từng sản phẩm trong khi hiện đã có hàng ngàn sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng và chứng nhận.
Việc cập nhật danh sách hiện nay mang tính cục bộ theo từng địa phương, như vậy, rõ ràng, ở cấp trung ương còn thiếu sự hỗ trợ giúp quảng bá, xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm OCOP.
Tôi cho rằng một cơ sở dữ liệu thống nhất, cập nhật về sản phẩm OCOP với đầy đủ hệ thống nhận diện không chỉ hỗ trợ và tạo động lực cho các chủ thể sở hữu sản phẩm OCOP mà còn giúp người tiêu dùng có thông tin đầy đủ, chính xác và tin cậy để lựa chọn sản phẩm phù hợp cho mình, giúp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trong thị trường trong nước và quảng bá sản phẩm trên thị trường quốc tế.
Đến cái giá phải trả…
Việc không đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm OCOP đồng nghĩa với việc chủ sở hữu sản phẩm đối mặt với rủi ro bị chiếm đoạt và vướng vào tranh chấp, thậm chí bị kiện do sử dụng nhãn hiệu của mình cho sản phẩm của mình.
Vụ việc tiêu biểu nhất không thể không nhắc đến là việc nhãn hiệu gạo ST24, 25 bị doanh nghiệp khác đăng ký tại Mỹ, Úc và Trung Quốc. Trước đó, rất nhiều sản phẩm OCOP gắn với chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận của Việt Nam đã bị các doanh nghiệp khác đăng ký tại thị trường nước ngoài như cà phê Đắc Lắc bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký tại một loạt các quốc gia trên thế giới thông qua hệ thống Marid, nước mắm Phú Quốc, kẹo dừa Bến Tre bị đăng ký tại Trung Quốc và rất nhiều nhãn hiệu khác như bánh phồng tôm Sa Giang, nước mắm Phan Thiết, cà phê Buôn Mê Thuột.... cũng đã bị mất thương hiệu tại các nước.
Việc đòi lại nhãn hiệu sau khi đã bị chủ thể khác đăng ký trước tại thị trường nước ngoài rất khó khăn, kéo dài và chưa kể chi phí pháp lý rất tốn kém. Để tránh những tranh chấp về thương hiệu không đáng có rất phổ biến như hiện nay, mỗi doanh nghiệp, chủ sở hữu sản phẩm OCOP cần quan tâm và chú trọng việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, bảo hộ nhãn hiệu ở cả thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu tiềm năng.n
Bài 2: Đừng để “Mất bò mới lo làm chuồng”
Có thể bạn quan tâm
Phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch hồ Ba Bể
23:16, 26/11/2022
Hải Dương: Gỡ “nút thắt” trong tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP cho Doanh nghiệp
18:44, 25/11/2022
18-25/12: Hội chợ Công Thương và Sản phẩm OCOP - Kon Tum 2022
14:43, 15/11/2022
Festival sản phẩm nông sản, OCOP gắn kết du lịch 2022
03:42, 12/11/2022
Gắn quảng bá sản phẩm OCOP với phát triển du lịch
03:55, 27/10/2022
Ấn tượng với 50 gian hàng sản phẩm OCOP các tỉnh Tây Bắc
14:34, 24/09/2022
Hà Nội tạo “sân chơi” giúp nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch
16:18, 17/09/2022