Thuế thu nhập cá nhân – Không thể mãi cào bằng mức sống

GIA NGUYỄN 06/12/2022 04:00

Mặc dù đã trải qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung sau 15 năm ban hành, thế nhưng, theo chuyên gia, bất cập của thuế thu nhập cá nhân hiện nay vẫn nằm ở việc cào bằng mức sống…

>> Sớm sửa các quy định bất bình đẳng về thuế thu nhập cá nhân

Theo đó, sau 15 năm đi vào thực tiễn, Luật Thuế thu nhập cá nhân vẫn quy định mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân và người phụ thuộc, không phân biệt điều kiện sống theo vùng miền. Trong khi, với chính sách tiền lương, Chính phủ đã có quy định mức lương tối thiểu vùng (4 vùng), tuy nhiên, mức giảm trừ gia cảnh theo Luật Thuế thu nhập cá nhân lại không tiếp cận như vậy, dẫn đến việc cào bằng mức sống của người thành thị với nông thôn.

Báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội gần đây cho thấy, thu nhập của lao động ở thành thị gấp 1,43 lần nông thôn - Ảnh minh họa: BTN

Báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội gần đây cho thấy, thu nhập của lao động ở thành thị gấp 1,43 lần nông thôn - Ảnh minh họa: BTN

Thực tế, Báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội gần đây cho thấy, thu nhập của lao động ở thành thị gấp 1,43 lần nông thôn, nhưng, với đặc tính lũy tiến của thuế thu nhập cá nhân, nếu thu nhập trung bình của người dân thành thị cao hơn nông thôn thì thuế sẽ điều tiết phần thu nhập cao hơn đó ở thành thị với một tỷ lệ thuế suất biên cao hơn so với ở nông thôn.

Do đó, theo các chuyên gia, mức giảm trừ gia cảnh cần phải phân biệt giữa các vùng khác nhau thay vì cào bằng. Chẳng hạn như: với cơ cấu tỷ lệ mức lương tối thiểu giữa các vùng theo quy định hiện nay và với mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế ở vùng IV (thấp nhất) là 11 triệu đồng thì vùng III phải là 12,5 triệu, vùng II là 14 triệu và vùng I là 16 triệu đồng/tháng.

Đặc biệt, trong điều kiện lạm phát các năm tương đối cao, việc quy định mức giảm trừ gia cảnh chỉ được điều chỉnh khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20%, cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến mức giảm trừ gia cảnh sớm trở nên lạc hậu, đồng thời, người lao động phải chịu thiệt thòi do độ trễ của sự điều chỉnh luôn theo sau lạm phát. Hơn nữa, việc chỉ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo CPI mà không điều chỉnh các mức thu nhập trong các bậc thuế là một sự bỏ qua nghiêm trọng.

Như trong lần điều chỉnh năm 2020, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc tăng lần lượt từ 9 và 3,6 lên tương ứng 11 và 4,4 triệu đồng/tháng, tức tăng khoảng 20%. Trong khi đó, ngưỡng thu nhập tính thuế trong các bậc thuế lại không hề được đả động, khi với thực trạng đã nêu, đáng lẽ ngưỡng thu nhập tính thuế cũng phải điều chỉnh tăng ít nhất từ 5 lên 6 triệu đồng, ngưỡng tiếp theo từ 6 đến 12 triệu đồng... và ngưỡng cao nhất từ 80 lên 96 triệu đồng/tháng mới có thể đảm bảo mức thuế suất trung bình không đổi khi thu nhập danh nghĩa tăng do lạm phát (khác với do tăng năng suất).

Ngoài ra, việc điều chỉnh nên được tiến hành tự động hàng năm theo một công thức kỹ thuật gắn với chỉ số giá - thu nhập do Chính phủ công bố thay vì đợi CPI tích lũy đủ 20% đi kèm với một quy trình hành chính mất thời gian không cần thiết, trừ những điều chỉnh lớn và có tính hệ thống mới cần trình Quốc hội xem xét quyết định.

>> Cần sớm sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân

Theo các chuyên gia, tính thuế thu nhập cá nhân không thể mãi cào bằng mức sống - Ảnh minh họa: BLĐ

Theo các chuyên gia, tính thuế thu nhập cá nhân không thể mãi cào bằng mức sống - Ảnh minh họa: BLĐ

Theo PGS.TS Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), mức giảm trừ gia cảnh trong Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện nay chưa sát với thực tế, lộ rõ những bất cập. Cụ thể, kể từ tháng 7/2020, Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế được điều chỉnh tăng từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng/tháng, và với mỗi người phụ thuộc tăng từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng/tháng.

Đây là mức giảm trừ lạc hậu khi nền kinh tế không ngừng tăng trưởng, giá hàng hóa, dịch vụ tăng cao khiến người nộp thuế phải tốn nhiều chi phí để trang trải cuộc sống.

Ông Long cho rằng, hiện nay, người có thu nhập 13-18 triệu đồng/tháng nhưng có 1-2 người phụ thuộc, số tiền đó chỉ đủ trang trải cuộc sống tương đương cách đây gần 10 năm, tính từ lúc điều chỉnh, bổ sung Luật Thuế thu nhập cá nhân vào năm 2012. Số tiền này chủ yếu chi cho các mặt hàng sinh hoạt thiết yếu như lương thực thực phẩm, xăng dầu, điện nước, học hành…

Những chi phí đó hàng năm luôn có tỷ lệ tăng cao hơn con số lạm phát, bởi, rổ hàng hóa tính CPI với 11 nhóm hàng hóa, dịch vụ, nhiều thứ không thiết yếu giá lại giảm đã kéo xuống, như bưu chính viễn thông; đồ uống, thuốc lá; may mặc, mũ nón, giày dép.

“Cách đây 9 năm, tại Hà Nội mớ rau chỉ khoảng 2.000 đồng nay đã 6.000-10.000 đồng. Nếu tính “lạm phát theo mớ rau”, con số tổng CPI 20% cách xa một trời một vực, bởi nó tăng gần chục lần”, ông Long bày tỏ.

Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia này, quy định hiện hành, mức giảm trừ gia cảnh là mức cố định chung cho tất cả người nộp thuế ở các vùng miền khác nhau, khi mức chi phí trang trải cuộc sống có sự chênh lệch đáng kể, cũng không hợp lý.

Thực tế, theo thống kê của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân trong cả giai đoạn 2012 - 2019 tăng 33,05%. Trong giai đoạn từ 2020 đến 6 tháng đầu năm 2022, mức CPI bình quân tăng 9,95%. Như vậy, trong vòng 10 năm (từ năm 2012 đến tháng 6.2022), CPI tăng 41,98%, nghĩa là người thu nhập có 100 đồng thì sức mua đã bị giảm đi 40 đồng so với 10 năm trước. Chưa kể, mức tăng trên thực tế còn cao hơn.

Chẳng hạn như, cách đây 10 năm, quả trứng gà chỉ khoảng 1.500 đồng, nay lên hơn 3.500 đồng; thịt lợn ba chỉ 90.000 - 100.000 đồng/kg nay lên hơn 200.000 đồng/kg; một lít dầu ăn cũng khoảng 30.000 đồng nay lên hơn gấp đôi… Hoặc chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay thì hàng loạt sản phẩm chi tiêu trong đời sống của người dân cũng tăng 50 - 70%, thậm chí có sản phẩm cũng tăng gấp đôi khi giá xăng dầu liên tiếp nhảy vọt, thậm chí có lúc đã lên mức kỷ lục trên 33.000 đồng/lít.

Trong khi đó, Danh mục CPI hiện nay bao gồm 752 mặt hàng, nhưng đối với người lao động họ chỉ sử dụng vài chục mặt hàng thiết yếu như: thịt, cá, rau, gạo, quần áo, xăng dầu, điện, nước, sữa, học phí... Những mặt hàng còn lại không hề tác động hay liên quan đến đời sống hằng ngày của họ. Do vậy, sẽ rất bất hợp lý nếu phải chờ đợi chỉ số CPI chung này để làm căn cứ đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh.

Vì vậy, các chuyên gia kiến nghị, không nên cột một mức cố định mà mức giảm trừ gia cảnh nên theo mức lương tối thiểu vùng, có thể bằng năm tháng lương tối thiểu vùng để khi mức lương tối thiểu vùng điều chỉnh thì mức giảm trừ gia cảnh cũng tăng theo, theo nguyên tắc nước lên thì thuyền lên.

Có thể bạn quan tâm

  • Sửa Luật thuế thu nhập cá nhân: Xin đừng đủng đỉnh

    Sửa Luật thuế thu nhập cá nhân: Xin đừng đủng đỉnh

    06:44, 02/12/2022

  • Sớm sửa các quy định bất bình đẳng về thuế thu nhập cá nhân

    Sớm sửa các quy định bất bình đẳng về thuế thu nhập cá nhân

    03:50, 01/12/2022

  • Cần sớm sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân

    Cần sớm sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân

    03:50, 28/11/2022

  • Cần xem xét thay đổi toàn diện quy định về thuế thu nhập cá nhân

    Cần xem xét thay đổi toàn diện quy định về thuế thu nhập cá nhân

    04:00, 26/11/2022

  • Đưa Luật thuế thu nhập cá nhân về đúng bản chất

    Đưa Luật thuế thu nhập cá nhân về đúng bản chất

    05:30, 11/10/2022

GIA NGUYỄN