Sửa Luật thuế thu nhập cá nhân: Xin đừng đủng đỉnh

SÔNG HÀN 02/12/2022 06:44

Chi phí phục vụ cuộc sống tăng cao, đã đến lúc cần sửa Luật thuế thu nhập cá nhân, nhưng cơ quan liên quan vẫn đủng đỉnh.

>>Thuế với người làm công ăn lương: “Bòn nơi khố rách”?

Các quy định liên quan đến thuế TNCN được cho còn nhiều bất cập - Ảnh minh họa: CAND

Các quy định liên quan đến thuế TNCN được cho còn nhiều bất cập - Ảnh minh họa: CAND

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn đang gây ra những bất ổn nhất định, bóng ma suy thoái kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu ngày càng lộ rõ. Và Việt Nam cũng không thoát được gam “màu tối” ấy khi lãi suất đang có xu hướng tăng lên, thuế, phí vẫn là mối lo với nhiều người dân và doanh nghiệp, trong đó có vấn đề thuế thu nhập cá nhân (TNCN).

Dư luận cho rằng mức giảm trừ gia cảnh nên căn cứ theo mức lương tối thiểu vùng để khi tăng mức lương tối thiểu vùng thì mức giảm trừ cũng tự động tăng theo, thay vì cột cứng ở mức cố định như hiện nay khiến người lao động thiệt đơn thiệt kép. Ngoài ra, cần tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc lên bằng 70% mức giảm trừ của người lao động vì mức 4,4 triệu đồng/tháng hiện nay đã quá lạc hậu.

Thế nhưng, phía Bộ Tài chính lại không nghĩ vậy. Theo báo cáo đầu tháng 11 của Bộ Tài chính về số thu ngân sách từ tháng 1-10/2022, số thu thuế TNCN đã vượt 118,1% dự toán ngân sách. Như vậy, dự toán cả năm 2022, thuế TNCN là 118.075 tỉ đồng, nhưng chỉ 10 tháng đầu năm đã thu vượt 21.371 tỉ đồng, lên 139.446 tỉ đồng. Đây là số thu thuế cao nhất từ 10 năm trở lại đây. Đồng thời tăng gấp 3 lần so với số thu năm 2013 (thời điểm điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh từ 4 triệu đồng/người/tháng lên 9 triệu đồng/người/tháng) và tăng hơn 30.000 tỉ đồng sau khi điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh vào năm 2020 từ 9 triệu đồng/người/tháng lên 11 triệu đồng/người/tháng.

Bộ Tài chính lý giải, mức giảm trừ 4,4 triệu đồng/tháng của người lao động vẫn chưa lạc hậu. Các trường hợp có thu nhập lớn hơn các mức 17 triệu đồng/tháng, 22 triệu đồng/tháng thì số thuế phải nộp cũng rất nhỏ so với thu nhập của cá nhân.

Liên quan đến vấn đề này, còn nhớ cách đây hơn 4 năm, từ đầu năm 2018, trong văn bản lấy ý kiến góp ý sửa đổi Luật thuế TNCN, Bộ Tài chính thừa nhận một số quy định trong luật như biểu thuế lũy tiến từng phần quá nhiều bậc và khoảng cách giữa các bậc quá dày, gây bất lợi cho người nộp thuế.

Ngoài 7 bậc thuế với mức thuế cao nhất lên tới 35%, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia tài chính, cho rằng mức giảm trừ gia cảnh cũng quá lạc hậu. Như 4,4 triệu đồng/tháng không đủ để nuôi một đứa trẻ ở thành phố, lại càng không đủ để chăm sóc một người già không còn sức lao động. Chi phí thuốc men, đi lại, bệnh viện đều tăng cao. Để được giảm trừ, người phụ thuộc như cha mẹ người nộp thuế phải quá tuổi lao động và phải có thu nhập bình quân tháng không quá 1 triệu đồng. Điều này cho thấy chính sách quá bất cập, xa vời với thời cuộc.

Cho ý kiến về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội - người đã quan sát thuế TNCN từ thời điểm còn là Pháp lệnh thuế cho người có thu nhập cao đến khi thành luật Thuế TNCN nhấn mạnh, từ khoảng 5 năm trở lại đây, luật Thuế TNCN bộc lộ nhiều bất cập nhưng chưa được đề cập sửa một cách thấu đáo nên càng gây thêm gánh nặng cho người nộp thuế. Trong 3 năm qua, hết dịch Covid-19 bùng phát đến giá cả hàng hóa gia tăng, đã ảnh hưởng đến cuộc sống người nộp thuế rất nhiều. Ông Tú cho rằng, trong bối cảnh cuối năm nay và sang năm 2023 được đánh giá tình hình kinh tế sẽ còn gặp nhiều khó khăn thì nhà nước cần nghiên cứu hỗ trợ người nộp thuế.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần sớm sửa đổi các quy định trong chính sách thuế thu nhập cá nhân - Ảnh minh họa: TN

Nhiều ý kiến cho rằng, cần sớm sửa đổi các quy định trong chính sách thuế thu nhập cá nhân - Ảnh minh họa: TN

>>Sớm sửa các quy định bất bình đẳng về thuế thu nhập cá nhân

>> Cần sớm sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân

>> Cần xem xét thay đổi toàn diện quy định về thuế thu nhập cá nhân

Thử nhìn sang các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh… hay các nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan…, chính sách thuế TNCN luôn đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế. Chẳng hạn:

Tại Malaysia, ngoài mức giảm trừ gia cảnh, người nộp thuế được trừ 20 khoản chi khác như chi phí chăm sóc cha mẹ, học phí, tiền khám chữa bệnh cho bản thân… Hoặc tại Thái Lan, người nộp thuế cũng được giảm trừ gia cảnh, tiền lãi vay mua trả góp, học phí cho con, tiền mua bảo hiểm nhân thọ… trước khi tính thu nhập chịu thuế.

Còn tại Mỹ, thu nhập chịu thuế được tính là tổng thu nhập trừ các khoản phải giảm trừ như học phí, lãi vay mua nhà… sau đó, trừ tiếp ngưỡng chịu thuế rồi mới nhân với các mức thuế theo biểu thuế lũy tiến. Ngưỡng chịu thuế tại Mỹ cũng được áp dụng theo đối tượng như người đã kết hôn, người độc thân, thậm chí người độc thân là trụ cột kinh tế gia đình.

Thực tế trên cho thấy, thế giới luôn tồn tại những bất ổn, nhất là chiến tranh thương mai giữa hai cường quốc Mỹ - Trung vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Do đó việc giảm thuế, tạo niềm tin, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp là vấn đề quan trọng. Không có lý do gì để chúng ta chậm trễ hơn nữa bởi thế giới đã hành động, nếu chúng ta hành động chậm trễ hoặc đi ngược lại xu thế thì không tạo ấn tượng tốt về môi trường kinh doanh.

Thành thử, việc Bộ Tài chính vẫn đủng đỉnh, chưa hoặc không xem xét lại thuế TNCN, không tăng mức giảm trừ gia cảnh nghĩa là chúng ta đã gây khó khăn cho người dân và suy cho cùng là doanh nghiệp. Nếu người dân giảm chi tiêu thì doanh nghiệp buộc phải giảm sản xuất.

Ông Nguyễn Ngọc Tú - một chuyên gia về thuế nói: “Đến giờ phút này mà Bộ Tài chính vẫn chưa đề xuất để sửa toàn diện Luật thuế TNCN cho thấy sự quá chậm trễ, đủng đỉnh, thờ ơ của bộ này trước khó khăn của người nộp thuế”.

Thiết nghĩ, Bộ Tài chính đừng vì lợi ích thu ngân sách nhất thời mà phải nghĩ tác động lan tỏa dài hạn của chính sách. Thậm chí, Chính phủ cần phải vào cuộc để thực hiện ngay một quyết sách hợp lòng dân. Phải xem đây là một chính sách nên thực hiện và việc giảm thuế này không phải là “ban phát” cho người dân mà còn là sự chia sẻ, nhân văn của Nhà nước.

Hơn nữa, chính sách tốt này nó tác động tích cực đến nền kinh tế nói chung, góp phần làm tăng niềm tin cho người dân, cộng đồng doanh nghiệp để họ có động lực chi tiêu, đầu tư. Đây là những nhân tố quan trọng để tạo nên tăng trưởng GDP.

Có thể bạn quan tâm

  • Sớm sửa các quy định bất bình đẳng về thuế thu nhập cá nhân

    03:50, 01/12/2022

  • Cần sớm sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân

    03:50, 28/11/2022

  • Cần xem xét thay đổi toàn diện quy định về thuế thu nhập cá nhân

    04:00, 26/11/2022

  • Đưa Luật thuế thu nhập cá nhân về đúng bản chất

    05:30, 11/10/2022

  • Sửa Luật thuế thu nhập cá nhân sát với thực tiễn

    04:53, 07/10/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sửa Luật thuế thu nhập cá nhân: Xin đừng đủng đỉnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO