Rủi ro vay ngang hàng
Đến thời điểm này, Việt Nam hầu như chưa có khuôn khổ pháp lý quy định rõ về các sản phẩm, dịch vụ cũng như mô hình hoạt động của các công ty Fintech.
>>Cho vay ngang hàng: Hướng đi nào phù hợp với Việt Nam?
Điều này vô hình trung đẩy các đơn vị công nghệ tài chính vào thế khó khi phải hoạt động e dè ngay trên chính sân nhà của mình.
Những rủi ro tiềm ẩn
Từ thực tiễn hoạt động cho vay ngang hàng (P2P lending) đang tồn tại trong bối cảnh chưa có hành lang pháp lý, xảý ra 4 rủi ro pháp lý (cho cả nhà đầu tư và người vay) khi tham gia vào mô hình này.
Thứ nhất, để phát triển các fintech thực hiện cho vay P2P lending mở rộng đối với những người vay có rủi ro cao hơn, đặc biệt cung cấp các khoản vay cho những người vay bị từ chối tín dụng ngân hàng. Các khoản vay không được bảo đảm bởi bất kỳ tài sản thế chấp hoặc được bảo đảm bởi bên thứ ba bất kỳ, nhà đầu tư có thể mất tiền trong trường hợp người đi vay mất khả năng thanh toán cao hơn so với các hình thức cho vay truyền thống.
Do đó khi người đi vay rơi vào tình trạng không thể hoàn trả được tiền vay vì những lý do khách quan và chủ quan khác nhau thì nhà đầu tư có thể mất vốn một phần hoặc hoàn toàn, làm phát sinh các vụ kiện kéo dài, tạo áp lực rất lớn cho các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan tư pháp tư pháp.Đây là kinh nghiệm và cái giá phải trả khá đắt tại một số nền kinh tế thời gian qua, đặc biệt là tại Trung Quốc.
Thứ hai, mô hình P2P Lending mới được hình thành và phát triển gần đây tại Việt Nam, nên nhiều ứng dụng P2P Lending chưa được hoàn thiện, cũng như chưa đáp ứng các tiêu chí về an toàn bảo mật dẫn tới nhiều lỗ hổng bảo mật còn tồn tại trước nguy cơ bị tấn công mạng, đánh cắp thông tin, lộ, lọt, rò rỉ dữ liệu tài khoản, có thể gây thiệt hại cho các bên tham gia.
Trường hợp các nền tảng P2P Lending bị mất dữ liệu hoặc các rủi ro công nghệ liên quan thì khả năng người cho vay mất trắng các khoản đầu tư là rất cao (vì không có cơ sở, bằng chứng ghi nhận lại các khoản cho vay mà người cho vay đã tiến hành cho vay).
Bên cạnh đó, các công ty Fintech hầu hết khởi nguồn là các công ty khởi nghiệp non trẻ, không có hoặc chưa thiết lập bộ phận kiểm soát tuân thủ, thiếu sự kiểm soát, giám sát về mặt quy trình hoạt động (như yêu cầu kỹ thuật, yêu cầu về vốn và khung khổ kiểm soát các rủi ro trong hoạt động...) nên hoạt động của các công ty tiềm ẩn rủi ro dẫn tới thiệt hại, tổn thất cho khách hàng, gây mất niềm tin của công chúng vào lĩnh vực non trẻ này.
>>Cho vay ngang hàng: Hạn chế rủi ro trong quá trình thử nghiệm
Thứ ba, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nhà đầu tư về vai trò của công ty ngang hàng, một số công ty fintech hoạt động theo kiểu “ăn xổi” không ngần ngại sử dụng những thông tin thổi phồng để thu hút khách hàng, đưa quảng cáo sai sự thật, hứa hẹn lợi nhuận cao, lãi suất cạnh tranh, để đánh vào điểm yếu là lòng tham của người cho vay.
Do chưa có hành lang pháp lý khi phát sinh các rủi ro liên quan thì người cho vay và người đi vay bị mất trắng các khoản tiền đầu tư mà không truy đòi được bất kỳ trách nhiệm nào từ các nền tảng P2P Lending này.
Ngoài ra, P2P Lending tiềm ẩn rủi ro có thể tác động bất lợi làm rối loạn thị trường tài chính đến và gây bất ổn xã hội. Mô hình P2P Lending dễ trở thành công cụ cho một số đối tượng khai thác để trục lợi bằng các hình thức như: hoạt động tín dụng đen trá hình hoặc lừa đảo; dùng tiền nhà đầu tư cho vay nặng lãi…
Điển hình nhất là vụ án vay qua App lên đến hơn 5.000 tỷ gây thiệt hại lớn đối với người dân thủ đô, đã được Công an TP. Hà Nội triệt phá vào cuối tháng 5/2022.
Cần sớm có khung pháp lý điều chỉnh
Lúc này hành lang pháp lý quy định cụ thể hoạt động lĩnh vực P2P Lending là vấn đề cấp bách và cần thiết. Nếu được ban hành kịp thời, với mục tiêu nhằm thúc đẩy, tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp sẽ giúp cho thị trường phát triển lành mạnh và bền vững hơn. Hay nói cách khác chỉ có thiết lập được khung pháp lý phù hợp thì mới khai thông bế tắc, giúp cho nhà đầu tư Fintech và doanh nghiệp tìm được tiếng nói chung.
Việc thiết lập khung pháp lý cho hoạt động P2P Lending phải đảm bảo vừa chi phối, quản lý và kiểm soát được các công ty Fintech theo đúng hành lang pháp lý nhưng đồng thời phải tạo điều kiện thuận lợi để cho các tổ chức tài chính này không ngừng lớn mạnh và phát triển, tạo ra một kênh tài chính lành mạnh và đầy tiềm năng cho người dân và các doanh nghiệp SME tiếp cận vốn.
Cụ thể là giới hạn phạm vi, đối tượng tham gia vào hoạt động cho vay ngang hàng chỉ gồm nhà đầu tư và bên vay là cá nhân, hạn mức khoản vay tối đa. Công khai thông tin về biểu phí, lãi suất cho vay, gói cho vay… để tạo sự tin tưởng của người dùng.
Quy định về kiểm tra, giám sát hoạt động P2P Lending của công ty Fintech đầy đủ và đồng bộ, quy định về các chuẩn mực quản trị rủi ro và tiêu chuẩn hóa các số liệu, minh bạch các thông tin giao dịch để giúp xác định kịp thời tổn thất, góp phần đảm bảo an toàn đối với các khoản vay. Quy định về hệ thống chăm sóc khách hàng hoạt động hiệu quả, đúng với quy định của pháp luật.
Có cơ chế cấp phép đối với công ty hoạt động theo mô hình P2P Lending trên cơ sở xác định tiêu chuẩn về vốn tối thiểu, năng lực về công nghệ. Có biện pháp quản lý và bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, trách nhiệm của công ty Fintech với nhà đầu tư trong trường hợp xảy ra đổ vỡ…
Có thể bạn quan tâm
Nhận quả đắng từ tín dụng đen, startup vay ngang hàng Việt dìu nhau tránh thị trường đổ vỡ
00:29, 02/12/2022
Cho vay ngang hàng: Hướng đi nào phù hợp với Việt Nam?
11:30, 19/11/2022
Cấp bách đưa cho vay ngang hàng vào khuôn khổ
02:00, 22/10/2022
Đưa “vay ngang hàng” vào khuôn khổ
00:06, 24/05/2022
Cho vay ngang hàng: Hạn chế rủi ro trong quá trình thử nghiệm
04:05, 08/05/2022
Tránh “bom nợ” từ hoạt động cho vay ngang hàng
05:30, 15/11/2021
Cho vay ngang hàng: Thị trường còn màu mỡ...
11:00, 28/05/2021
Hoàn thiện khung khổ pháp lý cho vay ngang hàng
04:50, 21/05/2021