Đừng để chính sách về visa “kìm” đà phát triển của ngành du lịch

GIA NGUYỄN 19/12/2022 03:50

Không phải vấn đề mới, thế nhưng, cho đến nay chính sách về thị thực (visa) vẫn được cho là một trong những trở ngại chính khiến ngành du lịch bị “kìm” đà phát triển…

>> Vì sao Việt Nam đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số phục hồi du lịch châu Á?

Được xem là một trong những ngành “kinh tế mũi nhọn”, dù đã có bước hồi phục đáng kể khi du lịch nội địa đã đón hơn 96 triệu lượt khách, thế nhưng, du lịch quốc tế vẫn chưa có “cú hích” lớn, nhất là khi chính sách về visa vẫn tạo ra những rào cản, “kìm” đà phát triển của các doanh nghiệp.

Mở cửa sớm nhưng du lịch Việt Nam vẫn đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số phục hồi du lịch châu Á - Ảnh minh họa: QĐND

Mở cửa sớm nhưng du lịch Việt Nam vẫn đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số phục hồi du lịch châu Á - Ảnh minh họa: QĐND

Theo thống kê cho thấy, năm 2022 Việt Nam chỉ có thể đón được khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đón được 5 triệu lượt khách để tạo nguồn thu khoảng 4,5 tỷ USD.

Trong khi Thái Lan, Indonesia, Singapore đã vượt qua chỉ tiêu về du khách quốc tế mà họ đặt ra thì Việt Nam đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số phục hồi du lịch châu Á sau COVID-19. Đáng nói, Thái Lan dù mở cửa sau Việt Nam, nhưng đã đón được hơn 10 triệu lượt khách quốc tế năm 2022, mang lại tổng thu từ du khách quốc tế 14 tỷ USD nhờ vào việc tạo điều kiện dễ dàng và hấp dẫn để khách quốc tế nhập cảnh.

Cụ thể, Thái Lan miễn visa đối với công dân của 65 quốc gia và thời gian miễn visa được kéo dài từ 30 - 45 ngày, một số trường hợp là 90 ngày. Trong khi đó, du khách thường phàn nàn không dễ xin thị thực du lịch tại các đại sứ quán của Việt Nam như trước dịch COVID-19, khi bị yêu cầu phải có các công ty bảo lãnh hoặc bị giới thiệu xin visa qua các đại lý dịch vụ cấp visa với phí thường rất cao, từ 200 USD cho tới 500 USD đối với các visa xin gấp vào thời hạn cuối, trong khi lệ phí chính thức cấp visa chỉ là 25 USD.

>>"Vượt bão" thành công, du lịch kỳ vọng sớm hồi phục so với trước đại dịch

Chính sách về visa được cho là một trong những rào cản khiến du lịch Việt Nam chưa hấp dẫn với khách quốc tế - Ảnh minh họa: NLĐ

Chính sách về visa được cho là một trong những rào cản khiến du lịch Việt Nam chưa hấp dẫn với khách quốc tế - Ảnh minh họa: NLĐ

Theo các chuyên gia, chính sách miễn thị thực là chính sách đầu tiên và quan trọng hàng đầu, đối với các doanh nghiệp ngành du lịch thì chính sách thị thực thuận lợi còn quan trọng hơn cả chính sách thuế khóa và tài chính. Việc cải thiện chính sách miễn thị thực không chỉ thu hút thêm nhiều khách hơn từ các thị trường, mà còn làm tăng doanh thu cho ngành du lịch.

Đồng thời, việc dùng số lượng khách để đo mức độ thành công trong ngành du lịch hiện giờ đã không còn phù hợp, thay vào đó cần tạo ra một môi trường hấp dẫn để khách chi tiêu nhiều nhất. Việc duy trì chính sách miễn visa 15 ngày như hiện nay rất khó để khách có thể vào và ở lâu để tạo ra các doanh thu từ các dịch vụ.

Theo ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), nếu không có khách quốc tế, những khách sạn, resort 5-6 sao trên khắp cả nước, ở những điểm du lịch nổi tiếng sẽ rất vắng khách. Thời điểm này, dù đã qua mùa cao điểm khách nội địa, bước vào mùa cao điểm khách quốc tế nhưng nhiều khách sạn, resort vẫn đóng cửa hoặc chỉ hoạt động từng phần… Điều này cho thấy tầm quan trọng của khách quốc tế tới ngành du lịch.

Các doanh nghiệp đều nhận định, một trong những điểm nghẽn đã nói nhiều nhưng chưa được giải quyết là rào cản về visa. Dù ngành du lịch đã áp dụng miễn visa cho các thị trường như trước dịch COVID-19 nhưng thủ tục chưa thật sự thông thoáng. Trong khi đó, nhiều nước đang có những biện pháp mở cửa trong chính sách thị thực nhiều hơn và cạnh tranh với điểm đến Việt Nam.

“Các thị trường được miễn visa vẫn còn ít và đặc biệt vẫn chỉ miễn visa cho khách quốc tế trong 15 ngày. Trong khi những thị trường xa ở châu Âu như Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha hay khu vực Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, theo khảo sát của các cơ quan nghiên cứu về thị trường khách du lịch châu Âu, sau dịch COVID-19, họ đi du lịch dài ngày hơn và ở lại 1 địa điểm lâu hơn. Các thị trường Mỹ, Úc... cũng tương tự xu hướng này. Ngay khách châu Âu đến Việt Nam cũng thường chọn ở dài từ 18-21 ngày nhưng chúng ta miễn thị thực chỉ 15 ngày”, Trưởng Ban Thư ký TAB phân tích.

Và trên thực tế, từ các phân tích đã nêu, nếu có quyền lựa chọn giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á, họ sẽ lựa chọn Singapore, Thái Lan, Malaysia... vì miễn thị thực 30 ngày, thậm chí dài ngày hơn.

Xoay quanh câu chuyện này, TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, quan trọng nhất lúc này đối với ngành du lịch là có chính sách cởi mở hơn đối với du lịch quốc tế. Cần có những cách làm hiệu quả hơn để tháo gỡ khó khăn, bên cạnh những khó khăn về vốn.

Để tạo động lực thúc đẩy ngành du lịch phát triển, tạo động lực thu hút khách nước ngoài đi du lịch đến Việt Nam, bên cạnh khuyến nghị mở rộng danh sách quốc gia được miễn visa và kéo dài thời hạn visa từ 15 lên 30 hoặc 45 ngày. Các chuyên gia cũng cho rằng, hệ thống thị thực điện tử thực sự cần được quan tâm ngay đến các vấn đề: mở rộng danh sách quốc gia được cấp thị thực điện tử; thay đổi tên miền để khách nước ngoài dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm trực tuyến, trả lời kết quả cho khách nộp hồ sơ nhanh hơn, có thể trong 24 giờ.

Có thể bạn quan tâm

  • Vì sao Việt Nam đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số phục hồi du lịch châu Á?

    Vì sao Việt Nam đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số phục hồi du lịch châu Á?

    03:00, 18/12/2022

  • Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác phát triển du lịch

    Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác phát triển du lịch

    00:30, 18/12/2022

  • Ấn tượng du lịch Hạ Long

    Ấn tượng du lịch Hạ Long

    00:00, 18/12/2022

  • Thái Bình: Phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với du lịch

    Thái Bình: Phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với du lịch

    10:41, 17/12/2022

  • OCOP đến với du lịch

    OCOP đến với du lịch

    03:00, 17/12/2022

GIA NGUYỄN