Giảm số năm đóng BHXH - Lương hưu phải đảm bảo mức sống tối thiểu
Xoay quanh đề xuất giảm thời gian người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu, chuyên gia cho rằng, cần phải có sự tính toán để lương hưu phải đảm bảo mức sống tối thiểu…
>> Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Cần ưu tiên đảm bảo an sinh xã hội lâu dài
Thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho thấy, đến hết năm 2022 số người tham gia BHXH đạt 17,5 triệu người, đạt 38,07% lực lượng lao động trong độ tuổi. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt trên 14,3 triệu người, đạt 31,18% lực lượng lao động trong độ tuổi, số người tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 91,1 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 92,03% dân số.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua, tình trạng người lao động ồ ạt rút BHXH một lần ngày càng gia tăng, tiềm ẩn không ít nguy cơ, hệ lụy cho hệ thống an sinh xã hội về lâu dài… nhằm đảm bảo tăng số lượng người ở lại trong hệ thống BHXH để được hưởng lương hưu, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất, trong lần sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 tới đây, số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí có thể giảm từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm.
Đề xuất đã nêu ngay lập tức nhận được sự quan tâm của dư luận, bởi theo quy định hiện hành, thời gian người lao động tham gia BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu phải đủ 20 năm được cho là quá dài với người lao động và chưa tạo thuận lợi cho người lao động. Nhiều ý kiến cho rằng, việc giảm số năm đóng BHXH sẽ điều kiện cho người lao động tham gia muộn, có thời gian tham gia BHXH ngắn, được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.
Thông tin với báo chí về nội dung này, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, hiện nay, chính sách BHXH vẫn theo nguyên tắc đóng - hưởng, đặc biệt ở chế độ hưu trí. Vì vậy, rất nhiều lao động, nhất là lao động trực tiếp có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội ngắn và thường về hưu trước tuổi, nên tỷ lệ hưởng chế độ hưu trí rất thấp.
Theo ông Lê Đình Quảng, ở lần sửa đổi này cần tính toán lại theo nguyên tắc tăng cường tính chia sẻ khi hưởng chế độ bảo hiểm hưu trí, để người lao động có điều kiện tham gia đủ 20 năm hoặc nếu hạ xuống còn 15 năm, khi hưởng chế độ hưu trí vẫn có một khoản tiền nhất định để đảm bảo cuộc sống tối thiểu.
>> Sớm sửa luật để giảm tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần
Ông Lê Đình Quảng cho rằng, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động khi tham gia BHXH muốn hưởng chế độ hưu trí phải đảm bảo 2 điều kiện, đó là đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động và đảm bảo có đủ tối thiểu 20 năm tham gia BHXH, trong khi đó, điều kiện đủ 20 năm tham gia BHXH để hưởng lương hưu là thời gian quá dài. Như vậy, sẽ hạn chế quyền lợi đối với một số người lao động khi tham gia vào quan hệ lao động muộn, có số năm đóng thấp rất khó để đủ thời gian hưởng chế độ hưu trí.
“Chính vì vậy, Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH đã xác định, sửa đổi điều kiện về hưu theo hướng giảm dần điều kiện tối thiểu để tham gia BHXH, để được hưởng chế độ lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới có thể giảm thấp hơn nữa. Việc giảm thời gian đóng BHXH là một trong những giải pháp đảm bảo tăng số lượng người ở lại trong hệ thống BHXH để họ được hưởng chế độ hưu trí. Trong các chính sách về BHXH, có thể nói chính sách hưu trí là chính sách đảm bảo an sinh tốt nhất cho người lao động. Khi còn trẻ tham gia lao động, có tích lũy để về già được hưởng lương hưu”, ông Lê Đình Quảng chia sẻ.
Ngoài những vấn đề đã nêu, ông Lê Đình Quảng cũng nhấn mạnh, sẽ cần có nhiều giải pháp đồng bộ để một chính sách được đồng thuận với việc giảm thời gian tham gia bảo hiểm xã hội xuống 15 năm, hoặc tiến tới 10 năm nhưng mức lương hưu cần đảm bảo đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu.
Được biết, xoay quanh câu chuyên giữ người lao động ở lại với hệ thống BHXH, trước đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc sửa luật là tất yếu, tuy nhiên, trong khi chờ Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) được hoàn thiện, thông qua và đi vào cuộc sống, giải pháp trước mắt, cần tăng cường tuyên truyền, giải thích cho người lao động hiểu, tiền của người lao động vẫn là của người lao động không mất đi, việc giữ lại BHXH là để đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho người lao động.
Bên cạnh đó, cũng cần sự vào cuộc đưa ra các giải pháp hỗ trợ khó khăn cho người lao động trong lúc này, như: Về phía doanh nghiệp, chuyển sang làm luân phiên, giảm giờ làm để đảm bảo người lao động vẫn có thu nhập; Chính quyền địa phương, tiếp tục nghiên cứu hỗ trợ về nhà ở, tiền thuê trọ, tiền điện nước, trường học cho con em người lao động… để người lao động bớt gánh nặng, yên tâm làm việc.
Có thể bạn quan tâm
Bảo Hiểm Xã Hội Bạc Liêu: Từng bước mở rộng diện bao phủ
23:06, 27/12/2022
Đồng bộ giải pháp để “giải” bài toán… rút bảo hiểm xã hội một lần
04:00, 18/12/2022
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Cần ưu tiên đảm bảo an sinh xã hội lâu dài
03:50, 11/12/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Quy định mới về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội
20:51, 23/09/2022
Hoàn thiện pháp luật Quỹ bảo hiểm xã hội
20:10, 26/07/2022