“Khơi dòng” trái phiếu doanh nghiệp: Cần kết hợp các giải pháp ngắn và dài hạn
Để “khơi dòng” cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau những bất ổn của năm 2022, chuyên gia cho rằng, cần kết hợp các giải pháp ngắn và dài hạn thay vì chỉ tập trung vào các giải pháp “chữa cháy”…
>> “Khơi dòng” trái phiếu doanh nghiệp: Cần bổ sung quy định ưu tiên thanh toán
Năm 2022 được cho là không mấy sáng sủa của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Những khủng hoảng, bất ổn trên thị trường tài chính đã khiến cho niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường này bị sụt giảm nghiêm trọng…
Thực tế, thị trường TPDN thời gian qua đã vấp phải rất nhiều khó khăn, chủ yếu xuất phát từ sự sụt giảm niềm tin của thị trường do sai phạm của một số doanh nghiệp. Cùng với đó, việc kiểm tra, giám sát tập trung vào giám sát mục đích phát hành trái phiếu cũng dẫn đến tâm lý quan ngại của cả doanh nghiệp phát hành và tổ chức cung cấp dịch vụ.
Đáng nói, thanh khoản của thị trường cũng gặp khó khăn khi lãi suất ngân hàng tăng, dòng tiền có xu hướng dịch chuyển sang hệ thống ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp khó khăn trong cân đối nguồn vốn kinh doanh và trả nợ trái phiếu đến hạn.
Từ đó, theo các chuyên gia, việc “khơi dòng” lại cho thị trường TPDN là nhu cầu bắt buộc, bởi đây là kênh huy động vốn dài hạn quan trọng của nền kinh tế.
Do vậy, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính và nhóm chuyên gia từ BIDV đề xuất, Chính phủ sớm vào cuộc nhằm sửa đổi các quy định về TPDN sau “sự biến” liên quan đến Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát.
>> Minh bạch - Chìa khóa hồi sinh thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Theo vị chuyên gia này, với quy mô phát hành lớn trong giai đoạn 2018 - 2021 và thời hạn khoảng 4 năm thì sẽ có một khối lượng TPDN đáng kể đáo hạn trong giai đoạn 2023 – 2025 sẽ rơi vào khoảng hơn 700 nghìn tỷ đồng, chưa tính tiền lãi. Điều này sẽ gây áp lực lớn lên thị trường TPDN, tuy nhiên, có chút lạc quan khi báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã chủ động mua lại trái phiếu trước hạn, sẽ phần nào giảm bớt áp lực đáo hạn và tâm lý tiêu cực của thị trường. Song, để thị trường TPDN phát triển trở lại và đi theo đúng quỹ đạo, cần nhiều hơn những giải pháp để khơi thông.
Đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường TPDN, ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch FiinRatings cho rằng, nếu vừa kết hợp được giải pháp ngắn hạn và những giải pháp dài hạn thay vì chỉ tập trung vào các giải pháp “chữa cháy” sẽ là chìa khóa cho sự phát triển bền vững của thị trường.
Trong đó, về giải pháp ngắn hạn, ông Thuân khuyến nghị cần có “liệu pháp” riêng cho các nhà phát hành có rủi ro cao, gồm rà soát, đánh giá, phân loại xác định cụ thể nhà phát hành có rủi ro cao; khu trú các doanh nghiệp yếu và sở hữu nhiều bởi nhà đầu tư cá nhân nhằm đưa ra phương án ổn định tâm lý và bảo vệ nhà đầu tư; hướng dẫn phương án tái cấu trúc nợ.
Đặc biệt, với các doanh nghiệp phát hành và các đơn vị có liên quan thì cần tự đẩy nhanh tiến độ xử lý và tái cấu trúc nợ bằng việc chuẩn bị phương án hoặc tự tái cấu trúc nợ sớm nhất có thể. Các trường hợp vi phạm không trả được nợ trái phiếu thì cần đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục tòa án, phán quyết và quyết toán nghĩa vụ nợ, giải quyết cho quyền lợi của trái chủ nhanh nhất có thể để giữ vững niềm tin thị trường.
Ông Thuân cũng kiến nghị, nên cho phép bán trái phiếu phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân nếu trái phiếu này được bảo lãnh bởi ngân hàng. Điều này sẽ vừa tận dụng được năng lực giám sát của hệ thống ngân hàng vừa tận dụng được nguồn vốn.
Đồng quan điểm đã nêu, một số chuyên gia cũng cho rằng, thanh khoản của thị trường đến từ niềm tin, niềm tin lại đến từ sự minh bạch của doanh nghiệp. Cơ quan quản lý Nhà nước cần phải nâng cao nhận thức và sự hiểu biết của nhà đầu tư cũng như của các thành phần tham gia thị trường về những thông tin minh bạch để có đánh giá đúng và xử lý thông tin một cách phù hợp. Tiếp đó, môi trường pháp lý và thực thi pháp lý phải công bằng, doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh để từng bước lấy lại được niềm tin của nhà đầu tư, của các thành viên tham gia thị trường.
Cùng với những đề xuất, kiến nghị nêu trên, để góp phần “khơi dòng” cho thị trường TPDN, trước đó, góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2022/NĐ-CP (Nghị định 65/2022) về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, nếu áp dụng ngay lập tức quy định xếp hạng tín nhiệm bắt buộc kể từ ngày 01/01/2023 sẽ gây nhiều khó khăn cho việc phát hành trái phiếu do các đơn vị cung cấp dịch vụ chưa đủ sức phục vụ một lượng lớn khách hàng như hiện nay. Tuy nhiên, nếu lùi thời hạn áp dụng đến ngày 01/01/2024 thì có thể vẫn sẽ lặp lại tình trạng này nếu như trong năm 2023 không có đơn vị phát hành nào sử dụng dịch vụ.
Do đó, “để khắc phục mâu thuẫn này, cơ quan soạn thảo cân nhắc phương án khoanh định riêng một số doanh nghiệp phát hành buộc phải có xếp hạng tín nhiệm trong năm 2023, sau đó đến năm 2024 mới áp dụng đại trà. Diện doanh nghiệp buộc phải áp dụng trước thì nên lựa chọn một số ngành, lĩnh vực có thông tin tài chính tương đối lành mạnh”, VCCI góp ý.
Theo VCCI, biện pháp này được kỳ vọng sẽ tạo một lượng khách hàng “mồi” cho thị trường dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, bước đầu tạo thói quen và sự tin tưởng của nhà đầu tư vào các báo cáo xếp hạng tín nhiệm, trước khi áp dụng bắt buộc đại trà cho tất cả các doanh nghiệp phát hành…
Có thể bạn quan tâm
Luẩn quẩn thế chấp trái phiếu doanh nghiệp vay vốn
02:00, 06/01/2023
Thanh lọc trái phiếu doanh nghiệp
03:00, 01/01/2023
“Khơi dòng” trái phiếu doanh nghiệp: Cần bổ sung quy định ưu tiên thanh toán
04:00, 26/12/2022
Minh bạch - Chìa khóa hồi sinh thị trường trái phiếu doanh nghiệp
05:00, 20/12/2022
Tiếp tục “vực dậy” thị trường trái phiếu doanh nghiệp
04:30, 19/12/2022