Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 65/2022 với nhiều kỳ vọng thúc đẩy trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trở thành một kênh huy động vốn trọng yếu trong giai đoạn tới.
>>>Sửa Nghị định 65: Lùi thời gian nâng chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp
Trao đổi với DĐDN, TS Đinh Thế Hiển, Chuyên gia Tài chính cho rằng, các trọng điểm chính trong dự thảo vẫn “chưa đủ” để đảm bảo gỡ khó cho thị trường trái phiếu và thực hiện bảo đảm thị trường TPDN hoạt động lành mạnh, minh bạch, an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững theo công điện chỉ đạo của Thủ tướng.
- Được biết, Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 65 có 3 điểm nổi bật nhất. Ông có nhận định gì về các nội dung sửa đổi đáng chú ý này?
Ở nội dung dự kiến sửa đổi đầu tiên về lùi thời điểm áp dụng quy định nâng chuẩn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp 1 năm, tới 2024, tôi cho rằng trước hết, chúng ta phải xác định dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 65 sẽ có 2 mục tiêu chính: vừa gỡ tắc thanh khoản của thị trường TPDN, vừa hướng đến nắn dòng phát triển thị trường này ổn định. Trong tâm thế mục tiêu như vậy, việc lùi nâng chuẩn nhà đầu tư không có nhiều tác động.
Nói như vậy bởi lẽ, trước đây, trong quá khứ nhất là 3 năm bùng nổ TPDN phát hành riêng lẻ, nhà đầu tư bao gồm cả nhà đầu tư cá nhân không chuyên nghiệp (số này chiếm tỷ lệ không nhỏ) đã mua trái phiếu theo hướng lãi suất cao, được phân phối thường là qua ngân hàng, công ty chứng khoán, nên nhà đầu tư không tìm hiểu gì về sản phẩm mặc định là được bảo lãnh, bảo đảm bởi ngân hàng, công ty chứng khoán.
Nay khi thị trường TPDN bộc lộ ra những lỗ hổng và nhà đầu tư đã hiểu rằng, trái phiếu không phải là kênh tiết kiệm, tuyệt đối an toàn, được Nhà nước cam kết bảo đảm như gửi ngân hàng, và đây là quan hệ doanh nghiệp vay, tự chịu trách nhiệm hoàn toàn theo đúng luật. Trong khi đó bên phân phối chỉ giới thiệu… thì nhà đầu tư họ sẽ rất cẩn trọng. Sự im ắng của hoạt động phát hành mới cho thấy điều đó.
Do đó, việc lùi lại thời gian nâng chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng không có nghĩa sẽ kích thích nhà đầu tư lại bỏ vốn vào trái phiếu một khi mà họ chưa cảm thấy được sự an toàn thực sự.
- Thưa ông, với 2 nội dung dự kiến sửa đổi, gồm lùi thời điểm xếp hạng tín nhiệm với nhà phát hành thêm một năm, đồng thời cho phép kéo dài kỳ hạn trái phiếu thêm 2 năm, liệu có thể vực dậy niềm tin của nhà đầu tư?
Về xếp hạng tín nhiệm, Nghị định 65 quy định bắt buộc với một số trường hợp và cũng không quy định áp dụng ngay đồng thời Nghị định có hiệu lực, nên ta sẽ thấy: 1) Không phải doanh nghiệp nào cũng rơi vào điều kiện bắt buộc áp dụng xếp hạng tín nhiệm; 2) Thị trường thực tế chưa có “tín nhiệm” nhiều với xếp hạng tín nhiệm. Do đó việc lùi áp dụng nội dung này không tác động nhiều.
Tôi cho rằng, Ban soạn thảo cần bổ sung quy định về chuẩn mực chất lượng và trách nhiệm của xếp hạng tín nhiệm, có như vậy thì xếp hạng tín nhiệm của các nhà đánh giá trong nước, mới được nhà đầu tư tin tưởng. Và đó cũng là để tránh nhà đầu tư “dựa” vào xếp hạng tín nhiệm, sau đó lại “đổ lỗi” về cơ sở quyết định đầu tư của mình.
Về việc kéo dài kỳ hạn trái phiếu, điều này rất có lợi cho doanh nghiệp phát hành khi mở ra khả năng thương thảo, đàm phán với các trái chủ kéo dài thêm kỳ hạn, trong bối cảnh có khối lượng trái phiếu đến hạn mà thanh khoản của doanh nghiệp mỏng, không đủ lực chi trả hay mua lại.
Tuy nhiên, về mặt cơ chế thị trường, ngay trong quy định của Nghị định 65 cũng đã bộc lộ bất cập như 65% trái chủ đồng ý cho thay đổi kỳ hạn trái phiếu, thì 35% còn lại sẽ phải theo. Quy định như vậy có phần tương tự áp dụng trong Luật Doanh nghiệp về tỷ lệ biểu quyết các quyết định quan trọng. Song chúng ta cần nhớ: Áp dụng tỷ lệ biểu quyết trên vốn cổ phần, là các cổ đông, các đồng chủ sở hữu doanh nghiệp. Còn trên trái phiếu thì mỗi trái chủ là một cá nhân, hoặc nhóm cá nhân hoặc tổ chức… nhưng độc lập với nhau, cho doanh nghiệp vay vốn theo Luật Dân sự, không đồng chủ sở hữu.
Do đó, mỗi cá thể có quyền trên hợp đồng cho vay của mình chứ không phải tuân theo số đông. Nếu áp dụng tỷ lệ biểu quyết của số đông là đi ngược quyền lợi, nguyên vọng của cá nhân trái chủ.
- Ông có kiến nghị gì để khắc phục các điểm mà theo ông chưa tạo lực tác động thay đổi trong Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 65?
Ban soạn thảo cần đưa các điều kiện minh bạch thông tin vào hợp đồng của các nhà phát hành với trái chủ hoặc qua trung gian phân phối. Người mua phải được xác định ngay từ đầu về rủi ro, về khả năng sinh lợi cũng như các rủi ro có thể có và họ phải chấp nhận, không có chuyện nhà đầu tư mất tiền mà Nhà nước chịu.
Ngoài ra, cần xác định trách nhiệm của đơn vị trung gian phân phối và nếu trái chủ chứng minh được họ là người môi giới, họ phải liên đới trách nhiệm với nhà phát hành.
Cuối cùng tôi cho rằng, 3 năm bùng nổ của thị trường TPDN vừa qua, chủ yếu là TPDN bất động sản. Do đó, sự làm mới thị trường TPDN bắt buộc không ảnh hưởng hay tác động đến vốn vào sản xuất kinh doanh. Giai đoạn này là giai đoạn mà các doanh nghiệp bất động sản cùng các bên trong thị trường cần có khoảng lùi để đánh giá đầy đủ về quản trị tài chính của doanh nghiệp bất động sản. Nói cách khác là nên dành thời gian để hoàn thiện pháp lý cho thị trường TPDN nói chung, không nên tập trung để gỡ khó nhất thời.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm