Gỡ khó cho thị trường trái phiếu: Cần tránh “cào bằng”

Diendandoanhnghiep.vn  Dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 65/2022/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ tác động tháo gỡ nút thắt trước mắt của thị trường.

>>> Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Vẫn vắng người mua, thưa kẻ bán

Song giới chuyên môn nhìn nhận nếu không đánh giá đầy đủ, toàn diện về thị trường cũng như các nội dung dự kiến sửa đổi, hệ lụy của “trái phiếu rác” trên thị trường có thể sẽ vẫn còn kéo dài.

Một chuyên gia cho rằng trong năm 2022 vừa qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã liên tục có các chỉ đạo yêu cầu Bộ Tài chính thực hiện các biện pháp bảo đảm thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động lành mạnh, minh bạch, an toàn, hiệu quả.

Gần nhất, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 1163/CĐ-TTg ngày 13/12/2022 về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện các biện pháp bảo đảm thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động lành mạnh, minh bạch, an toàn, hiệu quả.

Khẩn trương rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là các trái phiếu đến hạn thanh toán trong năm 2022 và năm 2023;

Khẩn trương rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là các trái phiếu đến hạn thanh toán trong năm 2022 và năm 2023 như chỉ đạo của Thủ tướng, theo các chuyên gia là vô cùng cần kíp để có cơ sở "chẩn bệnh", đưa giải pháp. (Ảnh minh họa)

Tại Công điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính thực thi 3 giải pháp quan trọng; trong đó đáng chú ý là yêu cầu "Khẩn trương rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là các trái phiếu đến hạn thanh toán trong năm 2022 và năm 2023”.

“Việc rà soát này đã được Bộ Tài chính triển khai với trái phiếu năm 2022. Lượng trái phiếu đáo hạn năm 2022 hiện đã không còn nhiều áp lực, phần lớn do doanh nghiệp triển khai mua lại trước hạn. Tuy nhiên chúng ta có thể đánh giá sơ bộ từ các dữ liệu thị trường là lượng trái phiếu đáo hạn năm 2023 và 2024 là rất lớn, lớn hơn nhiều so với ở 2022. Cũng do đó mà việc rà soát này nên được đặt lên hàng đầu để xem như một cơ sở trọng tâm cho các giải pháp tháo gỡ có hướng đi đúng, sát thực tiễn. Theo đó, việc rà soát cần có sự phân loại doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu theo nhóm: Mạnh, Bình thường, Có khả năng khắc phục, Yếu kém có nguy cơ mất khả năng thanh toán, phá sản… Điều này cần tương tự như phải khám bệnh tổng thể để chẩn bệnh chính xác, gọi tên, khoanh vùng bệnh, cho thuốc. Tức là từ đó mới đưa ra các giải pháp phù hợp với từng nhóm doanh nghiệp phát hành cũ. Như vậy mới có thể giải tỏa được phần nào áp lực thanh khoản và cũng tránh “cào bằng” với mọi doanh nghiệp trên thị trường. Và điều này cần được Bộ Tài chính ưu tiên hơn thay vì chỉ tập trung các nội dung như trong dự thảo sửa đổi Nghị định 65”, chuyên gia chia sẻ.

“Cào bằng”, hay không phải là tất cả các doanh nghiệp cũng đều sẽ “tự động” được áp dụng việc thay đổi kỳ hạn trái phiếu nếu dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 65 được thông qua", cũng là quan điểm nhìn ở một khía cạnh khác mà ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng Chứng khoán SSI chia sẻ với báo chí. Ông Hưng cho rằng để áp dụng quy định này nếu quy định có hiệu lực, thì doanh nghiệp vẫn phải được sự đồng ý khi thương thảo với trái chủ. Nếu không doanh nghiệp vẫn phải có các phương cách để đảm bảo khả năng trả nợ cho trái chủ theo quy định.

>>> Trái phiếu doanh nghiệp: Áp lực thanh khoản trong 12 tháng tới

Trao đổi với DĐDN, ông Phùng Xuân Minh, Chủ tịch Sài Gòn Phát Thịnh Ratings cũng đồng thuận với quan điểm nêu trên của chuyên gia. Theo ông Minh, đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ, hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại dịch vụ chiếm tỷ trọng phát hành thời gian qua rất thấp. Trong khi đó nhóm ngân hàng, bất động sản, tài chính phi tín dụng, khoáng sản và xây dựng, năng lượng… lần lượt là những nhóm phát hành trái phiếu riêng lẻ với tỷ trọng cao. Do đó việc phân loại trái phiếu đã phát hành trong quá khứ và đáo hạn trong nay mai là cần thiết vì chính các doanh nghiệp các nhóm trên sẽ có nhu cầu phát hành mới để tái cơ cấu vốn cao nhất.

 “Phân loại để có thể đưa ra các giải pháp, ví dụ ngân hàng có thể tham gia hỗ trợ hay không, mức độ nào, nhóm các doanh nghiệp nào yếu kém có nguy cơ mất khả năng thanh toán thì có nên cứu, cứu được không, hay cho phép “phá sản kỹ thuật” để doanh nghiệp làm lại. Lưu ý rằng trên thị trường quốc tế thì doanh nghiệp phá sản không phải là “chết”, mà là phải tái cấu trúc, làm lại từ đầu", ông Minh nói.

Cũng theo ông Phùng Xuân Minh, nút thắt của thị trường hiện nay là vấn đề niềm tin, nếu không phân loại mà cào bằng và không công bố rõ các trường hợp doanh nghiệp cụ thể, hay không có có cơ sở nào để cho nhà đầu tư nhìn vào và xác định có thể mua được trái phiếu, thì khả năng phát hành mới của các doanh nghiệp sẽ rất hạn chế. Do đó, việc lùi nâng chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ bị hạn chế phần nào hiệu quả kỳ vọng. 

"Năm 2022 chỉ còn 2 tuần nữa thì khép lại, thị trường trái phiếu giao dịch tập trung liệu có thể vận hành?", một chuyên gia đặt câu hỏi. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, một chuyên gia đóng góp ý kiến cho Dự thảo cũng cho rằng trong trường hợp cho rằng lý do không có thời gian và làm doanh nghiệp phát sinh chi phí nếu áp dụng xếp hạng tín nhiệm để lùi quy định này tại Nghị định, thì hoàn toàn chưa phù hợp. Bởi phí xếp hạng tín nhiệm không hề cao nếu cho với tỷ lệ chi phí ngoài lãi khi đi vay các kênh vốn khác mà doanh nghiệp phải bỏ ra, tương tự là thời gian đánh giá cũng không dài. “Thực tế đã gần 10 năm kể từ Nghị định 88/2014 ra đời có đề cập đến vấn đề xếp hạng tín nhiệm thì chúng ta vẫn chưa xây dựng được văn hóa tín nhiệm. Chưa kể là Nghị định 65 thực tế cũng gần như “bê nguyên” quy định về xếp hạng tín nhiệm của Nghị định 155/2018. Thế nhưng từ 2018 đến nay có bao nhiêu doanh nghiệp thực thi xếp hạng tín nhiệm? Do đó việc lùi cũng không mang đến nhiều tác động mà có khi còn bất cập. Trong trường hợp mà chúng ta cảm thấy là chưa thể dựa vào xếp hạng tín nhiệm, thì cần thiết các tổ chức quản lý Nhà nước như cơ quan Thuế chẳng hạn, ở góc độ của mình cũng có thể tham gia để cung cấp dữ liệu, cơ sở đánh giá về "tín nhiệm" của doanh nghiệp trên thị trường”, ông nói. 

Tại Công điện số 1163/CĐ-TTg, 3 giải pháp mà  Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính triển khai cụ thể gồm:

Thứ nhất, Khẩn trương có các biện pháp kịp thời, hiệu quả để chấn chỉnh, ổn định, thúc đẩy hoạt động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bảo đảm thị trường hoạt động công khai, an toàn, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả và phát triển bền vững; có các biện pháp hiệu quả để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhà đầu tư theo đúng quy định pháp luật.

Thứ hai, Khẩn trương rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là các trái phiếu đến hạn thanh toán trong năm 2022 và năm 2023; chủ động có biện pháp cụ thể, hiệu quả xử lý theo thẩm quyền, trường hợp vượt thẩm quyền thì đề xuất ngay các biện pháp phù hợp, hiệu quả, bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ. Yêu cầu các tổ chức phát hành thực hiện nghĩa vụ hoàn trả gốc, lãi theo đúng cam kết; trường hợp có khó khăn, tổ chức phát hành trái phiếu chủ động đàm phán với nhà đầu tư để xem xét có các biện pháp hài hòa, hợp lý, hiệu quả để cơ cấu lại các khoản nợ trái phiếu, cơ cấu lại lãi suất, thời hạn thanh toán, các điều kiện chi trả, thanh toán, phù hợp với tình hình thực tế, theo tinh thần "lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ" và theo đúng quy định pháp luật hiện hành.

Thứ ba, Chủ động đẩy mạnh hơn nữa theo thẩm quyền việc quản lý nhà nước về phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhất là chống tiêu cực, lợi dụng trục lợi chính sách và các hoạt động không lành mạnh khác để đảm bảo thị trường hoạt động lành mạnh, an toàn, công khai, minh bạch, bền vững. Khẩn trương đánh giá, rà soát kỹ, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là việc phát hành riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Có các biện pháp cụ thể để bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhà đầu tư, các chủ thể liên quan và an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ; trình Chính phủ trước ngày 20 tháng 12 năm 2022.

Theo yêu cầu của Thủ tướng, việc xem xét kỹ lưỡng hơn nữa các nội dung, văn bản pháp lý quan trọng nhất liên quan đến gỡ nút thắt trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, mà cụ thể ở đây là Nghị định 65 về trái phiếu riêng lẻ, đã rất cần kíp.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Gỡ khó cho thị trường trái phiếu: Cần tránh “cào bằng” tại chuyên mục DIỄN ĐÀN TÀI CHÍNH của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713956890 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713956890 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10