TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: Chờ đợi các Tổ công tác về tiền tệ, vốn, trái phiếu doanh nghiệp

LÊ MỸ 04/12/2022 14:52

Sau Tổ công tác về thị trường bất động sản, 2 Tổ công tác mới đã được Thủ tướng Chính phủ thành lập tập trung vào các điểm nóng liên quan đến doanh nghiệp, nhà đầu tư.

>>>Giải pháp cứu dòng tiền trái phiếu doanh nghiệp

Trước những diễn biến của các tình hình trên các thị trường, cùng với quyết tâm chấn chỉnh hoạt động của một số thị trường để hoạt động đúng thực chất, lành mạnh, như thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Tổ công tác về thanh khoản, tiền tệ, vốn do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm Tổ trưởng; Tổ công tác về trái phiếu doanh nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm Tổ trưởng. Bên cạnh đó, Tổ công tác về thị trường bất động sản do Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm Tổ trưởng cũng đã được công bố.

Thanh khoản, tiền tệ và vốn là những điểm nóng sẽ được Tổ công tác của Thủ tướng rà soát. (Ảnh minh họa)

Thanh khoản, tiền tệ và vốn là những điểm nóng sẽ được các Tổ công tác rà soát. (Ảnh minh họa)

Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh quyết tâm chấn chỉnh các thị trường này, “không làm không được”, xử lý người sai, bảo vệ người đúng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp.

Liên quan đến Tổ công tác về thanh khoản, tiền tệ và vốn, "khu vực" rà soát được xem là những " điểm nóng” của thị trường tài chính, đặc biệt trong đó đang nổi cộm lên là vấn đề thanh khoản. 

Trao đổi với báo chí mới đây, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, tín dụng tăng nhanh trong khi huy động vốn tăng chậm đã khiến hệ thống ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản. 

TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại hội thảo “Dự báo Kinh tế 2023: Cùng doanh nghiệp “vượt sóng” do Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức trong tháng 11 vừa qua, cũng thẳng thắn thừa nhận: Các ngân hàng hiện đang… hết tiền, có nới room thêm thì ngân hàng cũng không có tiền để cho vay.

Giải quyết "kẹt" thanh khoản, các ngân hàng đã, sẽ đẩy lãi suất huy động và lãi suất cho vay lên rất cao và điều này đang diễn ra trong hiện tại, khiến nhiều doanh nghiệp không còn chỉ lo khó tiếp cận tín dụng, mà cũng rất thận trong khi vay vì chưa biết phải làm ăn ra sao để đủ trả lãi ngân hàng. 

>>>Ngân hàng giải nút thắt thanh khoản đi liền với tăng lãi suất

Đối với kỳ vọng Tổ công tác về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, một chuyên gia chia sẻ cùng với DĐDN, mong mỏi của doanh nghiệp và nhà đầu tư là, đó không nên chỉ là sự rà soát chung về trái phiếu, cổ phiếu, về thanh khoản của thị trường thời gian qua hay các vấn đề ngắn hạn như doanh nghiệp phải mua lại trái phiếu trước hạn, phải tự chịu trách nhiệm, tự tái cơ cấu, phải đảm bảo mua cổ phiếu như đăng ký… như khuyến nghị của cơ quan quản lý, mà phải bao gồm cả những vấn đề dự phóng có thể xảy ra trong trung và dài hạn, trên cơ sở rà soát làm sao để nhìn ra các điểm yếu chung trong khung khổ pháp lý và vận hành của thị trường hiện tại, từ đó thiết lập được các đề xuất tham vấn báo cáo Chính phủ nhằm hướng tạo dựng kỷ luật, kỷ cương cho thị trường. Trong đó, trọng điểm trước mắt là sửa Nghị định 65 sao cho phù hợp đừng chặt quá cũng đừng quá buông lỏng.

Các "nút thắt" và việc tái tạo lập kỷ cương trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp không chỉ chờ sửa Nghị định 65, còn cần bao gồm việc xác định được trách nhiệm quản lý, trách nhiệm các đơn vị trung gian phân phối. (Ảnh minh họa: Quốc Tuấn)

Ngoài ra, đồng thuận với quan điểm của TS. Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (Bộ Tài chính), ông này cho rằng Tổ công tác về thị trường trái phiếu doanh nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Tổ trưởng, cũng rất cần xem xét, đánh giá khách quan và đầy đủ chính trách nhiệm của cơ quan quản lý các cấp, có hay không việc buông lỏng thị trường để vòng xoáy phát hành trái phiếu qua các công ty công cụ mở quá rộng và quá nhanh, ngoài kiểm soát, gây hệ lụy.

Cùng với đó, là xác định trách nhiệm của các đơn vị trung gian phân phối gồm ngân hàng, công ty chứng khoán, các quỹ lại đi bán trái phiếu doanh nghiệp cho nhà đầu tư cá nhân, bất kể chuyên nghiệp hay không.

“Thị trường hiện nay vẫn chưa được giải tỏa nút thắt tâm lý về vấn đề các đơn vị trung gian phân phối trái phiếu trong thời gian qua có trách nhiệm ra sao đối với các trái chủ, họ đơn thuần là giới thiệu sản phẩm hay là nhà trung gian môi giới, đại lý thứ cấp không chính thức nhưng được hưởng lợi ích trong phân phối trái phiếu cho nhà đầu tư thậm chí không chuyên. Nếu các đơn vị này có lợi ích, có quyền lợi, dĩ nhiên phải được quy định trách nhiệm, chịu chế tài trong vấn đề này”. 

Chuyên gia cũng cho rằng nếu Tổ công tác “bỏ qua” nút thắt này, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt trái phiếu riêng lẻ sẽ rất khó sớm khôi phục niềm tin  và khó có khả năng sớm “ấm” trở lại. 

Có thể bạn quan tâm

  • Camimex muốn phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu

    Camimex muốn phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu

    05:00, 04/12/2022

  • Niềm tin giảm sút gây ảnh hưởng trái phiếu doanh nghiệp

    Niềm tin giảm sút gây ảnh hưởng trái phiếu doanh nghiệp

    18:52, 01/12/2022

  • HDBank chuẩn bị phát hành 500 triệu USD trái phiếu quốc tế

    HDBank chuẩn bị phát hành 500 triệu USD trái phiếu quốc tế

    13:55, 01/12/2022

  • Lo tiền đáo hạn trái phiếu

    Lo tiền đáo hạn trái phiếu

    03:00, 30/11/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: Chờ đợi các Tổ công tác về tiền tệ, vốn, trái phiếu doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO