Tổ công tác đặc biệt của UBND TP Hà Nội họp phiên thứ bảy về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả cho các dự án đã chậm tiến độ từ nhiều năm nay.
Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của UBND Thành phố về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn Thành phố chủ trì phiên họp lần thứ bảy của Tổ công tác.
Tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cùng các thành viên trong Tổ công tác đặc biệt đã lắng nghe đề xuất, kiến nghị của 5 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn, liên quan về các vấn đề đầu tư, mặt bằng của các dự án, gồm:
Công ty TNHH Phát triển đô thị đề nghị xem xét, tháo gỡ những vướng mắc tại dự án Song Hong City tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình và phường Yên Phụ, quận Tây Hồ.
Công ty cổ phần Đầu tư đô thị Hồ Tây đề nghị gỡ vướng mắc dự án nhà ở thương mại phục vụ tái định cư theo phương thức đặt hàng tại ô đất CT3, CT4 khu tái định cư Xuân La, phường Xuân La, quận Tây Hồ.
Khu tái định cư Xuân La gồm 4 khối nhà, trong đó hai tòa CT1 và CT2 do Ban quản lý khu đô thị mới xây, còn CT3 và CT4 giao cho doanh nghiệp đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Đến nay dự án vẫn chưa được bàn giao.
Tại huyện Phúc Thọ, Hà Tây (cũ), Tập đoàn Sunshine cũng đề nghị giải quyết vướng mắc của dự án Khu vườn sinh thái Cẩm Đình - Hiệp Thuận (tên thương mại: Sunshine Heritage Resort). Dự án được duyệt quy hoạch năm 2007 (trước thời điểm Hà Tây sáp nhập Hà Nội), sau đó điều chỉnh quy hoạch vào tháng 6/2022 với tổng diện tích gần 250 ha, quy mô dân trên 7.000 người.
Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Trung Yên nêu kiến nghị về việc thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất để đề xuất nghiên cứu lập Dự án đầu tư xây dựng Khu cây xanh kết hợp thể dục thể thao và vui chơi giải trí tại xã Tiên Dương, huyện Đông Anh.
Sở Tài chính đề nghị xem xét Dự án đầu tư xây dựng Trường Đại học Hòa Bình tại xã Tiến Xuân, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình trước đây.
Sau khi nghe báo cáo, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh đã trao đổi với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các đơn vị, địa phương liên quan về tình hình thực tế vướng mắc của từng dự án; đồng thời chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm các vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền của các đơn vị trên tinh thần tiếp tục triển khai 5 dự án kể trên.
Chủ tịch UBND TP đề nghị các sở ngành nghiên cứu, thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa trong giải quyết các thủ tục về đầu tư dự án, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách và các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt kịp thời cơ hội hợp tác đầu tư.
Đối với những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, đề nghị Văn phòng UBND thành phố tổng hợp và sớm báo cáo Chính phủ, tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết tháo gỡ, đảm bảo lợi ích cho người dân và doanh nghiệp.
Trước đó, Chính phủ yêu cầu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai; góp phần khơi thông các nguồn lực, đưa các tài sản vào lưu thông, tránh thất thoát, lãng phí, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
TS Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, trong năm 2025, Chính phủ định hướng tiếp tục tập trung giải quyết các vướng mắc trong triển khai các dự án bất động sản. Năm 2025 sẽ là một năm nhiều kỳ vọng của các doanh nghiệp bất động sản đang có dự án chờ được “giải cứu”. Bởi khi 3 bộ luật gồm Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, Luật Nhà ở đã được thông qua, các dự án này cũng đang trong giai đoạn được “giải cứu” và trong năm 2025 sẽ có thể được giải cứu thành công. Đây cũng là chìa khóa giúp điều tiết thị trường, kéo giảm đà tăng giá bất động sản.
Cũng theo ông Đính, hiện nay các chủ đầu tư đang nỗ lực tái khởi động dự án cũ và lên kế hoạch bắt tay để triển khai các dự án bị bỏ hoang trước đây. Diễn biến này được kỳ vọng làm hồi sinh nhiều dự án, giúp các doanh nghiệp địa ốc tiếp tục hoạt động và gia tăng nguồn cung nhà ở cho thị trường trong năm 2025.