Tỉnh Khánh Hòa lập 3 tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh công tác giải ngân, chỉ đạo thực hiện các giải pháp để phấn đấu mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, ông Trần Quốc Nam - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã ký ban hành quyết định thành lập 3 tổ công tác theo dõi, chỉ đạo, giải quyết kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác giải ngân; đôn đốc, chỉ đạo thực hiện các giải pháp để phấn đấu mục tiêu tăng trưởng. Cụ thể, 3 tổ công tác do 3 Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng.
Tại quyết định, ông Nguyễn Long Biên sẽ làm tổ trưởng Tổ công tác số 1, theo dõi lĩnh vực giáo dục và đào tạo; y tế; văn hóa, thể thao và du lịch; lao động - thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông; khoa học và công nghệ;,... Đồng thời, vị này cũng theo dõi và chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Dân tộc và Tôn giáo,... và theo dõi 22 phường xã.
Tiếp đến, tổ công tác số 2 do ông Trần Hòa Nam làm tổ trưởng, theo dõi lĩnh vực xây dựng; phát triển đô thị; đất đai; tài nguyên khoáng sản; môi trường; giao thông vận tải; thống kê, tín dụng nhà nước, ngân hàng; theo dõi hoạt động chung khối doanh nghiệp; kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm, việc phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công hàng năm; các dự án ngoài ngân sách thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách; Khu kinh tế Vân Phong,... Cùng với đó, ông Nam sẽ chỉ đạo các Sở Xây dựng; Sở Nông nghiệp và Môi trường; Sở Tài chính (theo dõi các dự án đầu tư theo lĩnh vực được phân công); Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh,... và theo dõi 22 phường, xã.
Cuối cùng, tổ công tác số 3 do ông Trịnh Minh Hoàng làm tổ trưởng, theo dõi lĩnh vực Nông nghiệp và phát triển nông thôn; tài nguyên nước; công thương; điện lực; xuất nhập khẩu; kinh tế tập thể; hoạt động của các khu, cụm công nghiệp,... và chỉ đạo Sở Công Thương; Sở Nông nghiệp và Môi trường; Ban Quản lý các Khu công nghiệp,... Ông Hoàng cũng được giao theo dõi 20 phường, xã và đặc khu Trường Sa.
Trong thời gian tới, Chủ tịch Khánh Hòa cũng yêu cầu 3 tổ công tác có trách nhiệm giúp UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo, giải quyết kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác giải ngân. Song song với đó, các tổ công tác cũng phải đôn đốc, chỉ đạo thực hiện các giải pháp để phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng đối với các dự án, ngành, lĩnh vực, địa bàn, chủ đầu tư phụ trách.
“Các thành viên tổ công tác theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm chủ động nắm bắt, tham mưu xử lý tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác giải ngân; đôn đốc, chỉ đạo thực hiện các giải pháp để phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng theo ngành, lĩnh vực, dự án phụ trách”, Chủ tịch Khánh Hòa Trần Quốc Nam giao nhiệm vụ.
Lưu ý trong thời gian tới, Chủ tịch Khánh Hòa đề nghị các tổ công tác chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về việc thực hiện các nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, các tổ công tác phải làm việc theo chế độ đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, các thành viên thực hiện nhiệm vụ theo chế độ kiêm nhiệm và chịu trách nhiệm về phần việc được phân công.
Theo tìm hiểu, toàn tỉnh Khánh Hòa hiện có hơn 11.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, tỉnh Khánh Hòa đã xác định rõ trách nhiệm của các sở, ban, ngành, địa phương trong triển khai Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, Khánh Hòa đã lên phương án hoàn thiện chính sách pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và bình đẳng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, các sở, ngành, địa phương phải triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ kịp thời rào cản, “điểm nghẽn” để huy động tối đa nguồn lực của doanh nghiệp đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng chung của địa phương.
Về phương án cụ thể, Khánh Hòa xác định rõ sẽ giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, giảm tối thiểu 30% chi phí tuân thủ và bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết trong năm 2025. Đặc biệt, chuyển mạnh quản lý từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, tập trung hoàn thành nhiệm vụ cải cách hành chính, giải quyết nhanh các thủ tục về đầu tư, cấp phép kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và dự án đầu tư,...