Sửa Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Bộ Công Thương cần phải chịu trách nhiệm chính
Góp ý Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định về kinh doanh xăng dầu, chuyên gia cho rằng, Bộ Công Thương vẫn cần phải chịu trách nhiệm chính trong quản lý điều hành xăng dầu…
>> Kinh doanh xăng dầu - Không thể giao doanh nghiệp thống lĩnh thị trường quyết giá
Như đã thông tin, Bộ Công Thương vừa gửi các bộ, ngành lấy ý kiến về sửa đổi, bổ sung Dự thảo Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2013 về kinh doanh xăng dầu. Trong đó, bên cạnh đề xuất giảm số ngày điều hành xăng dầu từ 10 ngày hiện hành xuống 7 ngày để giá xăng dầu trong nước bám sát giá thế giới, doanh nghiệp có thể tự định giá bán lẻ, cơ quan quản lý chỉ công bố giá cơ sở của mặt hàng xăng dầu. Một vấn đề khác khiến dư luận đặc biệt quan tâm đó là đề xuất giao toàn bộ việc điều hành giá xăng dầu, tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu cho Bộ Tài chính chủ trì.
Cụ thể, theo nội dung sửa đổi, bổ sung Dự thảo Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2013 về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương cho rằng, có thể giữ nguyên như quy định hiện hành, tức là nhiều bộ ngành cùng quản lý xăng dầu hoặc là giao hoàn toàn việc quản lý và điều hành giá xăng dầu về một trong hai bộ Tài chính, Công Thương.
Tuy vậy, Bộ Công Thương đề xuất chọn phương án giao toàn bộ việc điều hành giá xăng dầu, tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu cho Bộ Tài chính chủ trì, còn Bộ Công Thương sẽ phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Theo Bộ Công Thương, đề xuất mới này nhằm tập trung việc quản lý điều hành giá về một đầu mối, phù hợp với chức năng nhiệm vụ và chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Tài chính. Phương án này cũng có ưu điểm là Bộ Tài chính đảm trách toàn bộ chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực tài chính nên thực hiện chính xác công tác tính toán, hướng dẫn, công bố giá điều hành... Bởi, nếu giao hoàn toàn về cho Bộ Công Thương thì dù đảm bảo thống nhất một đầu mối quản lý giá và cung cầu nhưng lại dẫn tới chồng chéo và phát sinh thêm bộ máy…
Tuy nhiên, đề xuất này ngay lập tức nhận được nhiều ý kiến trái chiều, bởi trước đó, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính - Hồ Đức Phớc, việc điều hành giá xăng dầu vẫn nên để Bộ Công Thương đảm nhiệm vì đây là nhiệm vụ được bộ thực hiện lâu nay cũng như phù hợp với quy định của Luật giá…
>> Ổn định thị trường xăng dầu: Cần một “nhạc trưởng” chỉ huy giá
Trước thực tế đã nêu, không ít ý kiến cho rằng, việc Bộ Công Thương đề xuất đưa quản lý xăng dầu sang Bộ Tài chính thực chất là “đá bóng”, bởi trước đó, tại Quốc hội bộ trưởng Bộ Tài chính đã đề nghị giao toàn diện quản lý hoạt động xăng dầu cho Bộ Công Thương…
Thông tin với báo chí, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nhắc lại, trước đây khi có những bất cập trong điều hành giá xăng dầu, chậm trễ trong việc tính toán các chi phí, Bộ Công Thương đã phải nhiều lần có văn bản đề nghị Bộ Tài chính cập nhật chi phí đầu vào. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố nên việc cập nhật không được kịp thời, gây khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh, khiến cho nguồn cung bị ảnh hưởng cục bộ ở một số địa bàn.
Do đó, ông Long cho rằng, Bộ Công Thương vẫn cần phải chịu trách nhiệm chính trong quản lý điều hành xăng dầu, nhưng bên cạnh đó cần tăng sự phối hợp chủ động giữa các bộ ngành liên quan để phù hợp thực tiễn, sát thị trường hơn.
Còn theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đề xuất giao việc quản lý xăng dầu cho Bộ Tài chính mà Bộ Công Thương đưa ra là chưa thuyết phục và cần phải nghiên cứu kỹ. Bởi, hiện nay Dự thảo Luật giá đang được sửa đổi theo hướng một cơ quan quản lý chuyên ngành sẽ quản lý giá của mặt hàng đó. Đơn cử như thuốc sẽ giao về cho Bộ Y tế quản lý vì những mặt hàng này có đặc trưng đặc thù, Bộ Tài chính quản lý “chỉ mang tính phối hợp”.
“Tôi cho rằng vẫn phải phối hợp, xu hướng là Bộ Tài chính không thể ôm đồm được vì có những lĩnh vực đặc thù. Bộ Tài chính có thể chủ động, nâng cao hiệu quả phối hợp hơn trong việc tính chi phí, hệ thống, phương pháp, cấu thành giá sao cho đầy đủ. Tức là Bộ Tài chính đóng vai trò xác định phương pháp, yếu tố cấu thành giá để tham gia vào điều hành giá hiệu quả nhất”, ông Hùng chia sẻ.
Cũng theo ông Hùng, nên giao cho một đầu mối là Bộ Công Thương chủ trì, song liên bộ Công Thương - Tài chính cần trao đổi để phân định nhiệm vụ và phối hợp cụ thể.
Đồng tình với quan điểm đã nêu, một số ý kiến cũng cho rằng, việc điều chỉnh chức năng nhiệm vụ giữa các bộ cần tính toán cân nhắc kỹ lưỡng, vừa đảm bảo tính kế thừa vừa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới theo phân công của Chính phủ. Một việc thì chỉ có một cơ quan chủ trì và các cơ quan khác phối hợp thực hiện, quản lý Nhà nước nên chỉ có một cơ quan thống nhất quản lý. Nguyên tắc hành chính này cần được thực hiện, áp dụng xuyên suốt và chặt chẽ trong thực tế. Còn với đề xuất của Bộ Công Thương, cần bàn bạc, cân nhắc và báo cáo Chính phủ quyết định.
Thực tế, xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm, liên quan an ninh năng lượng nên việc điều hành cần có tính chiến lược lâu dài, đồng thời phải dự báo và linh hoạt để đáp ứng yêu cầu thực tế, nhất là trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới biến động thường xuyên.
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo Nghị định sửa đổi quản lý xăng dầu: Chưa phải phương án cuối cùng
07:23, 10/01/2023
Kinh doanh xăng dầu - Không thể giao doanh nghiệp thống lĩnh thị trường quyết giá
05:00, 10/01/2023
Ổn định thị trường xăng dầu: Cần một “nhạc trưởng” chỉ huy giá
04:00, 05/01/2023
Năm 2022 “đặc biệt” với xăng dầu và thịt lợn
04:30, 26/12/2022
Bị phạt do kinh doanh xăng dầu khi giấy phép hết hạn, CMV kinh doanh ra sao?
14:00, 21/12/2022