Năm 2022 là một năm “đặc biệt” đối với thị trường xăng dầu và thịt lợn. Giá xăng có thời điểm lên tới trên 32.000đ/lít, còn giá lợn hơi hạ xuống 53.000đ/kg.
>>Thị trường tiêu dùng – bán lẻ Việt Nam chứng tỏ sức hấp dẫn hàng đầu khu vực
Số liệu công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng sôi động hơn về những tháng cuối năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2022 tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 11 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.180,5 nghìn tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 5%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 16,9% (cùng kỳ năm 2021 giảm 6,8%).
Nhìn chung 11 tháng, các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân dần hồi phục, nhu cầu hàng hóa bắt đầu tăng. Mặc dù thị trường trong nước chịu tác động của thị trường thế giới.
Giá một số hàng hóa, nhất là các mặt hàng nhóm năng lượng… có xu hướng tăng theo giá hàng hóa thế giới. Tuy nhiên, do nguồn cung hàng hóa cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng nên giá hàng hóa không có biến động lớn, thị trường tương đối bình ổn.
Lưu thông hàng hóa trên thị trường thuận lợi, đặc biệt nhóm hàng nông sản thực phẩm chúng ta đã tự túc được để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Qua số liệu 11 tháng qua cho thấy, mặc dù còn nhiều khó khăn sau đại dịch, cộng thêm với tình hình địa chính trị trên thế giới diễn biến hết sức phức tạp.
Nhưng được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự nỗ lực của các doanh nghiệp, chúng ta đã giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế làm phát 11 tháng ở mức 3,02%, mặc dù còn 1 tháng nữa song chắc chắn mục tiêu lạm phát trong năm sẽ đạt được.
Đi sâu vào phân tích những diễn biến của một số mặt hàng trong năm 2022, nổi lên nhất là mặt hàng xăng dầu, suốt trong gần 1 năm qua thị trường xăng dầu diễn biến phức tạp chưa từng có.
Đây là một năm “đặc biệt” của thị trường xăng dầu. Giá xăng có thời điểm lên tới trên 32.000đ/lít, giá dầu Diezen thậm chí còn cao hơn giá xăng... Giai đoạn giữa quý 3 đến hai tháng đầu quý 4, một mặt nguồn cung xăng dầu có lúc khó khăn, dự trũ xăng dầu rất “mỏng” chỉ từ 5 đến 7 ngày.
>>RCEP sẽ giúp Việt Nam tiếp cận tốt hơn với các thị trường tiêu dùng lớn
>>Làm sao để nông sản Việt “chiếm lĩnh” thị trường tiêu dùng Việt?
Mặt khác, chi phí vốn cho chuỗi kinh doanh xăng dầu không đủ dẫn đến một số đơn vị mặc dù được cho là làm ăn nghiêm túc vẫn phải dừng nhập khẩu, hoặc tạm ngừng hay ngừng bán ra cho người tiêu dùng vì sẽ thua lỗ.
Mặc dù biết đó là những nguyên nhân chính, song việc điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước được phân công trong lĩnh vực này còn lúng túng bị động. Có thời điểm chậm trễ trong việc giải quyết những kiến nghị về thiếu chiết khấu, chi phí kinh doanh nên đã tạo ra những tình hình không mong muốn trong việc cung ứng cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Tuy giai đoạn khó khăn này đã vượt qua và tình hình đã trở lại bình thường trong một tháng gần đây. “Bài học” rút ra từ vấn đề này là không thể điều hành một mặt hàng quan trọng bằng mệnh lệnh hành chính, mà phải sớm tập trung đầu mối quản lý, nâng mức dụ trữ hợp lý đủ sức giải quyết những bất thường xảy ra, tiến tới từng bước hoạt động theo cơ chế thị trường.
Một mặt hàng khác không thể không nhắc đến đó là thịt lợn. Đây là mặt hàng chiếm tới 65-70% lượng thịt các loại của mỗi gia đình. Chính vì vậy được xã hội tiêu dùng và các cơ quan quản lý hết sức quan tâm.
Từ cuối năm 2021 đến tháng 8/2022, giá lợn hơi vẫn “đứng” ở mức cao khoảng 75.000đ/kg. Nhưng từ tháng 9 giá lợn hơi giảm dần ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước, chủ yếu là ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Đến nay, gần cuối tháng 12 giá đã hạ xuống mức rất thấp từ 51.000-53.000đ/kg hơi do chi phí đầu vào của chăn nuôi lợn tăng cao nên giá thành chăn nuôi khoảng 60 – 62.000đ/kg. Nếu tình hình này tiếp tục kéo dài đến tết âm lịch và cả sau tết thì các hộ chăn nuôi sẽ bị thua lỗ lớn.
Những giải pháp đề ra để kéo giá lợn lên như xuất khẩu, cấp đông dự trữ, hạ giá bán quá cao ở các siêu thị lớn đều vướng những khó khăn nên trước mắt chưa thể thực hiện được trong năm 2022.
“Bài học” rút ra từ mặt hàng này là công tác nắm chắc số liệu thống kê của đàn lợn trong nước, công tác dự báo giá, cân đối cung cầu từng thời kỳ và vấn đề xuất khẩu chính ngạch một cách ổn định, chủ động sản xuất thức ăn chăn nuôi, con giống, tái đàn... đảm bảo lợi nhuận cho người chăn nuôi cá thể một cách ổn định.
Để bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường từ nay đến Tết Quý Mão 2023, Bộ Công Thương cho biết tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, nhất là trong các dịp cao điểm lễ, Tết để không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Phối hợp với các địa phương chủ động xây dựng phương án dự trữ hàng hóa, triển khai chương trình bình ổn thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu người dân trong những tháng cuối năm và dịp cao điểm Tết Nguyên đán.
Căn cứ vào chỉ đạo của Bộ Công Thương để đảm bảo phục vụ một cái tết an toàn, tiết kiệm, tết cho mọi gia đình, tôi đề xuất một số giải pháp đối với các doanh nghiệp bán lẻ, chợ, siêu thị, TTTM, cửa hàng tự chọn…
Các siêu thị, TTTM, chợ đầu mối và chợ dân sinh mở rộng cửa đón hàng hoá công nghiệp, nông sản thực phẩm nhất là sản phẩm Việt để tạo quỹ hàng hoá hoá cho mình.
Chuẩn bị hàng hoá đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn cung lớn, giá cả ổn định trước và trong tết. Một số đơn vị có kho dự trữ cần bổ sung thêm đề phòng thiếu hụt cục bộ.
Tổ chức bán hàng thuận tiện, quản cáo tiếp thị nâng cao văn hoá phục vụ khách hàng, xây dựng thương hiệu cho mình lâu dài.
Các hội chợ xuân cần tổ chức chu đáo, quản lý đầu vào của các sạp hàng về chất lượng hàng hoá, nâng cao uy tín phục vụ của các hội chợ trong các dịp lễ Tết.
Các lực lượng quản lý trường, y tế, khoa học công nghệ tổ chức kiểm tra giá bán, thực hiện việc kê khai giá các mặt hàng thiết yếu có tăng giá đột biến và có yếu tố đầu cơ trong dịp tết, kiểm tra chất lượng hàng hoá trên từng địa bàn được phân công.
Các doanh nghiệp kinh doanh cần phối hợp với các địa phương trên địa bàn đảm bảo an ninh trật tự và phòng chống cháy nổ.
Các chuyên gia dự báo, trong điều kiện sức mua còn yếu, một bộ phận người lao động cuối năm còn bị giãn việc, nghỉ việc với số lượng hàng chục nghìn người, tiền thưởng có đơn vị còn chậm và không bằng năm trước.
Chính vì vậy, tăng trưởng bán lẻ trong dịp tết sắp tới khoảng 10-20% so với thời kỳ trước khi có dịch là một thành công của ngành thương mại. Điều quan trọng là các doanh nghiệp cần tạo được niềm tin vững chắc cho người tiêu dùng trong giai đoạn phục vụ đặc biệt này vào dịp cuối năm, bởi mất niềm tin là mất tất cả.
Việt Nam bước vào năm kế hoạch 2023 trong điều kiện tiếp tục hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, chính vì vậy chúng ta cũng phải chịu những tác động của kinh tế thế giới. Việt Nam sớm nhận ra những thuận lợi và khó khăn thách thức trong năm tới.
Cụ thể, về thuận lợi kinh tế vĩ mô trong nước năm 2022 đạt được những kết quả tích cực. Dịch bệnh về cơ bản được kiểm soát tốt, tạo điều kiện thuận lợi để hồi phục mọi hoạt động kinh tế - xã hội từ tháng 3.
Kinh tế phục hồi mạnh mẽ với sản xuất công nghiệp dự báo cả năm tăng khoảng 10% so với năm 2021. Tiêu dùng phục hồi nhanh với doanh thu bán lẻ tăng khoảng 15 - 16%.
Xuất, nhập khẩu tăng trưởng tích cực, trong đó xuất khẩu năm 2022 ước đạt 380 - 384 tỉ USD, tăng khoảng 14%, cán cân thương mại thặng dư khoảng 10 tỉ USD, góp phần hỗ trợ ổn định tỷ giá và các cân đối vĩ mô khác.
Giải ngân FDI tiếp tục khả quan, ước đạt 21 - 22 tỉ USD, tăng 13% so với năm trước. Thu - chi ngân sách đạt kết quả tích cực nhờ kinh tế phục hồi. Trong đó, ước thu ngân sách cả năm 2022 vượt 14% kế hoạch đề ra và tăng mạnh 20% so với cùng kỳ năm 2021, giúp ngân sách nhà nước thặng dư một phần do chi đầu tư phát triển còn ở mức thấp so với kế hoạch.
Lãi suất và tỷ giá tăng mạnh song vẫn trong tầm kiểm soát. Dự báo tỷ giá năm 2022 tăng khoảng 8 - 9% so với đầu năm trong bối cảnh đồng USD tăng giá, đã tăng khoảng 12% so với đầu năm.
Hoạt động doanh nghiệp phục hồi mạnh, nhờ các hoạt động kinh tế - xã hội được mở rộng dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức khi lãi suất, tỷ giá tăng, khả năng tiếp cận vốn khó khăn hơn và nhu cầu bên ngoài suy giảm.
Tăng trưởng GDP năm 2022 ước đạt khoảng 8%, lạm phát được kiểm soát tốt với CPI bình quân dự báo tăng khoảng 3,3%.
Còn đối với thách thức, thứ nhất môi trường quốc tế đang kém thuận lợi. Một số khu vực, quốc gia đặc biệt là các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam có thể rơi vào suy thoái nhẹ, làm giảm lực cầu xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng và du lịch quốc tế.
Thứ hai, giải ngân đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình phục hồi 2022 - 2023 vẫn còn chậm.
Thứ ba, áp lực lạm phát, tỷ giá, lãi suất còn tăng và vẫn là thách thức lớn trong năm 2023.
Thứ tư, nợ xấu tiềm ẩn có thể gia tăng trong thời gian tới.
Thứ năm, rủi ro thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và thanh khoản hệ thống ngân hàng chưa giảm rõ rệt.
Thứ sáu, thị trường lao động xuất hiện dấu hiệu đáng lo ngại do các doanh nghiệp bắt đầu từ quý 4 bị cắt giảm đơn hàng dẫn tới công nhân bị giãn việc, mất việc với số lượng lớn, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức mua xã hội.
Từ những thuận lợi kể trên, vượt qua những thách thức khó khăn chúng ta có thể lạc quan về bước đường phát triển kinh tế trong năm 2023. Phấn đấu đạt được các chỉ tiêu mà Quốc hội đã đề ra trong năm kế hoạch 2023 sắp tới, với GDP trong nước tăng 6,5%, GDP bình quân đầu người đạt 4.400 USD, tốc độ tăng chỉ số giá bình quân (CPI) 4,5%.
Để thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu trong năm tới, Việt Nam cần tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế làm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm tốt những cân đối lớn của nền kinh tế, tăng cường phòng chống dịch bệnh.
Đặc biệt, tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ sở hạ tầng, chống tham nhũng lãng phí, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, phát triển đội ngũ nhân lực, ứng dung khoa học công nghệ chủ động đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế đi đôi với nâng cao đời sống, đảm bảo an ninh xã hội.
Có thể bạn quan tâm
01:00, 15/12/2022
07:00, 12/12/2022
00:30, 18/10/2022