Pháp luật

Hà Nội triệt phá đường dây giết mổ, tiêu thụ thịt lợn nhiễm bệnh từ năm 2023

Nguyễn Minh 09/07/2025 14:18

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an TP Hà Nội đã triệt phá đường dây giết mổ, tiêu thụ hàng tấn lợn bệnh trên địa bàn Hà Nội. Đáng chú ý, các lò mổ lợn chui này hoạt động từ năm 2023.

5449ddeea9fa1fa446eb.jpg
Với thủ đoạn thu mua lợn bệnh giá rẻ từ 35.000–40.000đ/kg hơi, sau đó giết mổ bán ra từ 55.000–60.000đ/kg, các đối tượng thu lợi bất chính hàng tháng khoảng 70–80 triệu đồng.

Theo bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Thành phố Hà Nội, từ công tác nắm tình hình địa bàn và phản ánh của người dân, Phòng Cảnh sát Kinh tế – Công an Thành phố Hà Nội đã chủ động tổ chức lực lượng trinh sát, phát hiện dấu hiệu nghi vấn về hoạt động giết mổ, tiêu thụ thịt lợn nhiễm bệnh tại thôn Đan Nhiễm, xã Khánh Hà, huyện Thường Tín (nay là xã Thường Tín); thôn Dư Xá, thôn Đặng Giang, xã Hòa Xá, Thành phố Hà Nội và tại chợ Phùng Khoang, phường Đại Mỗ, TP Hà Nội.

Quy trình tổ chức tinh vi

Quá trình theo dõi gặp nhiều khó khăn, đối với các lò mổ chỉ hoạt động vào ban đêm (từ 0h30 đến 3h sáng), quy trình tổ chức khép kín, đối tượng cảnh giới chặt chẽ; đối với việc kinh doanh thịt lợn tại chợ Phùng Khoang, để tránh các lực lượng chức năng và người tiêu dùng phát hiện, các đối tượng không vận chuyển lợn ra Kiot chợ bằng đường chính mà thường xuyên vận chuyển bằng đường thôn, lối nhỏ, sau khi mang được lợn ra chợ, để lẫn thành phẩm lợn chết với lợn tươi sống khác trên bàn. Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ, tổ trinh sát đã thu thập đủ tài liệu, chứng cứ.

Ngày 30/6/2025 và 01/7/2025, Phòng Cảnh sát Kinh tế đã phối hợp với Đội QLTT số 17, Phòng 3 Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội và Chi cục Chăn nuôi – Thủy sản và Thú y Thành phố Hà Nội tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ do Lê Văn Tươi (SN 1994) và Nguyễn Thị Thư (SN 1998, trú tại Thôn Đan Nhiễm, xã Khánh Hà, huyện Thường Tín (nay là xã Thường Tín), Hà Nội) điều hành và tiến hành kiểm tra Kiot của đối tượng Dư Đình Hợi (sinh ngày 26/01/1983, trú tại: xóm Lương Sơn, thôn Đặng Giang, xã Hòa Xá, Thành phố Hà Nội), Nguyễn Viết Chiếm (sinh ngày 11/10/1987, trú tại: xóm 9, thôn Dư Xá, xã Hòa Xá, TP Hà Nội), Trương Mạnh Kiên (sinh ngày 18/10/1979, trú tại: Nhân Hòa, Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên), Nguyễn Đình Thao (sinh ngày 07/11/1975, trú tại TDP Lỗ Xá, Nhân Hòa, Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên).

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở giết mổ do Lê Văn Tươi và Nguyễn Thị Thư có 45 con lợn sống có biểu hiện nhiễm bệnh, 1.050kg thịt lợn nguyên con đã giết mổ, 450kg nội tạng. Tổng số hàng hóa vi phạm bị phát hiện, thu giữ là 4.300kg.

2a64a0e9d4fd62a33bec.jpg
c967acede3f955a70ce8.jpg
Ngày 02 và 03/7/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an Thành phố Hà Nội đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp và quyết định tạm giữ hình sự đối với Lê Văn Tươi và Đặng Văn Huy, Nguyễn Viết Chiếm, Dư Đình Hợi.

Chợ đầu mối Tân Mai phát hiện thu giữ tại 03 kiot đã mua 351,9kg thịt lợn bệnh của Tươi – Thư, bày bán cho người tiêu dùng. Kiot của các đối tượng tại chợ Phùng Khoang của Dư Đình Hợi có tổng khối lượng 367kg thịt lợn bệnh; Kiot của Nguyễn Viết Chiếm là 426kg thịt lợn bệnh; Kiot của Trương Mạnh Kiên 91kg thịt lợn bệnh; Kiot của Nguyễn Đình Thao là 93kg thịt lợn bệnh.

Tổng số hàng hóa vi phạm bị phát hiện, thu giữ là 977kg thịt lợn bệnh. Toàn bộ hàng không có giấy tờ kiểm dịch, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, tại các lò mổ các đối tượng khai nhận từ năm 2023 bắt đầu mua gom lợn ốm yếu từ các đầu nậu, trong đó có Đặng Văn Huy – người thu mua lợn bệnh tại huyện Ba Vì, Sơn Tây, Hà Nội; tỉnh Vĩnh Phúc,… rồi tổ chức giết mổ tại khuôn viên nhà ở. Trung bình mỗi ngày giết mổ hơn 50 con lợn, sau đó bán ra thị trường với giá khoảng 60.000 đồng/kg thịt. Cơ sở hoàn toàn không có giấy phép giết mổ, không thuộc hệ thống giết mổ được cấp phép của thành phố.

Điều đáng nói, các tiểu thương đến trực tiếp lò mổ của Tươi – Thư để chọn lợn; sau giết mổ, thịt được bán ngay cho các quầy tại các chợ đầu mối như Phía Nam, Minh Khai,… Ngoài ra, nhiều sản phẩm đã được tiêu thụ vào các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn Hà Nội. Với thủ đoạn thu mua lợn bệnh giá rẻ từ 35.000–40.000đ/kg hơi, sau đó giết mổ bán ra từ 55.000–60.000đ/kg, các đối tượng thu lợi bất chính hàng tháng khoảng 70–80 triệu đồng.

Tại chợ Phùng Khoang các đối tượng khai nhận mua lợn chết của các đối tượng tại khu vực huyện Ứng Hòa, huyện Mỹ Đức (cũ), TP Hà Nội hoặc tỉnh Hòa Bình (cũ), nay là tỉnh Phú Thọ với giá khoảng 20.000 đồng/kg rồi mang về tập kết tại nhà riêng. Các đối tượng tiến hành mổ phanh và sử dụng ô tô tải vận chuyển lợn ra khu vực Kiot tại chợ Phùng Khoang để tiêu thụ. Tại Kiot của các đối tượng tiến hành sơ chế lợn đã mổ thành từng bộ phận riêng (đầu, vai, đùi, bụng...) rồi trực tiếp bán cho khách hàng, trong đó chủ yếu bán cho những người có Kiot bán thịt lợn khác tại chợ Phùng Khoang với giá 40.000 đồng/kg, sau đó lại tiếp tục được bán cho 50.000 - 70.000 đồng/kg cho khách hàng cá nhân và các cửa hàng ăn, quán cơm bình dân, cơm văn phòng trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Kết quả xét nghiệm cho thấy các mẫu thịt và nội tạng dương tính với virus Dịch tả lợn Châu Phi (ASF) – một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, sản phẩm từ lợn mắc bệnh không được phép sử dụng làm thực phẩm và buộc phải tiêu hủy theo quy định pháp luật.

Cần xử lý nghiêm

Trước tính chất nghiêm trọng vụ án cho thấy, hành vi coi thường pháp luật, coi nhẹ sức khỏe cộng đồng để trục lợi. Cơ quan Công an đang tiếp tục mở rộng điều tra, xác minh các đối tượng liên quan khác và làm rõ chuỗi tiêu thụ thịt bệnh ra thị trường.

Ngày 02 và 03/7/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an Thành phố Hà Nội đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp và quyết định tạm giữ hình sự đối với Lê Văn Tươi và Đặng Văn Huy, Nguyễn Viết Chiếm, Dư Đình Hợi. Bên cạnh đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an thành phố Hà Nội đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Phòng 3 – Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội trong quá trình thu thập, kiểm tra, đánh giá toàn diện các tài liệu, chứng cứ có liên quan.

Ngày 08/7/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an thành phố Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố 03 vụ án hình sự về tội “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm” theo quy định tại Điều 317 Bộ luật Hình sự.

Đồng thời, khuyến cáo người dân chỉ nên mua thịt có nguồn gốc, dấu kiểm dịch rõ ràng; đồng thời tố giác các hành vi giết mổ, kinh doanh thịt không đảm bảo an toàn thực phẩm để cùng chung tay bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

e3c0a849e75d5103084c.jpg
Tổng số hàng hóa vi phạm bị phát hiện, thu giữ là 977kg thịt lợn bệnh. Toàn bộ hàng không có giấy tờ kiểm dịch, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, tại các lò mổ các đối tượng khai nhận từ năm 2023 bắt đầu mua gom lợn ốm yếu từ các đầu nậu...

Cùng quan điểm trên, Luật sư Phan Anh Tuấn, Công ty Luật TNHH Việt Phú Thịnh (Đoàn Luật sự Thành phố Hà Nội) cho rằng, những vụ việc liên tiếp xảy ra gần đây liên quan đến thực phẩm giả, kém chất lượng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người dân cho thấy, hệ thống pháp luật và cơ chế quản lý trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm còn tồn tại nhiều bất cập. Các quy định pháp lý hiện hành tuy đã có, nhưng chưa đủ chặt chẽ, chưa theo kịp với tốc độ phát triển xã hội.

Bên cạnh đó, chế tài xử phạt các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng...đặc biệt là sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe cộng đồng còn nhẹ, chưa có tính răn đe đủ mạnh. Nhiều đối tượng vẫn bất chấp, coi thường pháp luật, sẵn sàng làm giả giấy kiểm nghiệm, tự ý quảng cáo sai sự thật để thu lợi bất chính.

Theo đó, ông Tuấn kiến nghị, các cơ quan chức năng cần sớm rà soát, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Song song đó cần phải tăng cường hậu kiểm, siết chặt công tác phân phối.

"Công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, kém chất lượng... là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Y tế, Bộ Công Thương trong việc kiểm tra, giám sát thì mới đạt hiệu quả. Những tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm phải chịu chế tài nghiêm khắc, kể cả xử lý hình sự, truy cứu trách nhiệm cá nhân, buộc bồi thường thiệt hại...”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Việc xử lý nghiêm minh các hành vi sản xuất bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng... không chỉ là biện pháp răn đe mà còn là cách để bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng, góp phần xây dựng một thị trường thực phẩm chức năng lành mạnh và bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hà Nội triệt phá đường dây giết mổ, tiêu thụ thịt lợn nhiễm bệnh từ năm 2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO