Du lịch

Hà Nội bứt tốc du lịch năm 2025: Từ sản phẩm mới đến chiến lược vùng

Minh Châu 27/06/2025 02:59

Từ những con số tăng trưởng ấn tượng, đến hàng loạt sản phẩm và chiến lược mới, Hà Nội đang thực sự bước vào thời kỳ bứt phá du lịch.

Mới đây, tại Hội nghị Triển khai Kế hoạch kích cầu sản phẩm du lịch do Sở Du lịch Hà Nội tổ chức, bức tranh toàn cảnh du lịch Thủ đô năm 2025 đã được phác họa rõ nét: tăng trưởng ấn tượng, sản phẩm sáng tạo, không gian trải nghiệm mở rộng và chiến lược quảng bá bài bản. Đây được coi là thời điểm “vàng” để Hà Nội tăng tốc, khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch khu vực và quốc tế.

Theo ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2025, Hà Nội đón khoảng 15,55 triệu lượt khách, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, lượng khách quốc tế đạt 3,66 triệu lượt – mức tăng ấn tượng 21,8%. Doanh thu từ du lịch đạt trên 62.000 tỷ đồng, tăng gần 15%.

Không chỉ tăng về số lượng, chất lượng điểm đến Hà Nội cũng được quốc tế ghi nhận: lọt Top 3 điểm đến phổ biến nhất toàn cầu (TripAdvisor), Top 11 thành phố hấp dẫn nhất thế giới (Time Out). Đây là thành quả của một chiến lược phát triển bài bản, gắn với cải thiện trải nghiệm du khách và chuyển mình từ điểm đến truyền thống sang không gian sáng tạo, chiều sâu văn hóa.

Đột phá sản phẩm

Một trong những điểm nhấn lớn của chiến lược năm 2025 là phát triển nhóm sản phẩm du lịch mới, sáng tạo và mang bản sắc Hà Nội. Tiêu biểu là nhóm 20 sản phẩm du lịch đêm, nổi bật với chương trình “Tiếng chuông Trấn Vũ” tại đền Quán Thánh – tái hiện không gian văn hóa tâm linh lung linh về đêm.

ad-8-2-1-.jpg
Một trong những điểm nhấn lớn của chiến lược năm 2025 là phát triển nhóm sản phẩm du lịch mới.

Bên cạnh đó, các tuyến tour mang chiều sâu di sản như “Con đường di sản Nam Thăng Long” và “Con đường đạo học” sẽ ra mắt trong tháng 8, đưa du khách qua chuỗi di tích gắn liền với lịch sử – giáo dục – văn hóa Thăng Long. Hà Nội cũng triển khai các không gian trải nghiệm mới như “Tuyến phố bao cấp Trúc Bạch – toa tàu số 6 – Leng keng di sản” hay tour khám phá làng thuốc Nam người Dao tại Ba Vì.

Việc mở rộng trải nghiệm ra ngoài khu vực nội đô cũng là chiến lược trọng tâm. Các điểm đến tại Ba Vì, Mỹ Đức, Sóc Sơn và kết nối vùng Thủ đô sẽ tạo điều kiện để khách lưu trú lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn, thay vì chỉ dừng chân ngắn hạn.

Hạ tầng mềm và thể chế

Không chỉ chú trọng sản phẩm, du lịch Hà Nội năm 2025 đặt trọng tâm vào cải cách thể chế và quy hoạch phát triển không gian văn hóa – du lịch đặc thù. Việc triển khai Luật Thủ đô (sửa đổi) mở ra cơ chế linh hoạt hơn, đặc biệt là trong quản lý tài sản công và vận hành dịch vụ, giúp các đơn vị du lịch nâng cao tính chủ động, sáng tạo.

Song song đó, hàng loạt dự án quy mô lớn sẽ được hoàn thiện trong giai đoạn 2025–2026 như Trung tâm Triển lãm Quốc gia, công viên Kim Quy, trường đua ngựa Sóc Sơn, các khách sạn cao cấp và cải tạo không gian Hồ Gươm – Lăng Bác… tạo nền tảng hạ tầng mạnh mẽ cho diện mạo mới của du lịch Thủ đô.

Hà Nội xác định lễ hội và sự kiện là công cụ truyền thông hiệu quả để quảng bá điểm đến. Năm 2025, chuỗi sự kiện đặc sắc sẽ diễn ra liên tục: Lễ hội Du lịch Hà Nội (Hoàng Thành Thăng Long), Lễ hội Đồ uống (công viên Thống Nhất), Festival Thu Hà Nội, Lễ hội Áo dài Du lịch (Thành cổ Sơn Tây), Liên hoan Ẩm thực – Du lịch làng nghề…

Trên bình diện quốc tế, Hà Nội sẽ hiện diện tại các sự kiện lớn như Osaka Expo, ITB India, IFTM Top Resa (Pháp),… nhằm kết nối doanh nghiệp, mở rộng thị trường khách quốc tế và khẳng định vị thế thành phố điểm đến.

Đáng chú ý, Hội nghị phát triển du lịch thông minh (cuối tháng 7) sẽ mở ra diễn đàn chia sẻ giải pháp công nghệ trong quản lý và trải nghiệm du khách, hướng tới chuyển đổi số toàn diện trong ngành du lịch Hà Nội.

Tái cấu trúc tuyến – kiến tạo hành lang phát triển du lịch

Một trong những bước đi mang tính chiến lược là tái cấu trúc hệ thống tuyến du lịch, phân thành ba tầng: quốc tế, quốc gia và nội thành. Thay vì tổ chức theo địa giới hành chính, Hà Nội quy hoạch theo không gian phát triển, nhằm giảm tải áp lực trung tâm, mở rộng và phân bố khách hợp lý.

Các tuyến đường sông (sông Hồng, sông Đuống), đường sắt (tàu đêm Sjourney, “Năm cửa ô”…), hàng không (liên kết chiến lược với Vietnam Airlines),… đều được đồng bộ để tạo nên các hành lang du lịch thuận lợi, tiện lợi và liên kết vùng hiệu quả.

khach-du-lich-17486007700512068768648.jpg
Trước đà tăng trưởng mạnh dịp Quốc khánh 2/9, lượng khách đặt phòng tăng tới 40%.

Trước đà tăng trưởng mạnh dịp Quốc khánh 2/9, lượng khách đặt phòng tăng tới 40% và tìm kiếm chỗ ở tăng hơn 4.400%, Hà Nội đã phát động chiến dịch kích cầu đồng bộ, kêu gọi sự vào cuộc của doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, vận tải. Thành phố cam kết hỗ trợ quảng bá và truyền thông cho các sản phẩm sáng tạo, có giá trị thực sự.

“Hà Nội không chỉ là nơi dừng chân, mà phải là nơi đáng lưu lại – nơi mỗi du khách viết tiếp hành trình cảm xúc. Và sản phẩm du lịch chính là điểm chạm đầu tiên của hành trình ấy,” ông Trần Trung Hiếu khẳng định.

Từ những con số tăng trưởng ấn tượng, đến hàng loạt sản phẩm và chiến lược mới, Hà Nội đang thực sự bước vào thời kỳ bứt phá du lịch. Tinh thần đổi mới, chủ động, sáng tạo – kết hợp với tầm nhìn quy hoạch dài hạn – chính là yếu tố quyết định để Thủ đô trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu châu Á trong tương lai gần.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hà Nội bứt tốc du lịch năm 2025: Từ sản phẩm mới đến chiến lược vùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO