Quản lý kinh doanh xăng dầu: Không thể chuyền mãi… “quả bóng” trách nhiệm
Mặc dù những bất ổn của thị trường xăng dầu đã dần đi vào ổn định, thế nhưng, khi muốn đưa việc quản lý điều hành về một đầu mối, cả Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đều muốn “né”...
>> Sửa Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Bộ Công Thương cần phải chịu trách nhiệm chính
Như đã thông tin, Bộ Công Thương vừa gửi các bộ, ngành lấy ý kiến về sửa đổi, bổ sung Dự thảo Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu với những sửa đổi quan trọng. Theo đó, liên quan đến ý kiến đề nghị giao một đầu mối quản lý đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương đưa ra 3 phương án gồm giữ nguyên như quy định hiện hành, giao hoàn toàn về Bộ Tài chính quản lý hoặc giao hoàn toàn về Bộ Công Thương quản lý.
Trên cơ sở đánh giá sơ bộ, đồng thời đánh giá ưu nhược điểm của từng phương án, Bộ Công Thương đề xuất lựa chọn phương án 2, tức là giao toàn bộ việc điều hành giá xăng dầu, tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu cho Bộ Tài chính chủ trì thực hiện. Bộ Công Thương sẽ phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, tại văn bản gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính lại đề nghị Bộ Công Thương lựa chọn phương án 3 để báo cáo Chính phủ, đó là: Đối với nội dung điều hành giá xăng dầu và rà soát, hướng dẫn, tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu đưa về một đầu mối là Bộ Công Thương thực hiện. Các bộ, ngành khác theo chức năng nhiệm vụ được giao, thực hiện công tác quản lý Nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu theo quy định.
Theo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương thống nhất quản lý xăng dầu sẽ chủ động phương án điều hành trong những tình huống thiếu hụt, bất thường.
Về vấn đề này, Bộ Tài chính cũng đã có đánh giá và đề xuất cụ thể tại công văn số 11280/BTC-QLG ngày 1/11/2022. Theo lý giải của đơn vị này, một số nhiệm vụ thuộc công tác điều hành giá xăng dầu như giám sát trích lập, sử dụng Quỹ bình ổn giá; rà soát tính toán công bố các khoản định mức để tính giá cơ sở, đề nghị giao thống nhất về một đầu mối là Bộ Công Thương (là cơ quan chủ trì điều hành giá, quản lý các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu) để tránh phát sinh những bất cập trong khâu tổ chức thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (tại công văn số 3785/VPCP-KTTH ngày 25/10/2022), Bộ Tài chính chỉ thực hiện chức năng thanh, kiểm tra theo đúng quy định…
>> Kinh doanh xăng dầu - Không thể giao doanh nghiệp thống lĩnh thị trường quyết giá
Trước thực tế đã nêu, không ít ý kiến cho rằng, phải chăng các bộ đang “né” trách nhiệm? Bởi trên thực tế, từ tháng 10/2022, khi thị trường xăng dầu trong nước xảy ra tình trạng đứt gãy, gián đoạn, thiếu cung liên tục… cả 2 bộ Công Thương và Tài chính liên tục có những phát ngôn, đề xuất “giao qua, giao lại” khiến dư luận không khỏi quan ngại, xăng dầu đã trở thành “quả bóng” trách nhiệm để 2 bộ “đá” qua lại.
Thông tin với báo chí, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng, các lập luận của 2 bộ nêu ra thể hiện quan điểm của họ, nhưng có thể thấy sự loay hoay, lúng túng trong mối quan hệ giữa các bộ ngành để quản lý, điều hành thị trường xăng dầu đầy biến động. Những bất ổn của thị trường xăng dầu thời gian qua xuất phát từ việc nhập khẩu xăng dầu trên thị trường thế giới gặp nhiều khó khăn. Rồi chi phí đưa xăng dầu về nước tăng cao hơn quy định, song không được điều chỉnh phù hợp.
Chưa kể, các kỳ điều chỉnh giá bị kéo dài, không theo kịp giá thế giới tại một số thời điểm giá thế giới biến động liên tục. Nên cần thẳng thắn mà nói với nhau là các bộ quản lý chưa làm tròn trách nhiệm, cho đến nay vẫn đang đùn đẩy và đổ lỗi cho nhau.
Theo ông Thỏa, quản lý giá xăng dầu trong nước hiện tại bị cắt khúc. Vì thế, phải có một đầu mối, đúng hơn là tổng chỉ huy để chấm dứt ngay tình trạng bị cắt khúc này. Hiện Bộ Công Thương đang quản lý từ khâu quy hoạch, xây dựng hệ thống, cấp hạn ngạch, cấp giấy phép doanh nghiệp đầu mối… đặc biệt đảm bảo cung cấp. Thế nên, chính Bộ Công Thương hiểu doanh nghiệp và thị trường nhất. Vì vậy, nên giao cho Bộ Công Thương quản lý chính sẽ sát thực tiễn hơn và đúng với Luật Giá sửa đổi…
“Cần lưu ý là trong Luật Giá, có một chủ trương, định hướng rất quan trọng, đó là phân cấp, phân quyền trong vấn đề quản lý giá cho các bộ, ngành, địa phương. Theo Luật Giá, hàng hóa do bộ ngành nào quản lý, bộ đó nắm được các yếu tố đầu vào để quyết định giá”, ông Thỏa nhấn mạnh.
Đồng quan điểm đã nêu, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính cũng cho rằng, đề xuất đưa quản lý xăng dầu sang Bộ Tài chính là không hợp lý và khó thuyết phục. Bởi Bộ Tài chính không có kỹ năng nghiệp vụ về thương mại, kinh doanh để quản lý một thị trường lớn như xăng dầu. Trong quá khứ, Bộ Tài chính đã từng quản lý mặt hàng xăng dầu và việc quản lý này thực hiện rất chặt chẽ khi chiến tranh biên giới Tây Nam, phía bắc xảy ra. Xăng dầu là mặt hàng an ninh, phục vụ quân sự là chính yếu. Sau này, theo nền kinh tế thị trường, Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương quản lý mặt hàng xăng dầu, bên cạnh đó có các bộ khác cùng phối hợp nhưng Bộ Công thương vẫn là cơ quan quản lý chịu trách nhiệm chính.
“Hiện Việt Nam đang lọc xăng dầu chiếm tỷ lệ 75 - 80%, giả sử chúng ta có thể lọc và cung cấp đủ 100% thành phẩm xăng dầu cho thị trường trong nước thì cũng khó thay đổi cơ quan quản lý chính. Lý do, Bộ Công Thương về chuyên môn đang quản lý cả nguồn cung xăng dầu nhập khẩu và phân giao xăng dầu thành phẩm. Khi chủ động hoàn toàn vẫn phải nhập khẩu dầu thô, thuộc quyền quản lý của Bộ Công Thương.
Bên cạnh đó, quản lý doanh nghiệp đầu mối, phân phối bán buôn, bán lẻ… đều thuộc ngành công thương. Không có lý do gì để Bộ Công Thương cứ “đá” quả bóng xăng dầu qua bộ này bộ nọ mãi vậy được. Bộ Tài chính chỉ quản lý về giá, thuế, Bộ Công Thương quản lý toàn diện về đầu ra, đầu vào cho thị trường xăng dầu, nên giao quản lý chính mặt hàng xăng dầu vẫn là Bộ Công Thương”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Sửa Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Bộ Công Thương cần phải chịu trách nhiệm chính
04:00, 12/01/2023
Dự thảo Nghị định sửa đổi quản lý xăng dầu: Chưa phải phương án cuối cùng
07:23, 10/01/2023
Kinh doanh xăng dầu - Không thể giao doanh nghiệp thống lĩnh thị trường quyết giá
05:00, 10/01/2023
Ổn định thị trường xăng dầu: Cần một “nhạc trưởng” chỉ huy giá
04:00, 05/01/2023
Năm 2022 “đặc biệt” với xăng dầu và thịt lợn
04:30, 26/12/2022