“Bắt vợ” – Đừng để manh nha biến tướng
Sau hàng loạt vụ việc, nhiều ý kiến cho rằng “bắt vợ” là hủ tục cần loại bỏ, tuy nhiên, theo chuyên gia, đây là nét đẹp truyền thống cần được bảo tồn, còn với những biến tướng cần phải xử lý nghiêm...
>> Không để tục “bắt vợ” trở thành những bi kịch
Theo đó, tục “bắt vợ” hay còn có những khái niệm khác như: “kéo vợ”, “kéo dâu”, “trộm vợ” là những tập quán hôn nhân lâu đời của đồng bào một số dân tộc thiểu số như người Mông, người Dao đỏ ở các tỉnh miền núi phía Bắc và người Thái ở tỉnh Nghệ An.
Tục “kéo vợ” hay “kéo dâu” là một phong tục cổ truyền có tính nhân văn, phản ánh truyền thống tốt đẹp của đồng bào một số dân tộc thiểu số. Phong tục này tôn trọng nguyên tắc hôn nhân tự nguyện đã được ghi nhận trong Luật Hôn nhân và Gia đình; đồng thời hạn chế tục thách cưới cao, gây tốn kém cho các gia đình ở một số nơi.
Tuy nhiên, một số năm gần đây, “kéo vợ” chuyển sang hình thức “cướp vợ”, “bắt vợ” ở một số nơi với các kiểu biến tướng khác nhau, như lợi dụng tục “kéo vợ” để “cướp”, “bắt” các cô gái. Đối tượng tổ chức “cướp vợ” chủ yếu là thiếu niên, còn nam nữ thanh niên đến tuổi trưởng thành hầu như không vi phạm. Đây không phải hiện tượng phổ biến trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, nhưng với sự phát triển của công nghệ thông tin, hiện tượng này được một số cá nhân quay video và phát trên mạng xã hội, gây tò mò và làm theo ở một bộ phận người trẻ tuổi. Sự việc “cướp vợ”, “bắt vợ” không chỉ không phù hợp với phong tục tập quán tốt đẹp mà còn trái với các quy định của pháp luật hiện hành.
Trước đó, ngày 7/02/2022, dư luận đặc biệt xôn xao đối với vụ việc xảy ra tại xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, khi đoạn clip ghi lại được phát tán trên mạng xã hội cho thấy, một thiếu nữ mặc áo màu cam, váy vàng bị một thanh niên nửa ôm nửa kéo trên bãi đất trống ven đường. Cố vùng vẫy song không được, thiếu nữ cúi mặt vẻ cam chịu, rất may lực lượng công an đã có mặt kịp thời, giải vây cho thiếu nữ này không bị “bắt” làm vợ.
>>Chàng trai người Mông khởi nghiệp từ mô hình homestay
Không chỉ vụ việc tại Hà Giang, trước đó nữa, một đoạn video clip được phát tán cũng ghi lại cảnh một cô gái ở xã Liên Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An gào khóc thảm thiết khi bị một nhóm thanh niên cùng xã ép bắt lên xe máy về làm vợ khi đang trên đường vào Nam làm việc…
Ngay sau khi những vụ việc như đã nêu được phản ánh, nhiều ý kiến cho rằng, “bắt vợ” là một hủ tục, hành động phản cảm, cần có sự ngăn chặn, loại bỏ. Thế nhưng, theo các chuyên gia tục lệ “kéo dâu” vô tình đã bị hiểu sai. Thực chất, đây vẫn là một truyền thống tốt đẹp trong văn hóa của một số dân tộc tại Việt Nam. Còn hành động phản cảm từ nhiều vụ việc là do một số bộ phận người dân vẫn chưa nhận thức rõ về phong tục tập quán của quê hương mình nên sinh ra biến tướng.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc - Đinh Xuân Thắng, “kéo vợ” là một nét phong tục truyền thống tốt đẹp của một số đồng bào dân tộc thiểu số từ xưa đến nay. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, phong tục này bị “biến tướng”, bắt dâu một cách cưỡng bức, vấn nạn trên cần có những giải pháp ngăn chặn kịp thời.
“Hôn nhân ngày nay bất luận về mặt phong tục, thì nó phải dựa trên luật pháp để bảo đảm sự tự do, sự bình đẳng yêu thương của các đôi nam nữ của thế hệ thanh niên”, ông Đinh Xuân Thắng nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm đã nêu, nhiều ý kiến cũng thừa nhận, tục “kéo vợ” vốn đề cao vai trò của người phụ nữ, giảm chi phí không hợp lý trong lễ cưới, đó là văn hóa tốt đẹp. Tuy nhiên, cần hiểu đúng để gìn giữ, bảo lưu, cũng như tránh các hành vi lợi dụng phong tục tốt đẹp này, bởi hiện nay, có một số người kém hiểu biết, đặc biệt là lớp trẻ chưa hiểu phong tục nên vi phạm, nhưng cũng có trường hợp lợi dụng vì mục đích khác. Vì vậy, nên coi “kéo vợ” là tập quán lâu đời, không phải hủ tục, vấn đề là ở chỗ nó bị biến tướng, lợi dụng, không bỏ tập quán ấy mà xử lý những vấn đề phát sinh. Nếu xem như hủ tục, sẽ loại bỏ một tập quán, còn xử lý biến tướng, lạm dụng, sẽ làm tập quán đó tốt đẹp hơn và được duy trì...
Để có giải pháp xử lý hài hòa, vừa gìn giữ tập tục văn hóa dân tộc, nhưng cũng tránh biến tướng, dẫn tới tình trạng tảo hôn, đa thê, vi phạm quyền con người, đặc biệt là quyền trẻ em... Các chuyên gia cho rằng, cần phân biệt rõ tục “kéo vợ” với các biến tướng, dựa trên tiêu chí quan trọng nhất là sự đồng thuận của đôi nam nữ. Với những trường hợp lợi dụng phong tục, có dấu hiệu cưỡng ép, dứt khoát phải xử lý nghiêm để nêu gương.
Theo các chuyên gia, giải pháp tuyên truyền, vận động được nhiều tỉnh, thành phố thực hiện và đã đạt kết quả nhất định, thời gian tới cần phát huy vai trò của cơ sở, người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, đoàn thể, đồng thời qua hương ước, luật tục... Giúp đồng bào hiểu rõ những nét đẹp về phong tục tập quán và những hành vi biến tướng, lợi dụng. Việc tuyên truyền trên mạng xã hội với những phương thức phù hợp với sự tiếp cận của giới trẻ cũng cần được chú trọng.
Có thể bạn quan tâm
Không để tục “bắt vợ” trở thành những bi kịch
02:02, 11/02/2022
13-15/01: Tuần lễ giao lưu văn hóa, ẩm thực và xúc tiến thương mại “Hương Đất Việt – Tết sum vầy”
21:33, 06/01/2023
Văn hóa doanh nghiệp giống như “bộ gen” giải mã bản sắc
20:51, 06/01/2023
Kinh doanh văn hoá
08:11, 04/01/2023
Phát triển du lịch cộng đồng cần tôn trọng văn hoá địa phương
03:00, 01/01/2023