Không để tục “bắt vợ” trở thành những bi kịch

NGUYỄN VIỆT 11/02/2022 02:02

Sự việc nam thanh niên "bắt vợ" ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang theo hủ tục xa xưa vừa qua đã gây xôn xao dân mạng.

>>Chàng trai người Mông khởi nghiệp từ mô hình homestay

Chính quyền địa phương đã kịp thời “giải cứu” bé gái và đang xem xét xử lý hành vi của thanh niên này.

động tác

Tục "bắt vợ" chỉ mang tính biểu trưng.

Được biết, tục "bắt vợ" đã có từ xa xưa. Chính quyền các địa phương ở miền núi phía Bắc nhiều năm qua rất tích cực tuyên truyền, nhắc nhở người dân không thực hiện hủ tục này. Song nó vẫn tồn tại và đang dần bị biến tướng ở nhiều nơi, từ đây đã dẫn đến nhiều bi kịch trong hôn nhân bởi hủ tục này.

Bình luận về tục "bắt vợ", nhà nghiên cứu văn hóa dân gian - TS. Nguyễn Hùng Vĩ cho biết, tục "bắt vợ" là một hình thái đặc biệt của hôn nhân cổ xưa. Để thoát khỏi tình trạng hôn nhân cận huyết và duy trì nòi giống, thì người ta phải đi tìm các thị tộc khác để tìm vợ, "bắt vợ". Người ta "bắt vợ" về để thêm sức lao động, sinh con đẻ cái. Dấu ấn cổ xưa ấy đã lưu lại ở một số tộc người trở thành tập tục, văn hóa mang dấu ấn của tộc người đó.

Vẫn theo TS. Nguyễn Hùng Vĩ, người Việt trước đây cũng "bắt vợ" nhưng tục đó mất đi, còn một số dân tộc ít người vẫn giữ lại, hiện nay tồn tại chủ yếu ở cộng đồng người H'Mông. Thông thường trước đây khi chàng trai đi "bắt vợ" thì cả hai đã có tình cảm với nhau. Chàng trai làm một động tác "bắt vợ" như diễn kịch, mang tính biểu trưng.

Còn bây giờ, tập tục này đang bị biến tướng đi rất nhiều, đẩy nhiều bé gái vào các cuộc hôn nhân buồn. Thậm chí, nhiều thiếu nữ còn bị bắt bán sang biên giới. "Xã hội tiến lên thì tối thượng vẫn là pháp luật. Những gì vi phạm pháp luật như tục bắt vợ biến tướng hiện nay phải sửa chữa dần dần và ngăn cấm. Các cơ quan chức năng cần tuyên truyền và xử lý các trường hợp vi phạm", TS. Nguyễn Hùng Vĩ nhấn mạnh.

Còn ông Vương Duy Bảo (cháu nội Vua Mèo hay Vua H'Mông Vương Chí Sình), nguyên Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, người H'Mông chúng tôi không có tục lệ nào có tên là tục "bắt vợ".

Việc nam thanh niên "bắt vợ" như trong các clip đăng tải, theo ông Vương Duy Bảo, phần lớn là không am hiểu văn hóa, thiếu kiến thức. Đây không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật bắt giữ người trái phép mà còn xúc phạm đến nhân phẩm người phụ nữ.

Do đó, cháu nội Vua Mèo đề nghị chính quyền địa phương cần phải vào cuộc quyết liệt, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì phải xử lý hình sự. Không thể để năm nào cũng tái diễn những câu chuyện bức xúc về một tập tục đẹp của người H'Mông.

Các cô gái Mông đi chợ tình Khâu Vai tháng để có người kéo về làm vợ.

Các cô gái Mông đi chợ tình Khâu Vai để có người kéo về làm vợ.

Ông Vương Duy Bảo cho biết, người dân tộc H'Mông chỉ có tục "kéo dâu". Đây là nét văn hóa lâu đời mang tính nhân văn, rất đẹp và nhiều ý nghĩa. Trước đây, để một đôi nam nữ thành vợ chồng, người H'Mông có rất nhiều thủ tục cưới hỏi phức tạp. Ngoài ra, nhà trai cũng cần chuẩn bị số lượng sính lễ lớn như: lợn, gà, tiền mặt, rượu… mà không phải gia đình nào cũng có điều kiện sắm sửa.

Tục kéo dâu chính là để rút ngắn lại các thủ tục trên, đồng thời tạo điều kiện cho các nam thanh, nữ tú yêu nhau đến được với nhau. Tuy nhiên, không phải chàng trai nào thích "kéo" cô gái nào về làm vợ cũng được. Điều kiện để tiến hành thủ tục này là đôi nam nữ phải cùng ưng thuận, có tình cảm với nhau.

Trước khi tổ chức kéo dâu, chàng trai sẽ thông báo cho gia đình mình chuẩn bị mâm cơm, đồng thời hẹn bạn bè và cô gái mình thích ra một địa điểm nhất định. Tại đây, chú rể, bạn bè sẽ cùng "kéo" cô gái về nhà mình, chàng trai sẽ nắm tay cô gái đi trước.

Khi vào nhà, bước qua cửa nhà trai, bố mẹ chồng tương lai của cô gái sẽ đợi sẵn ở cửa, cầm con gà trống quay trên đầu cô gái 3 vòng phải, 3 vòng trái. Đồng thời sẽ làm mâm cơm thắp hương khấn vái tổ tiên chứng giám cho người con dâu mới.

Nhà trai sau đó sẽ cử một đoàn đại diện sang thông báo với nhà gái rằng: "Con gái ông bà đã ưng thuận về làm dâu nhà tôi. Chúng tôi cũng đã làm lễ báo cáo với tổ tiên". Chỉ cần như vậy là chàng trai, cô gái chính thức trở thành vợ chồng mà không phải trải qua bất cứ thủ tục cưới hỏi rườm rà, tốn kém nào nữa.

Bà Triệu Thị Tình, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh Hà Giang chia sẻ, người H'Mông có một tục rất độc đáo, ý nghĩa là “kéo vợ”. Đây là một phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc này. Tuy nhiên, nhiều người không hiểu rõ về phong tục, dẫn đến biến tướng và trở thành “bắt vợ” với những hành động sai bản chất, vi phạm pháp luật.

Thực tế, tục kéo vợ cũng để lại một số hệ lụy mà phần lớn rơi vào trường hợp kéo nhau về quá sớm, chưa tìm hiểu rõ nhau. Chỉ qua ánh mắt, nụ cười, thậm chí một điệu khèn... rồi nên duyên, mọi chuyện diễn ra chóng vánh đã dẫn đến những bi kịch trong các gia đình trẻ, mà phía nhận hậu quả không ai khác là phụ nữ.

Nhiều cô gái về làm dâu chưa lâu đã bỏ đi vì không phù hợp, nảy sinh nhiều bất đồng, khiến nhà trai phải huy động người đi "bắt trở lại". Trong lịch sử dân tộc Mông có rất nhiều trường hợp làm dâu chưa lâu đã tìm đến giải thoát bằng... lá ngón.

Có thể bạn quan tâm

  • Chàng trai người Mông khởi nghiệp từ mô hình homestay

    12:18, 10/12/2020

  • Chàng trai người Mông khởi nghiệp thành công với sắc màu thổ cẩm

    04:38, 26/07/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Không để tục “bắt vợ” trở thành những bi kịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO