Sửa Nghị định kinh doanh xăng dầu: Cần bỏ các quy định hạn chế quyền tự do kinh doanh

Bài & Ảnh: GIA NGUYỄN 20/02/2023 04:00

Để thị trường xăng dầu không còn phải đối mặt với những bất ổn đã và đang tồn tại, chuyên gia cho rằng, sửa Nghị định về kinh doanh xăng dầu, cần bỏ các quy định hạn chế quyền tự do kinh doanh…

>> Đảm bảo công bằng cho nhà bán lẻ xăng dầu

Theo đó, cho đến thời điểm hiện nay, thị trường xăng dầu vẫn đã và đang diễn biến phức tạp khi những hạn chế chưa được giải quyết. Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu được cho là rất cấp thiết.

Thực tế thời gian qua, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu lan rộng trên cả nước được cho xuất phát chủ yếu từ quy định, phương thức quản lý giá của Nhà nước đặt trong bối cảnh biến động trên thế giới.

tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu lan rộng trên cả nước được cho xuất phát chủ yếu từ quy định, phương thức quản lý giá - Ảnh minh họa

Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu lan rộng trên cả nước được cho xuất phát chủ yếu từ quy định, phương thức quản lý giá - Ảnh minh họa

Hiện, có trên 9.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, chiếm 53% số cửa hàng bán lẻ trên cả nước, mặc dù là doanh nghiệp bán lẻ nhưng giá trị tài sản rất lớn, tính bình quân suất đầu tư 10 tỷ đồng cho mỗi cửa hàng thì tổng tài sản ước tính lên tới 90.000 tỷ đồng. Chi phí tối thiếu để vận hành một cửa hàng xăng dầu lên tới 100 triệu đồng/tháng nên ước tính số tiền thua lỗ trong 01 năm qua của các doanh nghiệp có thể lên đến 3.000 - 4.000 tỷ đồng.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, nếu thua lỗ kéo dài, 9.000 cửa hàng bán lẻ buộc phải xin rút giấy phép và ngừng kinh doanh. Khi đó, chuỗi cung ứng trên toàn quốc đứt gẫy trên 50% ảnh hưởng lớn đến đời sống và nền kinh tế.

Đáng nói, trong khi doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thua lỗ kéo dài, nhưng cũng là thương nhân kinh doanh xăng dầu, có thương nhân đầu mối sau khi giá xăng được điều chỉnh thì trong quý IV/2022 đã có lãi đến cả ngàn tỷ đồng. Vậy, nguyên nhân dẫn đến thực trạng này từ đâu?

Góp ý về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ rõ, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu lan rộng trên cả nước trong thời gian qua xuất phát chủ yếu từ phương thức quản lý giá của Nhà nước đặt trong bối cảnh biến động trên thế giới.

Thứ nhất, ngay trước mỗi kỳ điều chỉnh giá có tình trạng găm hàng hoặc cố tình nhập hàng nhỏ giọt dẫn đến thiếu hụt đã diễn ra từ lâu. Sự thiếu hụt này chỉ diễn ra vài ngày trước mỗi kỳ điều hành giá và hết ngay khi giá trong nước được điều chỉnh theo giá thế giới. Trước đây, khi giá xăng dầu thế giới ít biến động, giá điều hành không khác nhiều so với giá thế giới nên sự thiếu hụt xăng trước mỗi kỳ điều chỉnh diễn ra không phổ biến. Tuy nhiên, khi giá thế giới biến động mạnh như trong nửa cuối năm 2022 thì tình trạng này lan rộng và gây tác động lớn đến xã hội.

Thứ hai, gần đây bắt đầu xuất hiện tình trạng thiếu hụt xăng dầu ngay cả sau khi điều hành giá. Điều này là do các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng (premium, chi phí vận chuyển, chi phí bảo hiểm, chi phí lãi vay, và các chi phí phát sinh khác) trong năm 2022 nhưng chưa kịp phản ánh trong giá điều hành.

>> Cân nhắc việc cho phép các đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn

Theo chuyên gia, cơ quan quản lý cần rà soát điều kiện kinh doanh, bỏ các quy định hạn chế quyền tự do kinh doanh và chỉ giữ lại các quy định, tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn - Ảnh minh họa

Theo chuyên gia, cơ quan quản lý cần rà soát điều kiện kinh doanh, bỏ các quy định hạn chế quyền tự do kinh doanh và chỉ giữ lại các quy định, tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn - Ảnh minh họa

“Thời gian qua, Bộ Công Thương ngăn chặn tình trạng thiếu xăng bán lẻ bằng cách xử phạt cây xăng đóng cửa. Các cây xăng có thể vì sợ bị phạt mà vẫn chấp nhận mở cửa nhưng cố tình bán nhỏ giọt cho người tiêu dùng, khiến người tiêu dùng phải xếp hàng mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế và chỉ có tác dụng trong ngắn hạn.

Nếu tình trạng giá bán thấp hơn chi phí kéo dài thì các doanh nghiệp sẽ không chỉ bán hàng nhỏ giọt trước mắt mà sẽ không đầu tư mới, thậm chí rời bỏ thị trường trong dài hạn. Khi đó, hạ tầng năng lượng của quốc gia sẽ bị xuống cấp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống sinh hoạt của người dân và an ninh năng lượng quốc gia”, VCCI góp ý.

Thực tế, thời gian vừa qua, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đã liên tục phản ánh tình trạng chiết khấu bán lẻ bằng 0 hoặc thậm chí âm. Điều này khiến các cửa hàng bán lẻ không muốn bán hàng, nhưng buộc phải bán vì nếu không sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt. Chưa kể, trong trường hợp giá bán lẻ điều hành thấp hơn toàn bộ chi phí của chuỗi cung ứng thì các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng sẽ không có động lực để kinh doanh…

Nhiều ý kiến cho rằng, với cách thiết kế quy định như hiện nay, mấu chốt vấn đề vẫn là xử lý cơ chế giá bán lẻ xăng dầu, bởi khi giá bán lẻ điều hành thấp hơn chi phí thì khoản âm này chủ yếu sẽ đổ vào doanh nghiệp bán lẻ bởi doanh nghiệp bán buôn có quyền chủ động giá bán buôn và không bị xử phạt khi ngừng bán hàng.

Trước thực trạng đã nêu, để thị trường xăng dầu không còn phải đối mặt với những bất ổn đã và đang tồn tại, chuyên gia cho rằng, sửa Nghị định về kinh doanh xăng dầu, cần bỏ các quy định hạn chế quyền tự do kinh doanh.

Theo TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế trung ương (CIEM), cơ quan quản lý cần rà soát điều kiện kinh doanh, bỏ các quy định hạn chế quyền tự do kinh doanh và chỉ giữ lại các quy định, tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn.

Đồng thời cho rằng, thể chế cần phải tạo động lực cho doanh nghiệp muốn bán hàng, muốn cạnh tranh lành mạnh, nên cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải thay đổi tư duy, không chỉ “cơi nới” trong Nghị định hiện hành.

“Cần thành lập hội đồng có doanh nghiệp đầu mối - phân phối - bán lẻ, nhà khoa học, chuyên gia… để xây dựng công thức tính, thuê một bên thứ ba xác định giá tham chiếu, các doanh nghiệp dựa vào đó để công bố giá bán”, TS Nguyễn Đình Cung góp ý.

Tại Nghị quyết số 10/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01/2023 trực tuyến với các địa phương. Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống và điều hành giá xăng dầu theo quy định; tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu. Khẩn trương trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 03/CT-TTg.

Có thể bạn quan tâm

  • Đảm bảo công bằng cho nhà bán lẻ xăng dầu

    Đảm bảo công bằng cho nhà bán lẻ xăng dầu

    14:00, 17/02/2023

  • Điều hành kinh doanh xăng dầu: Mệnh lệnh hành chính hay thị trường

    Điều hành kinh doanh xăng dầu: Mệnh lệnh hành chính hay thị trường

    05:02, 15/02/2023

  • Phải đảm bảo hoà lợi ích khi sửa đổi Nghị định về kinh doanh xăng dầu

    Phải đảm bảo hoà lợi ích khi sửa đổi Nghị định về kinh doanh xăng dầu

    15:33, 14/02/2023

  • Sửa Nghị định về kinh doanh xăng dầu:p/Mấu chốt làp/cơ chế giá bán lẻ

    Sửa Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Mấu chốt là cơ chế giá bán lẻ

    17:09, 09/02/2023

  • Cân nhắc việc cho phép các đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn

    Cân nhắc việc cho phép các đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn

    11:00, 07/02/2023

Bài & Ảnh: GIA NGUYỄN