Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Nên bỏ đối tượng sử dụng đất là “hộ gia đình”

GIA NGUYỄN 03/03/2023 04:30

Để tránh những khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến các giao dịch về quyền sử dụng đất, góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều ý kiến đồng tình, nên bỏ đối tượng sử dụng đất là “hộ gia đình”…

>> Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Băn khoăn cơ chế giải quyết tranh chấp

Theo đó, Điều 5 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về người sử dụng đất quy định theo hướng bỏ đối tượng là “hộ gia đình” sử dụng đất. Cụ thể, nếu như hiện nay Luật Đất đai 2013 quy định “hộ gia đình” được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định là người sử dụng đất, thì tại Dự thảo Luật (sửa đổi) quy định “hộ gia đình sử dụng đất gồm những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, có quyền sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành”, tức là sau khi Luật mới được thông qua và có hiệu lực Nhà nước sẽ không còn giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất cho “hộ gia đình”.

Lý do được cơ quan soạn thảo đưa ra là vì hiện nay việc xác định các thành viên trong hộ gia đình còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến việc thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất mà trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ ghi tên của chủ hộ gia đình…

quy định theo hướng bỏ đối tượng là “hộ gia đình” sử dụng đất

Quy định theo hướng bỏ đối tượng là “hộ gia đình” sử dụng đất tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhận được sự quan tâm của dư luận - Ảnh minh họa: ITN

Nội dung của Dự thảo được đưa ra lấy ý kiến góp ý ngay lập tức nhận được sự quan tâm của dư luận, trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, nên bỏ đối tượng sử dụng đất là “hộ gia đình”.

Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), GS.TS Phạm Văn Điển - Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp cho rằng, Điều 5 Dự thảo quy định 7 đối tượng là người sử dụng đất trong đó có “hộ gia đình” sử dụng đất. Mặc dù, Dự thảo đã làm rõ các nội hàm khái niệm nhưng qua thực tế áp dụng đã dẫn đến nhiều khó khăn, vướng mắc khi ghi nhận quyền sử dụng đất cho “hộ gia đình”, như nhầm lẫn giữa khái niệm hộ gia đình sử dụng đất theo Luật Đất đai (gồm thành viên có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng và có chung quyền sử dụng đất) và “hộ gia đình” theo Luật Dân sự và Luật Cư trú (hộ gồm những người có tên trong sổ hộ khẩu, trong đó có cả những người có chung quyền sử dụng đất theo tiêu chí trên và những người khác có quan hệ huyết thống, hôn nhân, nuôi dưỡng nhưng không chung quyền sử dụng đất, hoặc người không có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng như con của cô dì chú bác, của người thân, bạn bè… và đương nhiên không có chung quyền sử dụng đất.

Cùng với đó, phát sinh thủ tục hành chính khi thực hiện quyền khi các “hộ gia đình” thực hiện giao dịch đất đai đối với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình thì cơ quan đăng ký luôn yêu cầu người sử dụng làm đơn gửi UBND cấp xã hoặc Công an (cấp xã) xác nhận tình trạng nhân khẩu của hộ đó ở thời điểm giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất…. điều này làm phát sinh thủ tục hành chính khi nhiều nơi Công an hoặc UBND xã, các đội sản xuất ở các thôn không lưu hồ sơ thì thủ tục hành chính không thực hiện được hoặc nếu có thì mất thời gian xác nhận.

>> Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Giúp khai thác hiệu quả nguồn lực đất nông nghiệp

nhiều ý kiến cũng cho rằng, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bỏ đối tượng sử dụng đất “hộ gia đình” là phù hợp - Ảnh minh họa: ITN

Nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bỏ đối tượng sử dụng đất “hộ gia đình” là phù hợp - Ảnh minh họa: ITN

Theo GS.TS Phạm Văn Điển, đối với các trường hợp cấp đất ở ghi nhận “hộ gia đình” (mặc dù đất thuộc quyền sử dụng của riêng hai vợ chồng) thì khi chuyển quyền… phải yêu cầu có đủ chữ ký của các thành viên trong hộ (vợ, chồng và các con), nhiều trường hợp một trong các thành viên đi công tác xa ở nước ngoài thì rất khó khăn để thực hiện thủ tục, phải chờ đợi người thân quay về nhà hoặc xin giấy ủy quyền thông qua đại sứ quán… rất phức tạp.

“Khi cấp đất ở tái định cư, cấp đất sản xuất nông nghiệp theo chính sách đất đai cho dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, người nghèo, trường hợp Nhà nước thu hồi đất… thì có nhiều tình huống gia đình có nhiều thế hệ sinh sống trong một nhà, vậy tiêu chuẩn cấp đất đó cũng cần xác định xem ai được hưởng để sau này phân chia và ghi nhận quyền sử dụng đất cho rõ ràng. Nếu ghi nhận “hộ gia đình” hoặc ghi tên người đại diện thì sau dễ dẫn đến tranh chấp, nhất là thừa kế, và phát sinh các thủ tục phức tạp, kéo dài”, GS.TS Phạm Văn Điển phân tích.

Từ các phân tích đã nêu, vị chuyên gia này kiến nghị, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nên bỏ đối tượng sử dụng đất là “hộ gia đình”. Đối với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp theo “hộ gia đình” thì cho phép người sử dụng đất cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để ghi nhận theo cách liệt kê những cá nhân có quyền sử dụng đất chung trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như tại khoản 5 Điều 143 Dự thảo Luật.

Tuy nhiên, nên bỏ đoạn: “Trường hợp các thành viên có chung quyền sử dụng đất của “hộ gia đình” có nhu cầu thì cấp một Giấy chứng nhận ghi tên đại diện “hộ gia đình” trên Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện hộ gia đình” để tránh sau này phát sinh yêu cầu cấp cho “hộ gia đình”.

Đồng tình với quan điểm đã nêu, nhiều ý kiến cũng cho rằng, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bỏ đối tượng sử dụng đất “hộ gia đình” là phù hợp. Bởi, Luật (sửa đổi) quy định chuyển tiếp đối với “hộ gia đình” có sổ trước ngày Luật này có hiệu lực thì sẽ được cấp đổi ghi tên tất cả các thành viên hộ vào sổ nếu có nhu cầu. Do đó, việc xác định các thành viên có chung quyền sử dụng đất của “hộ gia đình” để ghi tên trên sổ do các thành viên này tự thỏa thuận và chịu trách nhiệm trước pháp luật, tránh dẫn đến những tranh chấp, khiếu kiện sau này.

Có thể bạn quan tâm

  • Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Băn khoăn cơ chế giải quyết tranh chấp

    Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Băn khoăn cơ chế giải quyết tranh chấp

    04:20, 02/03/2023

  • Luật Đất đai (sửa đổi): Cần thiết định giá đất độc lập

    Luật Đất đai (sửa đổi): Cần thiết định giá đất độc lập

    03:00, 02/03/2023

  • Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Giúp khai thác hiệu quả nguồn lực đất nông nghiệp

    Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Giúp khai thác hiệu quả nguồn lực đất nông nghiệp

    04:00, 01/03/2023

  • Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Gỡ vướng trong việc giao đất, cho thuê đất

    Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Gỡ vướng trong việc giao đất, cho thuê đất

    11:30, 28/02/2023

  • Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần công khai, minh bạch về định giá đất

    Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần công khai, minh bạch về định giá đất

    04:00, 28/02/2023

GIA NGUYỄN