Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Quy hoạch đất phải bám sát quy hoạch giao thông, đô thị
Để tạo sự đồng bộ, góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), chuyên gia cho rằng, cần có 2 Chương quy định riêng về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và thu hồi đất giao thông…
>> Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Nên bỏ đối tượng sử dụng đất là “hộ gia đình”
Theo đó, xoay quanh nội dung Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), vấn đề về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhận được nhiều sự quan tâm. Đặc biệt, trước hiện trạng ùn tắc giao thông tại nhiều đô thị đã và đang gây bức xúc dư luận thời gian qua, các chuyên gia cho rằng, cần làm rõ nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trong đó, quy hoạch đất đai phải lấy giao thông làm xương sống.
Góp ý Dự thảo Luật (sửa đổi), PGS.TS Doãn Minh Tâm - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Giao thông Vận tải cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến việc ùn tắc nhiều năm nay chưa được giải quyết triệt để là do thiếu quy hoạch giao thông vận tải bài bản và chưa có quy chuẩn đối với đơn vị, tổ chức tư vấn lập quy hoạch giao thông.
Theo ông Tâm, từ thời Pháp, Thủ đô Hà Nội đã được quy hoạch, phân biệt rõ các tuyến đường chính, phụ. Các tuyến chính như: Trần Hưng Đạo, Bà Triệu... là trục chính lớn, các tuyến phụ nhỏ hơn. Nhưng hiện nay, phát triển kinh tế - xã hội, đòi hỏi phải mở rộng các tuyến đường, song vô hình trung xảy ra tình trạng, các tuyến phố đều trở thành trục chính. Đáng nói, các tuyến chính lại bị cắt bởi vô vàn các ngõ, phố nhỏ, điều này tạo ra sự xung đột giao thông, khiến vấn đề giải quyết ùn tắc đặt ra từ lâu chưa được giải quyết.
Bên cạnh đó, tình trạng mở rộng đường gặp nhiều khó khăn, tốn kém do phải giải tỏa nhiều khu dân cư đã ổn định, ảnh hưởng đến đời sống an sinh xã hội.
Do đó, ông Tâm cho rằng, Điều 60, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định, “nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất” một cách chung chung với các ngành là chưa đủ. Cần có 2 chương quy định riêng về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và thu hồi đất giao thông. Bởi, việc đền bù, thu hồi đất phát triển giao thông được nhân dân đồng thuận cao, ủng hộ và có vai trò to lớn với phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, quy định quy hoạch đất giao thông phải đồng bộ, tầm nhìn dài hạn từ cao tốc, quốc lộ cho đến đường làng, ngõ xóm. Khi quy hoạch phải quy hoạch luôn phần đất đường dành cho xe 2 bánh 2 bên, không quy hoạch đơn lẻ, tập trung một vài dự án, thực hiện xong dự án đó thì thôi.
>> Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Băn khoăn cơ chế giải quyết tranh chấp
“Cần quy định, quy hoạch đất giao thông đồng bộ, dài hạn. Tránh tình trạng quy hoạch manh mún, cho người dân xây dựng nhà an yên, xong lại vẽ quy hoạch, phá ra làm đường, gây ảnh hưởng đến đời sống an sinh xã hội và tốn kém kinh phí đầu tư”, ông Tâm nhấn mạnh.
Cũng theo ông Tâm, cần xây dựng quy chuẩn về điều kiện, chức năng, năng lực... đối với đơn vị, tổ chức tư vấn quy hoạch. Bởi, hiện nay quy chuẩn đối với đơn vị, tổ chức lập quy hoạch chưa có, dẫn đến tình trạng “năm cha, ba mẹ”, tư vấn thủy lợi, nông nghiệp, xây dựng, thực phẩm đều tư vấn quy hoạch giao thông. Các tổ chức tư vấn quy hoạch giao thông không có chuyên môn cao, dẫn đến tư vấn giao thông méo mó, không đồng nhất.
Đồng tình với quan điểm đã nêu, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến - nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cũng cho rằng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ ra 2 quy hoạch quan trọng có liên quan đến nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đó là: Quy hoạch về giao thông, vận tải với 5 quy hoạch ngành Giao thông và xem đây là xương sống để từ quy hoạch này mở ra vấn đề giá trị đất đai tăng lên và phát triển kinh tế - xã hội sẽ mở theo. Do đó, quy hoạch đất đai chắc chắn phải dựa vào và gắn kết chặt chẽ với quy hoạch giao thông;
Quy hoạch mang tính không gian như quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định, ở nơi nào đã có quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn đã được phê duyệt thì không cần làm cụ thể quy hoạch đất đai mà quy hoạch đất đai chỉ sử dụng các tiêu chí về phân bổ, sử dụng đất hợp lý thông qua kế hoạch sử dụng đất, tức là thông qua việc huy động nguồn lực, việc chuyển đổi lực lượng sản xuất cho phù hợp...
“Việc tiếp cận theo hướng trên là khá chính xác và hợp lý, vì Luật Đất đai phải đảm bảo thống nhất, đồng bộ, không mâu thuẫn với các luật khác. Tuy nhiên, nội dung có liên quan đến quy hoạch, kế hoạch của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lại thể hiện rất ít các quan điểm trên. Ví dụ: Nguyên tắc lập quy hoạch (Điều 60) hầu như không làm rõ tuân thủ quy định nào có liên quan đến quy hoạch về giao thông hay quy hoạch mang tính không gian? Liên quan đến quy hoạch đô thị chỉ thể hiện tại khoản 3, Điều 65: “Quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất ở cấp huyện” là chưa đầy đủ”, ông Tiến nhận định.
Do đó ông Tiến đề xuất, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần bám sát vào định hướng của Bộ Tài nguyên và Môi trường trước đó, làm rõ tuân thủ quy định nào có liên quan đến quy hoạch về giao thông hay quy hoạch mang tính không gian. Đồng thời, bổ sung quy định, đối với các thành phố trực thuộc Trung ương có quy hoạch chung được lập và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì không nhất thiết phải lập quy hoạch sử dụng đất vào Điều 64: “Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh”.
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Nên bỏ đối tượng sử dụng đất là “hộ gia đình”
04:30, 03/03/2023
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Băn khoăn cơ chế giải quyết tranh chấp
04:20, 02/03/2023
Luật Đất đai (sửa đổi): Cần thiết định giá đất độc lập
03:00, 02/03/2023
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Giúp khai thác hiệu quả nguồn lực đất nông nghiệp
04:00, 01/03/2023
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Gỡ vướng trong việc giao đất, cho thuê đất
11:30, 28/02/2023