Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Băn khoăn quy định cho tặng, thừa kế bất động sản với kiều bào
Dù đánh giá cao những đổi mới, tiến bộ của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về việc sở hữu nhà ở, đất ở với đối tượng là kiều bào, tuy nhiên, nhiều ý kiến còn băn khoăn về quy định thừa kế, cho tặng,…
>> Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Quy hoạch đất phải bám sát quy hoạch giao thông, đô thị
Theo đó, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có nhiều điểm mới trong việc quy định về quản lý, sử dụng đất liên quan đến nước ngoài trong chính sách, pháp luật đất đai hiện hành, như việc kiều bào chỉ được mua một nhà ở hoặc một căn hộ chung cư, thì nay không còn bị hạn chế số lượng nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam. Đồng thời, Dự thảo cũng đã tháo gỡ những hạn chế còn tồn tại về vấn đề đất ở là quyền sử dụng đất mà chưa có công trình nhà ở bên trên và đưa vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), cụ thể ở Điều 30 và Điều 47.
Đánh giá về những nội dung đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, việc Nhà nước tạo điều kiện cho kiều bào sở hữu nhà ở, đất ở là việc rất cần thiết. Đây là nguồn thu hút ngoại tệ đầu tư vô cùng hiệu quả vào xây dựng đất nước, kiều bào phát triển bất động sản còn góp phần đóng thuế và phát triển các dịch vụ liên quan. Nhà ở, đất ở là bất động sản, là tài sản cố định, nên bà con kiều bào sở hữu tài sản này cũng nằm ở trong nước và ít có rủi ro.
Thông tin tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hồ Chí Minh tổ chức, ông Đặng Thanh Bình - Phó ban Liên lạc kiều bào quận 1 cho biết, hiện có khoảng 5,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài. Trong số đó, rất nhiều người, đặc biệt từ 60 tuổi trở lên (chiếm 20% tổng số kiều bào) muốn trở về quê hương sinh sống. Việc sửa đổi Luật Đất đai đang được dư luận kiều bào đặc biệt quan tâm.
Theo ông Bình, so với Luật Đất đai hiện hành, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có nhiều điểm mới trong việc quy định về quản lý, sử dụng đất liên quan đến nước ngoài. Từ chỗ kiều bào chỉ được mua một nhà ở hoặc một căn hộ chung cư, nay không còn bị hạn chế số lượng nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
>> Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Nên bỏ đối tượng sử dụng đất là “hộ gia đình”
Cụ thể, điểm G khoản 1 Điều 30 của dự thảo Luật nêu rõ quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được phép sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở được mua, thuê, nhận thừa kế, nhận nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất, hoặc nhận quyền sử dụng đất ở. Theo đó, người Việt Nam định cư ở nước ngoài không bị giới hạn việc nhận quyền sử dụng đất ở trong các dự án phát triển như quy định tại Luật Đất đai năm 2013.
“Việc Nhà nước tạo điều kiện cho kiều bào sở hữu nhà ở, đất ở là bước tiến lớn để người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quyền bình đẳng như các nhà đầu tư trong nước, góp phần giúp người Việt Nam định cư ở nước ngoài có thêm cơ hội tiếp cận đất đai để “an cư lạc nghiệp,” gắn bó nhiều hơn với quê hương. Kiều bào sở hữu bất động sản còn góp phần đóng thuế và phát triển các ngành dịch vụ liên quan”, ông Bình bày tỏ.
Cũng theo ông Bình, tuy Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định kiều bào được mua nhà đã giải quyết được một phần nhu cầu về chỗ ở của kiều bào, nhưng số lượng dự án, khu đô thị mới lại có hạn, đôi khi giá quá cao, không phù hợp với túi tiền hoặc địa điểm không thuận tiện, không đáp ứng mong muốn được ở gần thân nhân của kiều bào.
Bên cạnh đó, việc thừa kế, cho tặng bất động sản với kiều bào không được quy định trong luật cũng là một yếu tố chưa phù hợp, vì có nhiều trường hợp kiều bào ra nước ngoài làm việc, sinh sống, có quốc tịch nước ngoài nhưng bố, mẹ, gia đình vẫn sống ở Việt Nam. Khi bố mẹ, người thân muốn chia, tặng đất ở, nhà ở cho kiều bào ở nước ngoài thì gặp khó khăn do luật không quy định.
Từ đó, ông Bình đề nghị, Dự thảo Luật (sửa đổi) cần bổ sung quy định về việc mua, tặng nhà ở, đất ở đối với kiều bào cũng như mở rộng diện đất ở, nhà ở kiều bào được mua, tặng. Điều này sẽ giúp đáp ứng được nhu cầu của kiều bào về nhà ở trong nước, vừa thu hút được nguồn vốn lớn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển.
Còn theo TS Nguyễn Vinh Huy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, chính sách về đất đai hiện tại chỉ mới tạo điều kiện cho kiều bào mua nhà để ở, chưa cho phép việc kinh doanh, trong khi nhu cầu mua bất động sản để kinh doanh của kiều bào tại Việt Nam rất cao. Cụ thể, quy định tại khoản 2 Điều 11 Luật Kinh doanh bất động sản hiện hành cũng nêu rõ, chủ thể là người Việt Nam định cư ở nước ngoài không được mua nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua với tính cách là một giao dịch kinh doanh bất động sản.
Ông Huy cho rằng, nguồn lực của kiều bào đối với thị trường bất động sản của Việt Nam có rất nhiều tiềm năng. Mỗi năm kiều hối chuyển về Việt Nam gần 20 tỷ USD, nếu hạn chế việc sở hữu bất động sản để kinh doanh của kiều bào tại Việt Nam sẽ làm thất thoát một nguồn ngoại tệ lớn, trong khi thị trường bất động sản trong nước đang gặp khó khăn về vốn.
Từ đó, ông Huy kiến nghị, quá trình sửa đổi Luật Đất đai cùng với sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, cần phải đồng bộ hóa quy định cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài có đủ phạm vi giao dịch bất động sản khi mua nhà để bán, cho thuê như các tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản ở trong nước.
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Quy hoạch đất phải bám sát quy hoạch giao thông, đô thị
04:10, 04/03/2023
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Nên bỏ đối tượng sử dụng đất là “hộ gia đình”
04:30, 03/03/2023
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Băn khoăn cơ chế giải quyết tranh chấp
04:20, 02/03/2023
Luật Đất đai (sửa đổi): Cần thiết định giá đất độc lập
03:00, 02/03/2023
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Giúp khai thác hiệu quả nguồn lực đất nông nghiệp
04:00, 01/03/2023