Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần làm rõ vai trò của từng cấp chính quyền
Để tránh các tiêu cực phát sinh, góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, cần có những quy định cụ thể, rõ ràng hơn về trách nhiệm của từng cấp chính quyền…
>> Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần đảm bảo quyền lợi cho người dân trong thu hồi đất
Với nhiều nội dung mới, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, trong đó có quy định về việc Nhà nước điều tiết thị trường, quyền sử dụng đất (Điều 20). Theo đó, “Nhà nước điều tiết thị trường sử dụng đất theo quy luật cung, cầu của thị trường thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất”.
Đây không phải nội dung mới, bởi hiện nay, Nhà nước vẫn điều tiết quyền sử dụng đất thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất. Nhưng trên thực tế, không ít dự án sau khi đấu giá, giao quyền sử dụng đất bỏ hoang trong nhiều năm, chưa đưa vào sử dụng. Thậm chí, đã có hiện tượng lợi dụng “kẽ hở” của đấu giá quyền sử dụng đất để lướt cọc kiếm lời, thổi giá gây ra hiện tượng sốt ảo, mua ảo…
Trước thực trạng đã nêu, góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cần điều tiết quyền sử dụng đất cần sát với nhu cầu ở thực để giảm sự gây lãng phí nguồn lực đất đai. Đặc biệt, cần có những quy định cụ thể, rõ ràng hơn về trách nhiệm của từng cấp chính quyền, cơ quan quản lý để tránh phát sinh các tiêu cực.
Thông tin với báo chí, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản TP. Hà Nội cho biết, hiện nay, chúng ta vẫn điều tiết quyền sử dụng đất thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm, đấu giá quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, vẫn thiếu đánh giá về nhu cầu sử dụng, nhu cầu ở thực, từ đó dẫn đến việc, nhà nước cứ lập kế hoạch đấu giá, thu tiền đấu giá, còn đất sau đấu giá có đưa vào sử dụng hay không thì không quan tâm. Về phía người dân, người dân dù không có nhu cầu sử dụng nhưng vẫn tham gia đấu giá kiếm một vài lô bỏ đấy, chờ khi lên giá thì bán, chính điều này cũng là nguồn cơn của các vụ thổi giá, đẩy giá.
>> Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần bảo đảm sự thống nhất với Luật Lâm nghiệp
“Nếu như có cơ chế bắt buộc phải khảo sát trước nhu cầu sử dụng, ở thực, từ đó làm cơ sở đấu giá đất, phát triển dự án tương ứng theo nhu sẽ đáp ứng được cân bằng cung - cầu; ngăn chặn tình trạng mua đất nhưng không sử dụng ngay từ khi làm dự án. Tiếp sau đó mới đến giải pháp đánh thuế cao đối với những người cố tình mua rồi bỏ hoang không đưa vào sử dụng. Khi thực hiện được đồng bộ cơ chế quản lý đất đai thì Luật Đất đai được áp dựng mềm dẻo, điều tiết, phân bổ hợp lý, ổn định và bền vững”, ông Điệp bày tỏ.
Từ đó, ông Điệp cho rằng, song song với quy định Nhà nước điều tiết quyền sử dụng đất, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần bổ sung vào đó cơ chế bắt buộc khảo sát, nghiên cứu nhu cầu sử dụng, nhu cầu ở thực dự trên các tiêu chí về dân số địa phương, độ tuổi có nhu cầu ở riêng, thu nhập bình quân của địa phương... làm cơ sở xây dựng kế hoạch sử dụng đất hàng năm, cơ sở đấu giá đất...
Đồng thời, cần quy định cụ, rõ ràng hơn nữa về trách nhiệm của lãnh đạo địa phương, quận, huyện, cán bộ tham mưu, tổ chức xây dựng kế hoạch sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất để nâng cao tin thần trách nhiệm, chất lượng quản lý, sử dụng đất.
Xoay quanh nội dung này, trước đó, phát biểu tại Tọa đàm góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ngày 4/3, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức, Chủ tịch Quốc hội - Vương Đình Huệ cũng nhắc tới nhóm nội dung quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các chủ thể trong quan hệ pháp luật về đất đai, nhất là vấn đề minh định rõ giữa đại diện chủ sở hữu về đất đai với quản lý Nhà nước về đất đai; giữa quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của từng chủ thể. Bên cạnh đó là cơ chế kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực đất đai để góp phần ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong lĩnh vực đất đai.
Cụ thể, theo Chủ tịch Quốc hội, trong 3 cấp chính quyền địa phương thì cấp xã là cấp sát với dân nhất, nhưng cả HĐND và UBND cấp xã đều chưa được đề cập trong Dự thảo Luật; vai trò của từng cấp chính quyền địa phương cũng chưa đủ rõ.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là vấn đề lớn cả về lý luận và thực tiễn. Bởi, đất đai là tài sản đặc biệt, có giá trị và ý nghĩa lớn trong phát triển kinh tế - xã hội và mọi mặt của đời sống xã hội. Đây cũng là một trong những lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao và nghiêm trọng nhất. Hiện có khoảng 70% khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai, nhất là các vụ việc phức tạp, kéo dài.
“Do vậy, khi thiết kế các quy định của Luật Đất đai phải bảo đảm nguyên tắc phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát khoa học, hiệu quả giữa các cơ quan chủ thể có trách nhiệm trong quản lý Nhà nước”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần đảm bảo quyền lợi cho người dân trong thu hồi đất
04:00, 07/03/2023
Cụ thể hóa “quyền bề mặt” trong Luật Đất đai sửa đổi
11:30, 06/03/2023
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần bảo đảm sự thống nhất với Luật Lâm nghiệp
04:10, 06/03/2023
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần rút gọn thủ tục hành chính
15:00, 05/03/2023
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Băn khoăn quy định cho tặng, thừa kế bất động sản với kiều bào
04:00, 05/03/2023