Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Bảo đảm quyền bình đẳng giới trong quản lý, sử dụng đất đai
Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất như dự thảo Luật Đất đai sửa đổi thì việc bảo đảm quyền lợi của người dân trong công tác thu hồi đất đang gây bất lợi cho nữ nhiều hơn nam.
>>>Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần đảm bảo quyền lợi cho người dân trong thu hồi đất
>>>Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần bảo đảm sự thống nhất với Luật Lâm nghiệp
Mới đây, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nam Định và các tổ chức thành viên đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.
Tại hội nghị nhiều ý kiến cho rằng, về chính sách đất đai đối với phụ nữ, trong hồ sơ Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cũng đã có báo cáo đánh giá cụ thể việc lồng ghép giới. Cơ quan soạn thảo đã kế thừa Luật Đất đai năm 2013 về quyền sử dụng đất mang tên vợ và chồng; kế thừa và làm rõ hơn các quyền tham gia ý kiến trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng dất, bảng giá đất tại địa phương; xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; quyền phản ánh sai phạm trong sử dụng đất đai, quyền được tiếp cận đất đai…
Tuy nhiên, bà Lê Thị Thúy Nhài - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nam Định cho rằng, quy định tại Chương VII quy định về “Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất” như dự thảo Luật thì việc bảo đảm quyền lợi của người dân trong công tác thu hồi đất đang gây bất lợi cho nữ nhiều hơn nam. Trên thực tế, tại thời điểm hộ dân được giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất, những trẻ em gái và phụ nữ chưa kết hôn đang ở với cha mẹ thì có quyền sử dụng đất chung trong hộ gia đình của cha mẹ. Tuy nhiên, phụ nữ sau khi lấy chồng, về sống trong gia đình nhà chồng, họ không phải là người có quyền sử dụng đất chung với gia đình nhà chồng. Mặc dù họ có thể là người sử dụng đất chính (theo đúng nghĩa đen của từ này). Trường hợp con dâu trong gia đình không được hưởng quyền thừa kế liên quan đến đất đai của gia đình nhà chồng là một bất cập.
>>>Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần rút gọn thủ tục hành chính
>>>Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Băn khoăn quy định cho tặng, thừa kế bất động sản với kiều bào
Bà Nhài đưa ra ví dụ, bố mẹ chồng già yếu, chồng đi làm ăn xa, con dâu là người trực tiếp khai thác sử dụng đất cho các hoạt động như cày cấy, chăn nuôi, trồng trọt… trên đất mà hộ gia đình nhà chồng có quyền sử dụng đất hoặc con dâu là người tạo ra thu nhập chính cho gia đình từ việc khai thác và sử dụng phần đất đó nhưng lại không có tên trong danh sách có quyền sử dụng về mặt pháp lý.
Bên cạnh đó, bà Nhài cho rằng, quy định việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, bảo đảm thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ tại Khoản 2 Điều 89 đúng, nhưng chưa đủ để bảo đảm bình đẳng giới. Vì chủ thể được bồi thường là người có đất bị thu hồi. Trong trường hợp con dâu hoặc con rể (trên thực tế chủ yếu là con dâu) sống chung với gia đình nhà chồng hoặc nhà vợ - người trực tiếp sử dụng đất bị thu hồi - bị mất nguồn sinh kế, bị loại khỏi các chính sách bồi thường cũng như hỗ trợ của Nhà nước, khi Nhà nước thu hồi đất là một bất cập.
Do vậy, bà Nhài đề nghị mở rộng chủ thể được hưởng chính sách bồi thường và hỗ trợ đến những người trực tiếp sử dụng đất hợp pháp, hay có sự ảnh hưởng trực tiếp khi bị thu hồi đất.
Ngoài ra nhiều ý kiến còn cho rằng quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ thông qua hoạt động cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) là yếu tố quan trọng đảm bảo thực hiện quyền bình đẳng giới. Tuy nhiên, việc triển khai quy định này còn nhiều vướng mắc, bất cập. Điều bất cập là tình trạng đứng tên một bên trên giấy tờ cũng như giao dịch về đất, nhà vẫn phổ biến, nhất là ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã dẫn đến sự bất bình đẳng về quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ so với nam giới. Hệ quả là bất cập từ những quan niệm trong gia đình và xã hội nên người phụ nữ dễ mất quyền với đất đai trong phần lớn trường hợp, nhất là khi vợ chồng ly hôn.
Từ những bất cập trên, các đại biểu cho rằng Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần làm rõ hơn nội dung về quyền bình đẳng giới trong quản lý, sử dụng đất đai. Đồng thời đề nghị bổ sung giao Chính phủ quy định theo hướng kiên quyết thực hiện cấp đổi từ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi họ, tên của cả vợ và chồng. Theo quy định hiện hành, trường hợp quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ, chồng mà trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp chỉ ghi tên một người thì công dân thực hiện thủ tục “cấp đổi” để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi họ, tên của cả vợ và chồng.
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần đảm bảo quyền lợi cho người dân trong thu hồi đất
04:00, 07/03/2023
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần bảo đảm sự thống nhất với Luật Lâm nghiệp
04:10, 06/03/2023
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần rút gọn thủ tục hành chính
15:00, 05/03/2023
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Băn khoăn quy định cho tặng, thừa kế bất động sản với kiều bào
04:00, 05/03/2023