Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Làm rõ quy định đất sử dụng đa mục đích

Bài: GIA NGUYỄN - Ảnh: QUỐC TUẤN 12/03/2023 04:00

Để đảm bảo tính khả thi khi áp dụng trong thực tế, góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, quy định về đất sử dụng đa mục đích cần được cụ thể, chi tiết...

>> Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần chế tài xử lý việc bưng bít… thông tin

Theo đó, tại Điều 209, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đề xuất nguyên tắc sử dụng đất đa mục đích là không làm thay đổi mục đích sử dụng đất chính; không làm ảnh hưởng đến việc bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường; không làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của các thửa đất liền kề,...

Điều 209, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đề xuất nguyên tắc sử dụng đất đa mục đích - Ảnh minh họa

Điều 209, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đề xuất nguyên tắc sử dụng đất đa mục đích - Ảnh minh họa

Đây là lần đầu tiên, các quy định về quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích, đất ở kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất quốc phòng, an ninh kết hợp với kinh tế; đất dự án du lịch có yếu tố tâm linh… được thể chế hóa trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên theo Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/6/2022.

Xoay quanh các nội dung đã nêu, nhiều ý kiến đề nghị, cần làm rõ quy định đất sử dụng đa mục đích là gì, nguyên tắc để xác định đất sử dụng đa mục đích,...

Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), PGS. TS Nguyễn Quang Tuyến - Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội kiến nghị, đất di tích lịch sử là gì, đất tôn giáo là gì, đất tín ngưỡng là gì, đất y tế là gì cần phải được định danh. Ngoài ra, còn cần định danh đất di tích lịch sử, đất tôn giáo, đất y tế… và khi hiểu rõ như thế nào mới đi vào chế định và sử dụng.

>> Luật Đất đai sửa đổi - Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận đất đai

Các chuyên gia cho rằng, các quy định về đất sử dụng đa mục đích cần được cụ thể, chi tiết - Ảnh minh họa

Các chuyên gia cho rằng, các quy định về đất sử dụng đa mục đích cần được cụ thể, chi tiết - Ảnh minh họa

Đồng quan điểm đã nêu, PGS.TS Nguyễn Thị Nga - Phó Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Đai học Luật Hà Nội cũng cho rằng, nếu quy định đất sử dụng đa mục đích sẽ có cơ chế pháp lý điều tiết nguồn thu rất cụ thể rõ ràng. Tránh tình trạng việc đánh đồng giữa đất với mục đích chính là nông nghiệp, nhưng lợi nhuận thực tế lại được tạo ra rất lớn, từ đó có thể giải quyết được những tồn tại lịch sử, tận dụng nguồn thu.

Còn theo ông Nguyễn Văn Huệ - Trưởng ban Nghiên cứu chính sách - pháp luật, Hội Luật gia Việt Nam, về đất sử dụng đa mục đích, cần xây dựng khái niệm đất sử dụng đa mục đích đầy đủ hơn, bổ sung cụ thể thêm về “đất ở kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất dự án du lịch cố yếu tố tâm linh...” theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra, theo đó, cần quy định cụ thể các loại đất có thể kết hợp mục đích sử dụng và các nội dung này trong các điều về đất sử dụng đa mục đích; đất thương mại, dịch vụ; đất ở tại nông thôn; đất nông nghiệp, đất tôn giáo.

Theo các chuyên gia, đây là lần đầu tiên, quy định về Đất sử dụng đa mục đích được đưa vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Vì vậy, cần làm rõ nguyên tắc để xác định đất sử dụng đa mục đích và cần có quy định cụ thể đối với các loại đất có thể kết hợp mục đích sử dụng; thời hạn sử dụng đất đa mục đích trong trường hợp các loại đất trên cùng một thửa đất có thời hạn sử dụng khác nhau… nhằm phát huy tối đa mục đích sử dụng đất.

Trong đó, cần có những quy định cụ thể để đất sử dụng đa mục đích phân định được ranh giới sử dụng giữa các mục đích trên thực địa; đất sử dụng kết hợp có thể phân định được ranh giới rõ ràng giữa các mục đích trên thực địa. Khu vực nào có đất sử dụng đa mục đích thì phải xác định được nghĩa vụ tài chính,… Chẳng hạn, một số khu vực đầu tư kết hợp đất giáo dục và nhà ở, nếu được quy định là đất sử dụng hỗn hợp, xác định nghĩa vụ tài chính, thời hạn sử dụng đất như thế nào? Người sử dụng đất ở chỉ phải nộp tiền sử dụng đất một lần và sử dụng lâu dài, còn cơ sở giáo dục - đào tạo sẽ phải nộp tiền thuê đất (một lần hoặc hàng năm) và là loại đất được giao sử dụng có thời hạn, khi cả hai mục đích sử dụng cùng được xác định trên một thửa đất thì các vấn đề trên sẽ được giải quyết như thế nào, làm sao xác định đâu là mục đích sử dụng chính?

Đối với đất tôn giáo, một số cơ sở tôn giáo đang sử dụng một phần đất đai để tổ chức trường học, cơ sở từ thiện, khám chữa bệnh… sẽ phải được tính toán rất cụ thể. Đất sử dụng đa mục đích, trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi như thế nào? Việc xác định một thửa đất là đất đa mục đích do ai quyết định, vào thời điểm nào, người dân có thể đăng ký chuyển đổi mục đích sử dụng đất khi được giao, nhận chuyển nhượng cho những thửa mới, hay công nhận hiện trạng đang sử dụng, hay đến khi có biến đổi về sử dụng đất, văn phòng đăng ký đất đai mới xác nhận?...

“Nói chung, đất sử dụng đa mục đích liên quan đến đất giáo dục, văn hóa, du lịch, tôn giáo rất phức tạp, nhưng Điều 209 Dự thảo Luật hiện khá chung chung, chỉ quy định đất sử dụng đa mục đích là gì, nguyên tắc để xác định đất sử dụng đa mục đích. Cho dù giao cho Chính phủ quy định chi tiết Điều này, nhưng những nội dung cơ bản phải rõ để Chính phủ có căn cứ hướng dẫn thực hiện”, các chuyên gia nhận định.

Có thể bạn quan tâm

  • Luật Đất đai sửa đổi: Cần tăng hạn điền cho nông nghiệp quy mô lớn

    Luật Đất đai sửa đổi: Cần tăng hạn điền cho nông nghiệp quy mô lớn

    04:00, 11/03/2023

  • Luật Đất đai sửa đổi: Bất cập chính sách miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất

    Luật Đất đai sửa đổi: Bất cập chính sách miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất

    11:19, 10/03/2023

  • Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần chế tài xử lý việc bưng bít… thông tin

    Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần chế tài xử lý việc bưng bít… thông tin

    03:30, 10/03/2023

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Báo chí ưu tiên thời lượng phổ biến nội dung dự thảo Luật đất đai (sửa đổi)

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Báo chí ưu tiên thời lượng phổ biến nội dung dự thảo Luật đất đai (sửa đổi)

    21:49, 09/03/2023

  • Góp ý dự thảo Luật Đất đai: Làm sao để tổ chức giáo dục có đất làm trường?

    Góp ý dự thảo Luật Đất đai: Làm sao để tổ chức giáo dục có đất làm trường?

    11:00, 09/03/2023

Bài: GIA NGUYỄN - Ảnh: QUỐC TUẤN