Để bảo đảm quyền tiếp cận của tổ chức, cá nhân đối với hệ thống thông tin đất đai, góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), chuyên gia kiến nghị, cần có chế tài cụ thể để xử lý việc bưng bít thông tin…
>> Luật Đất đai sửa đổi - Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận đất đai
Theo đó, mặc dù quyền tiếp cận hệ thống thông tin đất đai đã được quy định cụ thể trong Luật Đất đai hiện hành, tuy nhiên, trên thực tế thời gian qua, việc tiếp cận thông tin quy hoạch đất đai của người dân được phản ánh còn gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, tại Điều 28 Luật Đất đai năm 2013 quy định, Nhà nước xây dựng, quản lý hệ thống thông tin đất đai và bảo đảm quyền tiếp cận của tổ chức, cá nhân đối với hệ thống thông tin đất đai. Cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong quản lý, sử dụng đất đai có trách nhiệm tạo điều kiện, cung cấp thông tin về đất đai cho tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Mặc dù, việc tiếp cận thông tin đất đai nói chung và thu hồi đất nói riêng trong những năm gần đây đã được cải thiện, tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định. Đáng chú ý, người dân chưa thực sự hiểu rõ cách thức để tiếp cận thông tin trên trang thông tin điện tử của các cơ quan có thẩm quyền; thông tin đăng tải đôi khi còn mập mờ, chưa rõ ràng để mọi người có thể tiếp cận.
Đặc biệt, chế tài đối với các trường hợp bưng bít, gây khó dễ khi người dân muốn tìm hiểu thông tin về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vẫn chưa cụ thể, rõ ràng.
Từ thực tế đã nêu, góp ý trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), một số chuyên gia cho rằng, đối với thị trường bất động sản, thông tin có giá trị rất lớn. Tuy nhiên, tính công khai hiện chưa cao, mức độ tiếp cận của người dân đối với việc quy hoạch hay giá đất vẫn rất mập mờ. Chính vì vậy, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu thật chi tiết để người dân tiếp cận thông tin đầy đủ, chính xác.
>> GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI: 7 giải pháp gỡ khó trong thu hồi đất
Thông tin với báo chí, ông Phan Văn Lâm - Viện Nghiên cứu Pháp luật và Kinh tế ASEAN cho biết, việc làm cho nhân dân tiếp cận với quy hoạch sử dụng đất đai là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai. Và để nhân dân được tiếp cận dễ dàng thì cần phổ biến tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên cổng thông tin điện tử của các cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai...
Đặc biệt, cần xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức vi phạm về công khai, minh bạch thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai.
Xoay quanh nội dung Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi, mặc dù quyền tiếp cận thông tin đất đai một lần nữa được đưa vào. Tuy nhiên, theo Luật sư Nguyễn Huy An - Đoàn luật sư TP. Hà Nội, khoản 4 Điều 33 có quy định: “Việc tiếp cận thông tin đất đai theo quy định của Luật này và pháp luật về tiếp cận thông tin” cần phải được mở rộng hơn.
“Bởi, nếu quy định theo hướng liệt kê “đóng” các thông tin mà công dân có quyền tiếp cận như Dự thảo là chưa phù hợp với nguyên tắc của pháp luật về tiếp cận thông tin”, Luật sư Nguyễn Huy An chia sẻ.
Cũng theo vị chuyên gia này, Điều 26 Dự thảo đã quy định trách nhiệm của Nhà nước trong việc cung cấp thông tin đất đai. Tuy nhiên, cần làm rõ quy định không được cung cấp là những thông tin nào, tránh trường hợp các cơ quan có thẩm quyền lợi dụng quy định này để từ chối cung cấp thông tin.
Bên cạnh những ý kiến đã nêu, dẫn khảo sát của Hiệp hội về giá đất trước và sau khi có dự án bất động sản chênh từ 50 đến 700 lần, bà Doãn Thị Hồng Nhung - Phó ban Pháp chế Hiệp hội Bất động sản Việt Nam kiến nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu chi tiết và quy định rõ việc công bố thông tin vì thời điểm công bố gắn liền với nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp khi thực hiện dự án phải thu hồi đất. Việc công khai thông tin cũng cần đặt dưới sự giám sát của người dân, báo chí và cơ quan thanh tra.
Còn theo, PGS.TS Phạm Hữu Tiến - nguyên Viện trưởng Viện Thông tin khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là nội dung người dân quan tâm nhất, mong muốn được biết vì liên quan đến cuộc sống của họ. Trong khi thực tế cho thấy, việc khoanh vùng để làm đất quy hoạch, xây dựng kế hoạch sử dụng đất “hầu như không ai biết”, cũng “không thể hiện được tính khách quan, phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế xã hội”.
“Việc quy hoạch sử dụng đất ở nhiều địa phương đang rất chủ quan, chưa thực sự công tâm, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của địa phương. Một số dự án bị chi phối không minh bạch, nhất là trong dự án thu hồi đất, tái định cư”, vị chuyên gia này đánh giá.
Từ đó, ông Tiến đề nghị, cơ quan soạn thảo làm rõ hiệu quả của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từ trước đến nay, đồng thời giải thích nguyên nhân nhiều dự án sau quy hoạch hàng chục năm vẫn chưa đưa đất vào sử dụng. Đồng thời, Dự thảo cần bổ sung thiết chế công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; có biện pháp giảm thiểu tác động bởi nguyện vọng, động cơ, lợi ích không chính đáng; đảm bảo quy hoạch đúng mục đích an ninh quốc phòng và kinh tế xã hội.
“Dự luật cần bổ sung quy định xử lý đối với cơ quan quản lý Nhà nước cố tình không thực hiện nghĩa vụ công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hoặc để tình trạng tiêu cực xảy ra”, ông Tiến bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm
Góp ý dự thảo Luật Đất đai: Làm sao để tổ chức giáo dục có đất làm trường?
11:00, 09/03/2023
Cộng đồng doanh nghiệp góp ý về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
00:07, 09/03/2023
Luật Đất đai sửa đổi - Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận đất đai
12:08, 08/03/2023
Luật Đất đai sửa đổi: Bổ sung quy định quản lý và sử dụng đất lấn biển
11:10, 08/03/2023
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Bảo đảm quyền bình đẳng giới trong quản lý, sử dụng đất đai
08:00, 08/03/2023