Đây là chia sẻ của Phó Thủ tướng Chính phủ - Trần Hồng Hà tại Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do VCCI và Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức sáng 8/3...
>> GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI: 7 giải pháp gỡ khó trong thu hồi đất
Theo đó, nhằm tiếp thu thêm những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, doanh nghiệp hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), sáng ngày 8/3/2023, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp tổ chức “Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)”. Chủ trì và tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và lãnh đạo Uỷ ban Kinh tế, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, một số bộ, ngành, hiệp hội, các doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch VCCI - Phạm Tấn Công cho biết, đất đai là tài sản thiêng liêng của mỗi quốc gia, dân tộc, của mỗi gia đình, cá nhân và doanh nghiệp, do đó Luật Đất đai có vai trò đặc biệt quan trọng, được cả xã hội quan tâm.
Tuy nhiên, pháp luật đất đai năm 2013 vẫn còn tồn tại những bất cập liên quan đến một số vấn đề công khai minh bạch kế hoạch sử dụng đất, thủ tục hành chính liên quan đến đất đai… tạo ra những bất an cho doanh nghiệp và người dân.
“Nhận thức sâu sắc vai trò của thể chế, chính sách trong khơi thông nguồn lực, trong đó có đất đai, xem đây là chìa khóa xây dựng đất nước giàu mạnh, Đảng, Nhà nước đã ban hành chính sách lớn về đất đai… hoàn thiện thể chế về đất đai đóng vai trò quan trọng. Tôi rất mong các doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia, các nhà khoa học sẽ có những góp ý cụ thể, xuất phát từ thực tiễn để đóng góp cho cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện chính sách về đất đai”, Chủ tịch Phạm Tấn Công chia sẻ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là nhiệm vụ lập pháp quan trọng trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Đây là dự án luật có phạm vi tác động rất rộng, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, mọi tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân. Yêu cầu đặt ra là sửa đổi toàn diện luật để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, khắc phục được những bất cập của Luật Đất đai năm 2013 sau 10 năm thực hiện; tháo gỡ khó khăn vướng mắc cản trở sự phát triển của đất nước.
Nguyên tắc xuyên suốt để hoàn thiện các quy định của Luật Đất đai là không gây ách tắc trong thực hiện và không tạo lỗ hổng gây ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực khi triển khai luật; khắc phục hạn chế, bất cập trước đây đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013.
Sửa đổi Luật Đất đai cần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa người sử dụng đất, Nhà nước và nhà đầu tư, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người sử dụng đất; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với hoàn thiện các quy định về kiểm tra, giám sát, bảo đảm tính nghiêm minh, hiệu lực, hiệu quả của pháp luật về đất đai.
Thông tin tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trần Hồng Hà cũng cho biết, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được tổ chức lấy ý kiến nhân dân là sản phẩm tập hợp trí tuệ của hệ thống chính trị, trong đó có sự tham gia rất tích cực của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần làm rõ những điều kiện thuận lợi của Dự thảo luật để tất cả doanh nghiệp có thể tiếp cận đất đai công bằng, sử dụng, khai thác hiệu quả, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trong đó, đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, Phó Thủ tướng nêu một số chính sách cần lấy ý kiến cụ thể như: Phương thức tạo và phát triển quỹ đất; các hình thức tiếp cận đất (đấu thầu, đấu giá, chỉ định, tự thỏa thuận…) bảo đảm cải cách thủ tục hành chính, minh bạch, tránh rủi ro cho doanh nghiệp.
Đồng thời, về vấn đề kinh tế đất đai, theo Phó Thủ tướng, cần tập trung vào phương pháp tính toán, định giá bởi nếu định giá đất đai không chính xác sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy phức tạp do nguyên nhân chủ quan, duy ý chí.
“Hiện nay có 5 phương pháp định giá đất đai nhưng rất khó chính xác nếu không tạo được cơ sở dữ liệu rõ ràng, thống kê đầy đủ giá trị, hoạt động kinh doanh, từ đó xây dựng bảng giá đất sát nhất với giá trị thị trường trong điều kiện bình thường, ổn định, có sự điều tiết của nhà nước và được cập nhật khi có biến động.
Bảng giá đất sẽ là căn cứ thực hiện các hoạt động thu hồi, đền bù, sử dụng đất đai công bằng, minh bạch; đồng thời, điều hòa giá trị gia tăng từ đất đai, bảo đảm công bằng giữa người dân, nhà nước, doanh nghiệp cũng như giữa các khu vực, vùng miền, địa phương, thậm chí giữa các dự án có tính chất khác nhau”, Phó Thủ tướng chia sẻ.
Tại Hội thảo, Phó Thủ tướng cũng lưu ý và đề nghị các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp góp ý về các nội dung liên quan đến hình thức thu hồi đất đai; nghịch lý “2 chính sách và 2 giá”…
Theo Phó Thủ tướng, với tư cách là cơ quan quản lý, chịu trách nhiệm trước người dân, Nhà nước phải định giá, quyết định việc chuyển dịch đất đai, định hướng để trong quá trình chuyển dịch, những doanh nghiệp phát triển dự án và người dân bị thu hồi đất đều có lợi.
“Phải lượng hóa, có tiêu chí cụ thể về cơ sở hạ tầng, chỗ ở, sinh kế, an sinh xã hội, thiết chế văn hóa… để người dân tái định cư có điều kiện sống tốt hơn nơi ở cũ”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Hội thảo cũng lắng nghe, tiếp thu những ý kiến góp ý xây dựng Dự thảo Luật (sửa đổi) từ các chuyên gia, cùng những góp ý từ thực tiễn của cộng đồng doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Luật Đất đai sửa đổi: Bổ sung quy định quản lý và sử dụng đất lấn biển
11:10, 08/03/2023
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Bảo đảm quyền bình đẳng giới trong quản lý, sử dụng đất đai
08:00, 08/03/2023
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần làm rõ vai trò của từng cấp chính quyền
04:50, 08/03/2023
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Một số điều khoản về hạ tầng khu công nghiệp chưa phù hợp
03:30, 08/03/2023
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần đảm bảo quyền lợi cho người dân trong thu hồi đất
04:00, 07/03/2023