Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi): Cần xây dựng tiêu chí cụ thể về “nhà ở thỏa đáng”

Bài: GIA NGUYỄN - Ảnh: QUỐC TUẤN 22/03/2023 11:00

Để thực hiện tốt hơn quyền có chỗ ở và quyền sở hữu nhà ở, góp ý Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị cơ quan soạn thảo đảm bảo tiêu chí “nhà ở thỏa đáng”…

>> Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi): Cần chi tiết nội dung ghi trên “sổ hồng”

Theo đó, tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), để bảo đảm thực hiện tốt hơn nữa quyền có chỗ ở và quyền sở hữu nhà ở, một trong những quyền căn bản, thiết yếu của con người theo Công ước quốc tế và Hiến pháp 2013, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần đảm bảo tiêu chí “nhà ở thỏa đáng” trong phát triển các loại hình nhà ở.

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần đảm tiêu chí “nhà ở thỏa đáng” - Ảnh minh họa

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần đảm tiêu chí “nhà ở thỏa đáng” - Ảnh minh họa

Cụ thể, phản biện xã hội về Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, Dự thảo đã kế thừa Luật Nhà ở hiện hành quy định về 6 loại nhà: nhà ở riêng lẻ; nhà chung cư; nhà ở thương mại; nhà ở công vụ; nhà ở phục vụ tái định cư; nhà ở xã hội.

Theo Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, khoản 2 Điều 35 Dự thảo Luật (sửa đổi) quy định: “Tiêu chuẩn diện tích nhà ở, bao gồm cả nhà lưu trú công nhân được thiết kế, xây dựng theo quy định của Luật này và phải phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng; đối với căn hộ chung cư thì phải thiết kế, xây dựng theo kiểu căn hộ khép kín, có diện tích sàn căn hộ không thấp hơn diện tích theo quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nhà chung cư. Tại khu vực nông thôn, việc xây dựng nhà ở phải phù hợp với phong tục, tập quán, kiến trúc nhà ở nông thôn theo từng vùng, miền; phải bao gồm các công trình phụ trợ phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của hộ gia đình, cá nhân”.

>> Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi): Tái thiết nhà chung cư cần suy xét thấu đáo

Đồng thời, quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên và của người dân trong giám sát việc tổ chức, thực hiện Luật Nhà ở sau khi được Quốc hội thông qua - Ảnh minh họa

Đồng thời, cũng đề nghị quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên và của người dân trong giám sát việc tổ chức, thực hiện Luật Nhà ở sau khi được Quốc hội thông qua - Ảnh minh họa

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, ở nhiều khu vực dân cư, đặc biệt là những khu dân cư có mức sống thấp, nhà ở cho người lao động thuê ở đô thị, tình trạng nhà ở không đạt “yêu cầu thỏa đáng về tính riêng tư, khoảng không, an ninh, ánh sáng, thông thoáng, kết cấu hạ tầng và địa điểm phù hợp với công việc và các cơ sở vật chất với chi phí hợp lý” mà Công ước quốc tế về quyền kinh tế, văn hóa, xã hội và chính sách phát triển nhà ở theo tinh thần Hiến pháp năm 2013 đã đề cập là rất lớn (về diện tích, công trình sinh hoạt, ngõ đi lại, độ thông thoáng, cảnh quan, kết cấu hạ tầng, thiết chế văn hóa…).

Trong khi đó, quy định về tiêu chuẩn nhà ở nêu trong Dự thảo Luật (sửa đổi) còn khá chung chung, chưa đưa ra được những tiêu chí xác định cụ thể để bảo đảm mục tiêu, yêu cầu “nhà ở thỏa đáng” khi phát triển các hình thức nhà ở.

Do vậy, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị, cơ quan soạn thảo cần rà soát, quy định ngay trong Luật những căn cứ, tiêu chí cơ bản theo những tiêu chuẩn của công ước đã nêu như: Diện tích, khoảng không, ánh sáng, kết cấu hạ tầng…, làm cơ sở cho Chính phủ quy định cụ thể trong các văn bản dưới Luật về tiêu chuẩn các loại nhà ở, bảo đảm việc phát triển nhà ở phải đáp ứng mục tiêu vì cuộc sống tốt nhất cho người dân.

Cùng với những nội dung đã nêu, để chính sách, pháp luật về nhà ở được xây dựng và thực hiện có hiệu quả, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung các quy định về quyền và nghĩa vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và người dân trong phản biện xã hội các chính sách trong Dự thảo Luật như: Sở hữu nhà ở; chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; phát triển nhà ở xã hội; quản lý, sử dụng nhà chung cư; phát triển nhà ở để phục vụ tái định cư; cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch về nhà ở…

Cần có quy định chặt chẽ, cụ thể về quyền và nghĩa vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong điều chỉnh quy hoạch nhà ở, khắc phục tình trạng thời gian vừa qua việc điều chỉnh quy hoạch còn lỏng lẻo, gây ra nhiều hệ lụy ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống xã hội (như tình trạng tắc đường, ngập lụt ở nhiều tỉnh, thành phố, thiếu sân chơi, trường học, nơi khám chữa bệnh và nhiều tiện ích công cộng khác) gây bức xúc trong nhân dân, có những hệ lụy không thể khắc phục được.

Đồng thời, quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên và của người dân trong giám sát việc tổ chức, thực hiện Luật Nhà ở sau khi được Quốc hội thông qua.

Có thể bạn quan tâm

  • Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi): Cần chi tiết nội dung ghi trên “sổ hồng”

    Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi): Cần chi tiết nội dung ghi trên “sổ hồng”

    03:50, 20/03/2023

  • Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi): Tái thiết nhà chung cư cần suy xét thấu đáo

    Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi): Tái thiết nhà chung cư cần suy xét thấu đáo

    04:50, 19/03/2023

  • Luật Nhà ở sửa đổi:

    Luật Nhà ở sửa đổi: "Bắt đúng bệnh để có đối sách phù hợp"

    22:00, 18/03/2023

  • Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi): Nhiều quy định chưa đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ

    Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi): Nhiều quy định chưa đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ

    04:00, 17/03/2023

  • Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi): Bất cập đề xuất chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư

    Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi): Bất cập đề xuất chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư

    04:50, 16/03/2023

Bài: GIA NGUYỄN - Ảnh: QUỐC TUẤN