Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: Cần giảm “gánh nặng” cho người làm công ăn lương

GIA NGUYỄN 31/03/2023 04:00

Với mức thuế suất phải đóng cao nhất, trong khi chi phí sinh hoạt ngày một leo thang, nhiều ý kiến cho rằng, sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, cần giảm “gánh nặng” cho người làm công ăn lương…

>> Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: Nên hướng tới điều tiết thu nhập thay vì tăng thu ngân sách

Theo quy định hiện hành, có 10 khoản thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) với các mức thuế suất và cách tính thuế khác nhau. Nhưng duy nhất thu nhập từ tiền lương tiền công áp dụng theo biểu thuế lũy tiến từng phần với các mức thuế từ 5 - 35%, còn các khoản thu nhập khác áp dụng theo thuế suất toàn phần chỉ từ 0,5 - 5% thuế TNCN cộng thêm với thuế giá trị gia tăng (GTGT) dao động từ 1 - 5%.

duy nhất thu nhập từ tiền lương tiền công áp dụng theo biểu thuế lũy tiến từng phần với các mức thuế từ 5 - 35% - Ảnh minh họa: QĐND

Duy nhất thu nhập từ tiền lương tiền công áp dụng theo biểu thuế lũy tiến từng phần với các mức thuế từ 5 - 35% - Ảnh minh họa: QĐND

Trong đó, thấp nhất là cá nhân bán hàng online khi có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm mới bắt đầu phải đóng thuế gồm 1% thuế GTGT và thuế TNCN 0,5%, tổng cộng nộp thuế 1,5% trên doanh thu. Hay các cá nhân có thu nhập từ các nền tảng xuyên biên giới như Google, Facebook, YouTube… trên 100 triệu đồng/năm trở lên phải nộp thuế TNCN 2% và thuế GTGT 5%, tổng cộng 7% trên doanh thu. Tính chung thì các cá nhân này nộp thuế ít hơn nhiều so với người làm công ăn lương.

Đánh giá về thực tế đã nêu, các chuyên gia cho rằng, đây là sự bất hợp lý trong quy định về thuế TNCN hiện hành. Đơn cử cùng với số tiền thu nhập 1,5 tỷ đồng/năm, cá nhân kinh doanh mỗi năm đóng thuế từ 22,5 - 105 triệu đồng tùy theo ngành nghề kinh doanh với thuế suất từ 1,5 - 7%. Trong khi đó, người đi làm nếu có thêm 1 người phụ thuộc sẽ được giảm trừ gia cảnh trong năm 184,8 triệu đồng, nên số thu nhập chịu thuế lên 1,31 tỷ đồng. Số thuế TNCN mà cá nhân này phải nộp lên 342 triệu đồng (28,5 triệu đồng/tháng x 12 tháng).

Như vậy, tỷ lệ thuế TNCN trên thu nhập là 22,8%, nếu so sánh với cá nhân kinh doanh buôn bán hàng hóa (chiếm tỷ trọng cao nhất trong các ngành nghề) chỉ nộp thuế ở mức 1,5% thì người làm công ăn lương đang phải đóng thuế cao hơn 15 lần.

Chưa kể, người làm công ăn lương cũng đang phải đóng thuế TNCN với tỷ lệ cao hơn cả doanh nghiệp. Thực tế hiện nay, thuế thu nhập doanh nghiệp là 20% và các doanh nghiệp chỉ nộp thuế trên phần lãi, sau khi đã khấu trừ các chi phí hợp lệ trong quá trình hoạt động, từ tiền lương tiền công của người lao động đến chi phí thuê tài sản, khấu hao tài sản, đào tạo… Trong khi đó, cá nhân chỉ được khấu trừ duy nhất 11 triệu đồng/tháng cho bao gồm tất cả chi phí tiêu dùng, ốm đau, học hành…

>> Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: Không thay đổi căn bản khó giải quyết từ gốc

Nhiều ý kiến cho rằng, sửa Luật Thuế TNCN Cần giảm “gánh nặng” cho người làm công ăn lương - Ảnh minh họa: ITN

Nhiều ý kiến cho rằng, sửa Luật Thuế TNCN cần giảm “gánh nặng” cho người làm công ăn lương - Ảnh minh họa: ITN

Thông tin với báo Thanh Niên, TS.Lê Đạt Chí - Phó trưởng khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đánh giá, biểu suất thuế TNCN hiện hành so với nhiều đối tượng cá nhân kinh doanh hay cả doanh nghiệp đều cao hơn nhiều.

Ví dụ, một cá nhân khi lập doanh nghiệp, nếu để hạch toán chi phí lương bình thường thì bản thân lãnh đạo cũng sẽ phải nộp thuế TNCN ở mức cao. Họ có thể “né” ngưỡng thuế cao lên mức 30 - 35% bằng cách nhận lương 0 đồng. Sau khi hạch toán đầy đủ chi phí thì phần lãi sau đó chỉ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 20%. Khi đó, nhiều chi phí của cá nhân lãnh đạo cũng được chuyển sang chi phí của doanh nghiệp như khám chữa bệnh, đào tạo hay thậm chí ăn uống hàng ngày…

“Theo ước tính 70% thu nhập của các gia đình là chi phí cho ăn uống hằng ngày nên khi vật giá gia tăng, họ bị tác động ngay lập tức. Thu nhập danh nghĩa không giảm, thuế vẫn đóng đủ nhưng chi phí tăng đồng nghĩa thu nhập thực tế đã giảm đi, người lao động sẽ khó có cơ hội để đảm bảo đời sống như trước đây hoặc dành chi phí để tự đào tạo, nâng cao tay nghề hay chỉ để tái tạo sức lao động. Tỷ lệ nộp thuế cao cũng một phần triệt tiêu động lực phấn đấu của người làm công ăn lương”, TS.Lê Đạt Chí chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm đã nêu, TS.Nguyễn Ngọc Tú - giảng viên Trường đại học Kinh doanh - Công nghệ Hà Nội cũng cho rằng, thuế TNCN lạc hậu nhất trong hệ thống thuế hiện nay. Thuế suất thì tính phần trăm cố định lên mức cao nhất 35% đối với người làm công ăn lương mà mức giảm trừ gia cảnh lại tính theo số tuyệt đối nên quy định không còn phù hợp với tình hình thực tiễn. Đặc biệt, cùng là thuế đánh trên thu nhập mà cá nhân chịu thuế cao hơn cả doanh nghiệp là quá vô lý.

Theo TS.Nguyễn Ngọc Tú, thời điểm soạn thảo luật Thuế TNCN, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp lúc đó vào khoảng 28 - 32%. Những năm sau đó mức thuế suất dành cho khối doanh nghiệp giảm dần xuống 20% cho đến hiện nay. Chưa kể vấn đề đang được quan tâm là thuế tối thiểu toàn cầu đang hướng đến mức thuế suất 17%. Thêm vào đó, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đề cập mức thuế suất cho đối tượng này thấp hơn, khoảng 17%.

Trong khi biểu thuế thu nhập đối với người làm công ăn lương tính theo lũy tiến từng phần nên trung bình tỷ lệ thuế trên thu nhập vào khoảng 22 - 25%, cao hơn rất nhiều so với thuế thu nhập doanh nghiệp. Chính vì vậy, cần sớm điều chỉnh giảm thuế suất đối với cá nhân để đồng bộ so với thuế thu nhập doanh nghiệp.

TS.Nguyễn Ngọc Tú kiến nghị, cho phép cá nhân được trừ các khoản chi lớn nhất trong cuộc đời: các khoản chi liên quan nhà đất như sửa chữa, mua nhà, thuê nhà, trả tiền nợ vay ngân hàng mua nhà…; tiền đầu tư học hành và chữa bệnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc. Những khoản chi phí này hiện người nước ngoài cũng được khấu trừ khi có hóa đơn, chứng từ. Điều này sẽ thúc đẩy mọi người lấy hóa đơn, giám sát các hoạt động bán hàng, chống thất thu thuế từ hoạt động kinh doanh…

Có thể bạn quan tâm

  • Sửa Luật thuế Thu nhập cá nhân: Giảm gánh nặng cho người dân

    Sửa Luật thuế Thu nhập cá nhân: Giảm gánh nặng cho người dân

    05:00, 30/03/2023

  • Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: Nên hướng tới điều tiết thu nhập thay vì tăng thu ngân sách

    Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: Nên hướng tới điều tiết thu nhập thay vì tăng thu ngân sách

    05:00, 28/03/2023

  • Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: Không thay đổi căn bản khó giải quyết từ gốc

    Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: Không thay đổi căn bản khó giải quyết từ gốc

    04:00, 27/03/2023

  • Những điều cần lưu ý khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2022

    Những điều cần lưu ý khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2022

    00:35, 20/03/2023

  • Thu thuế thu nhập cá nhân người mất việc: Nên xem xét lại

    Thu thuế thu nhập cá nhân người mất việc: Nên xem xét lại

    04:06, 10/03/2023

GIA NGUYỄN